VAMC cần đi vào hoạt động sớm nhất có thể

(ĐTCK) Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa được Chính phủ ban hành. Nhưng sẽ còn nhiều việc phải làm để định chế này đi vào giải quyết “khối u” nợ xấu”.
VAMC cần đi vào hoạt động sớm nhất có thể

> Không bán nợ cho VAMC có thể bị thanh tra

> Công ty VAMC chính thức được thành lập

VAMC không sử dụng tiền ngân sách

Theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 9/7/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập VAMC nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Đây sẽ là DN đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN.

VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, thực hiện các hoạt động như: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay...

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, VAMC ra đời nghĩa là sẽ thêm công cụ để giải quyết nợ xấu, nhưng điều đặc biệt là không sử dụng tiền ngân sách nhà nước để kỳ vọng giải quyết khoảng 82.000 tỷ đồng nợ xấu.

“Đây sẽ là việc vô cùng khó khăn, nhưng tôi cho rằng, VAMC có cơ hội để thực hiện được nhiệm vụ này, bởi Nghị định nêu rõ, VAMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu này được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN… Nghĩa là, VAMC - công ty con của NHNN đang tạo nên một niềm tin trên thị trường để xử lý các món nợ xấu”, TS. Hiếu nói.

VAMC cần đi vào hoạt động sớm nhất có thể ảnh 1Muốn hóa giải nợ xấu, cần sự ổn định của kinh tế vĩ mô

Bên cạnh đó, VAMC còn mua nợ xấu của TCTD theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, VAMC chỉ được phép mua các khoản nợ xấu đáp ứng những điều kiện sau. Thứ nhất, nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu DN, ủy thác mua trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN; nợ xấu có tài sản bảo đảm; nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; khách hàng vay còn tồn tại; số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của NHNN. Thứ hai, được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu. Thứ ba, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại. Thứ tư, khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. Với những khoản nợ xấu không đáp ứng các điều kiện trên, phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của NHNN.

“Có những ý kiến cho rằng, nợ xấu đã trở nên tốt hơn là không chính xác. Nếu NHNN không cho ra đời VAMC, chúng ta sẽ lại sống trong ảo ảnh, kéo nhau xuống hố.”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

 

Không phải “Cây đũa thần”

Nghị định 53 nêu rõ, TCTD sở hữu trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của NHNN theo quy định. Bên cạnh đó, sau khi trừ đi số tiền phải trả cho VAMC theo quy định, TCTD bán nợ còn được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu do khách hàng vay trả nợ; bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm thanh toán; bán nợ; bán và xử lý tài sản bảo đảm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, dù có quyền lợi nhất định nhưng các TCTD cũng như khách hàng vay, các bên có nghĩa vụ trả nợ vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý nợ xấu.

TCTD sở hữu trái phiếu có nghĩa vụ trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ VAMC.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cái được lớn nhất của VAMC là sẽ giúp các TCTD nhanh chóng “dọn dẹp” sạch bảng cân đối tài sản, qua đó tăng khả năng cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Ngoài ra, TCTD có thể sử dụng trái phiếu để vay vốn của NHNN, nên thanh khoản càng dồi dào. Với cộng đồng DN, việc chuyển toàn bộ nợ xấu về VAMC cũng sẽ làm “sạch” lý lịch tín dụng của DN; khi không còn nợ đọng tại ngân hàng, các DN dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng hơn.

Không những vậy, DN còn được VAMC điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh; áp dụng lãi suất phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; giảm một phần hoặc miễn toàn bộ phần lãi quá hạn... Trong trường hợp đánh giá thấy DN có khả năng phục hồi tốt, VAMC có thể đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ DN xử lý khó khăn tài chính tạm thời để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, thực hiện bảo lãnh cho DN vay vốn tại các TCTD nếu đánh giá thấy DN có khả năng phục hồi tốt hoặc có dự án mới có hiệu quả.

VAMC ra đời sẽ góp phần khơi thông những ách tắc tín dụng, từ đó hỗ trợ kinh tế phục hồi tăng trưởng. Bởi vậy, “dù còn rất manh nha, nhưng VAMC cần đi vào hoạt động sớm nhất có thể; trong quá trình vận hành sẽ điều chỉnh những khiếm khuyết nếu có”, TS. Hiếu nói.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) cho rằng, VAMC sắp đi vào hoạt động, cần phải có một cải cách toàn diện giúp thay đổi cách thức cho vay của các ngân hàng. Nếu các cách thức cho vay đó không được thay đổi, chúng ta có thể sẽ lại gặp phải các vấn đề như hiện tại, cũng như phải đối mặt với sự tuột dốc như trong vòng 3 năm qua.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung tháng 3 vừa qua, Thống đốc NHNN đã nói, VAMC không phải là “cây đũa thần” giải quyết mọi vấn đề. Nợ xấu của các DN, TCTD chuyển về VAMC thì trên thực tế vẫn còn đó. Muốn hóa giải nợ xấu, thực sự cần sự ổn định của kinh tế vĩ mô.  

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục