Vĩnh Phúc đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng

(ĐTCK) Cùng với mục tiêu trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp trong nước, Vĩnh Phúc đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN), coi đây là ba thế chân kiềng để tạo xung lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Vĩnh Phúc đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng

Đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp 3 quý đầu năm 2017, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, toàn tỉnh có 940 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 6.390 tỷ đồng, tăng 51% về số doanh nghiệp và tăng 89% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế đến hết tháng 9/2017, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 8.325 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 69.000 tỷ đồng, trong đó 68,5% doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, công tác sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu khu vực DNNN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2017, tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 và phương án sắp xếp, đổi mới tổng thể DNNN giai đoạn 2016 - 2020.

Tính đến nay, tỉnh đã tổ chức bán đấu giá cổ phần của Trung tâm Tư vấn, giám sát xây dựng công trình giao thông; phê duyệt phương án cổ phần hóa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới; đồng thời phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Vĩnh Phúc và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về phương án chuyển đổi Trại nghiên cứu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, hoạt động thu hút doanh nghiệp FDI đạt được kết quả khả quan. Tính đến hết tháng 9/2017, Vĩnh Phúc đã thu hút được 253 dự án FDI từ các nhà đầu tư đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký 3,7 tỷ USD, bình quân 14,6 triệu USD/dự án, suất đầu tư trung bình 3,66 triệu USD/ha.

Trong đó, có 185 dự án đã đi vào sản xuất - kinh doanh, chiếm 72,3% tổng số dự án, vốn thực hiện ước đạt 62% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng với khu vực kinh tế trong nước, các doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp lớn cho ngân sách địa phương cũng như tăng trưởng xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để phát huy tối đa tiềm năng của ba thế chân kiềng, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục hành chính, thủ tục thuế, cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất - kinh doanh một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.

“Xác định thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh, chính quyền Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực tài chính, đất đai, đổi mới khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường. Đặc biệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn, rào cản để giải phóng sức sản xuất và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh”, ông Thành nói.

Liên quan công tác đổi mới sắp xếp khu vực DNNN, nhất là các doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh quản lý, ông Thành cho hay, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 28/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Theo đó, ngoài 5 DNNN duy trì 100% vốn nhà nước, bán vốn tại 1 doanh nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ hoàn tất thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại 5 DNNN trong 2 năm 2017 - 2018, thoái vốn nhà nước và bán toàn bộ phần vốn nhà nước (35%) tại 4 DNNN trực thuộc UBND tỉnh trong năm 2019.

Bên cạnh đó, trong 2 năm 2017 - 2018, tỉnh sẽ tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, chuyển đổi thành công ty cổ phần đối với 6 đơn vị sự nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt.

"Việc đổi mới và sắp xếp lại các DNNN trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai theo hướng khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đồng thời, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng để huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội và thực hiện tái cơ cấu kinh tế”, ông Thành chia sẻ.                    

Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ:

Năm 2017, thực hiện thoái vốn nhà nước tại 3 công ty:

+ CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc, tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái là 61,59%.

+ CTCP Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên, tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái là 50,46%.

+ CTCP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái là 35%.

Năm 2018, thực hiện thoái vốn nhà nước tại 2 công ty:

+ CTCP Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc, tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái là 61,75%.

+ CTCP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc, tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái là 40,48%.

Năm 2019, thực hiện thoái vốn nhà nước - bán toàn bộ phần vốn nhà nước (35%) tại 4 công ty:

+ CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc

+ CTCP Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên

+ CTCP Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc

+ CTCP Quản lý và Sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục