Việt Nam nợ nước ngoài 20 tỉ USD

Ngày 6/12, các nước và tổ chức quốc tế cho Việt Nam vay tiền sẽ đối thoại với chính phủ trong cuộc gặp lớn nhất hàng năm Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam.
Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

 

Cùng với Nhật Bản và EU, Ngân hàng thế giới là một trong những tổ chức tích cực cho Việt Nam vay nhiều tiền nhất.

 

Năm ngoái các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam vay khoảng 4,4 tỉ đô la. Hiện nay Việt Nam đang nợ các nhà tài trợ bao nhiêu tiền, thưa ông ?

 

Ông Ajay Chhibber: Tôi không thể đưa con số chính xác được vì Việt Nam vay cả bằng đồng yen và euro mà tỉ giá hai loại tiền này đang tăng lên hàng ngày so với đô la. Nhưng ước lượng khoảng 20 tỉ đô la.

 

Số nợ này không cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Nợ lại có lãi suất thấp nên số tiền trả nợ hàng năm không nhiều, chiếm khoảng 6% thu nhập từ xuất khẩu. Việt Nam đang có 20 tỉ đô la dự trữ nữa, nên nợ nước ngoài không phải là vấn đề lớn ở Việt Nam hiện giờ.

Ở nhiều nước khác, dân chúng rất lo lắng khi chính phủ vay tiền nước ngoài, thậm chí còn có biểu tình. Ở Việt Nam dường như ít người biết về những khoản nợ này?

 

Các bạn đi đến các tỉnh thì sẽ thấy nhiều dự án đang được triển khai. Người dân các nước khác biểu tình khi họ thấy nợ tăng lên mà không thấy sự tăng trưởng. Họ không biết tiền vay đi đâu, có thể vào tay một số ít người tham nhũng, còn đa số người dân nghèo hơn, dịch vụ công cộng kém hơn.

 

Nhưng ở đây, bạn thấy Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới và nhiều người được hưởng lợi từ các dự án, cầu được xây, đường được mở. Các bạn đang ở vị trí ngược hẳn với những nước kia.

 

Nhưng có nhiều lo lắng về tham nhũng trong các dự án dùng tiền vay, như vụ PMU 18, cũng dùng tiền của Ngân hàng thế giới?

 

Tất nhiên phải lo lắng về tham nhũng. Ngân hàng thế giới không dung thứ cho bất cứ hành động tham nhũng nào. Nhưng người ta không bỏ túi riêng hết tất cả tiền. Thậm chí ngay trong vụ PMU 18, khoản tiền bị tham nhũng cũng rất nhỏ so với tổng số tiền của dự án, phần lớn tiền vẫn được sử dụng cho dự án. Chúng ta phải công bằng khi xem xét vấn đề này.

 

Vụ điều tra dự án 112 và kết tội 6-7 người trong vụ PMU 18 cho tín hiệu rằng chính phủ đang chống tham nhũng một cách nghiêm túc. Cuối cùng nợ này phải trả bằng tiền của bạn, tiền của tôi. Nếu ai đó lấy đi một khoản tiền, giá trị dự án, khoản nợ sẽ bị đội lên.

 

Vậy những điều kiện của nhà tài trợ khi cho chính phủ Việt Nam vay tiền là gì ?

 

Tôi không gọi đó là điều kiện mà là một hợp đồng. Mỗi dự án như một hợp đồng. Chúng tôi bàn với chính phủ cách thực hiện các kế hoạch phát triển xã hội. Chính phủ nói năm nay sẽ làm những điều này và các ông hãy giúp, xây dựng và nâng cấp 20-30 trường học chẳng hạn. Chính phủ nói chúng tôi sẽ thông qua những luật như thế này và chúng tôi nói hãy thông qua những luật thế này...

 

Nghe có vẻ giống điều kiện nhưng không phải. Mối quan hệ giữa chính phủ và các nhà tài trợ rất lành mạnh. Tôi nghĩ chính phủ rất quyết tâm đưa đất nước đi lên và công việc của chúng tôi là xúc tác cho điều đó xảy ra. Tôi nghĩ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm nay rất quan trọng vì chúng tôi sẽ bàn về giai đoạn phát triển mới và giữ vững những gì đã đạt được lâu nay.

 

Song song với cho vay và viện trợ không hoàn lại, các nhà tài trợ đã đưa ra nhiều lời khuyên cho chính phủ Việt Nam về phát triển đất nước. Phản ứng của chính phủ như thế nào với những lời khuyên này?

 

Chúng tôi không bao giờ nghe trả lời là chúng ta không thể làm như thế được. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe những lời khuyên, hấp thụ những gì tốt nhất cho đất nước. Khác với nhiều nước khác không chịu lắng nghe.

 

Những vấn đề và lời khuyên các nhà tài trợ đưa ra với chính phủ Việt Nam trong cuộc họp hôm nay là gì ?

 

Có ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất là chiến lược phát triển dài từ 2010 đến 2020. Chuyện gì sẽ xảy ra ở Việt Nam khi Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình. Làm thế nào giữ vững tăng trưởng mà đối phó được với những vấn đề về môi trường, nạn tắc đường, làm thế nào đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển.

 

Thứ hai là WTO đến nay có tác động tốt cho Việt Nam và bộc lộ quyết tâm cải cách của chính phủ. Nhưng vào WTO cũng mang lại một số vấn đề xã hội. Ví dụ như theo cam kết WTO, các cửa hàng lớn sẽ được phép mở ở Việt Nam , nhiều cửa hàng nhỏ sẽ bị ảnh hưởng. Làm thế nào quản lý được điều ấy để điều tồi tệ nhất không xảy ra.

 

Thứ ba là các vấn đề về quản trị quốc gia, tham nhũng, cải cách hành chính. Các nhà tài trợ muốn Việt Nam giảm tệ quan liêu, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục. Quyết định giảm số bộ và thông qua luật chống tham nhũng là rất tốt nhưng vấn đề hiện giờ là làm thế nào để thực thi nó. Việc công khai tài sản  nên làm thế nào cho hiệu quả. Việt Nam nên học những bài học gì từ các nơi khác...

 

Hội nghị có giúp chính phủ đưa ra quyết sách về lạm phát không?

 

Chúng tôi có bàn đến. Đây là vấn đề ngắn hạn nhưng được những người dân bình thường và cả những người làm chính sách quan tâm. Việt Nam đang làm rất tốt về tăng trưởng, đầu tư, xuất khẩu. Để giữ lợi thế cạnh tranh, Việt Nam phải giữ được giá trị tương đối thấp của tiền đồng so với đô la. Nhưng đô la đang mất giá nên làm lạm phát tăng cao hơn.

 

Lạm phát cũng bởi Việt Nam thu hút được rất nhiều vốn từ nước ngoài, gồm đầu tư, kiều hối, doanh thu xuất khẩu. Người ta phải hấp thụ nguồn tiền này và mua nhiều hàng hóa nên gây lạm phát.

 

Có hai cách để hấp thụ. Một là nâng cao giá trị tiền đồng với đô la, hai là dùng chính sách tiền tệ để hút tiền ra khỏi tay người dân. Ngân hàng trung ương đang cố gắng làm điều này nhưng rất khó vì tiền đổ vào rất lớn.  Lạm phát là hậu quả của sự thành công kinh tế quá mức và chính phủ cần biết cách làm thế nào để kiếm soát nó.

 

Trọng tâm của các dự án vốn vay ODA có thay đổi không, thưa ông ?

 

Việt Nam đã phát triển hơn nên trọng tâm có thay đổi. Ví dụ cần nâng cấp hoạt động nông nghiệp để có sản phẩm giá trị cao hơn nên chúng tôi hỗ trợ về phát triển marketing, an toàn thực phẩm… Giáo dục cũng chuyển trọng tâm từ giáo dục phổ thông sang giáo dục đại học vì đây là lĩnh vực quan trọng hiện nay. Y tế cũng chuyển từ y tế cơ bản sang lập bảo hiểm, nâng cấp các bệnh viện địa phương.

 

Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên nhưng Việt Nam vẫn cần vốn ODA vì ODA dành cho các dự án phát triển, như nông nghiệp, xây trường, bệnh viện, cơ sở hạ tầng… trong khi FDI chủ yếu để làm nhà máy, có lợi nhuận cho nhà đầu tư.  Nên dù Việt Nam sẽ sớm đạt mức thu nhập trung bình, tôi vẫn kêu gọi các nhà tài trợ đưa càng nhiều vốn ODA cho Việt Nam càng tốt.


TT

Tin cùng chuyên mục