Vạch đường cho thập niên mới thu hút vốn ngoại

(ĐTCK) “Chọn bạn mà chơi”. GS.TS Nguyễn Mại đã nói như vậy khi bình luận về việc Việt Nam nên lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng lớn trong phát triển nền kinh tế, nhằm tạo nên một sức cộng hưởng tích cực từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Vạch đường cho thập niên mới thu hút vốn ngoại

Theo GS.TS Nguyễn Mại, trên chính trường quốc tế, Việt Nam đang ở vị thế “ngôi sao đang lên” khi có sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế. Thu hút vốn nước ngoài không phải là bài toán khó, mà cái khó là ở việc chọn lọc và tạo động lực cho dòng vốn này phát huy giá trị tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Mại bày tỏ sự vui mừng trước việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Các con số mục tiêu cụ thể về số lượng đi đôi với chất lượng đã được Bộ Chính trị đặt ra trong Nghị quyết cũng như yêu cầu đối với đầu tư nói chung và đầu tư FDI nói riêng, sẽ vạch đường cho một thập niên mới trong thu hút vốn ngoại.

Bên cạnh mục tiêu về lượng, mục tiêu về chất cũng được đưa ra rất rõ ràng, đó là hướng đến dự án chất lượng cao, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, thân thiện môi trường, tức là những dự án cần để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. “Ðó là cơ hội lớn để chúng ta thể hiện khát vọng dân tộc vươn lên lớn mạnh”.

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 40 - 50 tỷ USD/năm.

Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 20 - 30 tỷ USD/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 30 - 40 tỷ USD/năm. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng lên 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động tăng từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Bên cạnh các mục tiêu này, Bộ Chính trị đưa ra các định hướng giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu cần chú trọng trong thời gian tới. Trong đó, tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bộ Chính trị cũng chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng". Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Ðồng thời, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và quản lý ngoại hối về tài khoản mua bán, chuyển nhượng cổ phần.

Tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết số 50 được ban hành đúng thời điểm Quốc hội đang xem xét sửa đổi đồng thời 3 luật: Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.

Các dự án luật này sẽ tạo nền tảng pháp lý mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phân định rõ nét không gian cho dòng vốn đầu tư chảy trực tiếp vào Việt Nam và dòng vốn đầu tư chảy gián tiếp thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt. Nếu như Nghị quyết 50 đã chỉ ra rất rõ các lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên chọn lựa trong thu hút vốn ngoại thì các dự án luật tới đây kỳ vọng sẽ tiếp  tục “thông đường” cho vốn ngoại chảy mạnh mẽ và thông suốt hơn.

Liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam, 2 điểm vướng mắc nhất trong thu hút vốn ngoại là thiếu sản phẩm tài chính hiện đại và thiếu sự rõ ràng trong quy định về tỷ lệ được mua tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 điểm vướng này đều đã được nhận diện và có hướng sửa đổi trong các văn bản luật sắp tới nhằm tạo nên sự thống nhất về nền tảng pháp lý trong thu hút vốn ngoại.

Như chia sẻ của ông ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, “khung pháp lý tại Việt Nam dễ thay đổi là mối lo ngại nhất của các nhà đầu tư” và trong kỳ vọng mới, các nhà đầu tư đang chờ đón những chính sách thân thiện hơn từ Việt Nam.

Theo ông Kim Han Yong, dòng vốn đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm những địa chỉ an toàn  trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng bất định. Việt Nam đạt được sự ổn định, nhưng sức hấp dẫn như thế nào phụ thuộc vào chính sách tương lai của Chính phủ cùng các cơ quan thực thi.

Nghị quyết 50 đã vạch đường cho một thập niên mới trong thu hút vốn ngoại. Những chỉ đạo tại văn bản này tạo nên kỳ vọng và niềm tin mới cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp, người lao động và nhà đầu tư trong nước cùng hoàn thiện chính mình, để góp sức thực thi khát vọng vươn lên.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục