Ủy ban Quản lý vốn nhà nước loay hoay với các đại dự án

(ĐTCK) Không ít dự án có giá trị vốn đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty thuộc danh mục chuyển tiếp từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, do quy trình triển khai cũng như thẩm quyền, trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho các dự án của ACV, Vietnam Airlines... Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng cho các dự án của ACV, Vietnam Airlines...

Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong những dự án có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Ðối với dự án thuộc loại này, Luật Ðầu tư quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ACV phải trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh là TP.HCM xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để Bộ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, việc quản lý cảng hàng không, sân bay; quản lý đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch đầu tư/giao đất, thuê đất trong phạm vi các cảng hàng không, sân bay đều thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Do vậy, ACV nộp hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Ðầu tư là khó triển khai trên thực tế.

Các dự án đầu tư cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay đang trình của ACV cũng ách tắc ở khâu thẩm quyền đầu tư. Theo quan điểm của Ủy ban, Luật Hàng không dân dụng quy định doanh nghiệp cảng quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay có trách nhiệm đầu tư xây dựng các công trình công cộng hạ tầng, nhưng quyền đầu tư mở rộng các công trình mang tính thương mại như nhà ga thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp phải theo đúng quy hoạch của nhà nước. Luật Hàng không dân dụng hiện hành tuy có quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cảng hàng không trong vấn đề này, song không quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc lập kế hoạch, quyền thực hiện kế hoạch đầu tư theo kế hoạch của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ACV gặp vướng mắc với các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp khu bay. Khi ACV được cổ phần hóa năm 2015, khu bay gồm đường băng, đường lăn của 22 cảng hàng không không được đưa vào giá trị cổ phần hóa theo quy định về quản lý tài sản công. Trong điều kiện ngân sách chưa thể bố trí nên việc ACV đầu tư cải tạo một số công trình cấp bách như 2 đường băng 1A Nội Bài và 25R Tân Sơn Nhất không thể thực hiện được. Cơ chế hiện hành cũng chưa cho phép ACV sử dụng vốn tự có để thực hiện dự án như trước khi cổ phần hóa, trong khi vẫn phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh bay.

Ðối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, cổ phần hóa năm 2014), dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp có tổng mức đầu tư dự kiến 88.000 tỷ đồng gặp vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp trình phê duyệt dự án (Vietnam Airlines đã trình Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội xin phê duyệt chủ trương đầu tư).

Theo Vietnam Airlines, doanh nghiệp mua tàu bay nhằm hình thành tài sản cố định để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, các quy định của Luật Ðầu tư 2014 về đối tượng áp dụng, khái niệm về đầu tư kinh doanh và hình thức đầu tư vẫn chưa có quy định cụ thể cho đối tượng là dự án đầu tư mua sắm tài sản phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp như dự án này. Thực tế, trong quá trình lấy ý kiến của các cơ quan quản lý liên quan về dự án, có nhiều ý kiến chưa thống nhất về việc áp dụng luật, quy định, quy trình cho các thủ tục triển khai.

Do đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị, khi mua sắm thiết bị trong quá trình triển khai dự án trên, Vietnam Airlines tiếp tục được thực hiện theo Nghị định 110/2011/NÐ-CP (đây là văn bản pháp luật chuyên ngành về quản lý hoạt động thuê mua tàu bay, động cơ phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng…).

Một loạt dự án có cấu phần xây lắp trong nhiều lĩnh vực trọng yếu như năng lượng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đang ách tắc. Trong đó, dự án của EVN đang vướng do phải áp dụng quy định của pháp luật về xây dựng.

Ðơn cử, đối với dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân của EVN trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chuyên môn phải thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong cơ cấu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không có cơ quan chuyên môn về xây dựng, nên Ủy ban chưa đảm nhận được việc này.   

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục