Tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chưa đạt 1% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản

(ĐTCK) Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, nhưng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của đất nước này còn nhỏ, kỳ vọng sẽ tăng lên 2 - 3 lần.
Cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Vietj Nam - Nhật Bản giai đoạn VII,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 10/1/2019 Cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Vietj Nam - Nhật Bản giai đoạn VII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 10/1/2019

Trong phát biểu kết luận cuộc họp Đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản chiều 10/1 vừa qua, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, năm 2018, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 8,6 tỷ USD, chiếm hơn 24% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị lũy kế là 57 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản là 6.000 tỷ USD, thì Việt Nam chưa được 1%, kỳ vọng sẽ tăng lên ít nhất 2 - 3%.

Trước đó, phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Hoàng cho hay, năm 2018, quy mô GDP của Việt Nam đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 470 tỷ USD, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp…

Cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Vietj Nam - Nhật Bản giai đoạn VII,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 10/1/2019 

Những nỗ lực về cải cách, đổi mới của Chính phủ đã tạo ra những kết quả khả quan.

Lũy kế đến cuối năm 2018, Việt Nam thu hút được 27.353 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 340 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 191,4 tỷ USD. Riêng năm 2018, tổng vốn đầu tư thực hiện là 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 và cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất về vốn đầu tư vào Việt Nam.

Kết quả trên một phần là nhờ hai bên nỗ lực thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, được triển khai từ năm 2003, hiện đang bước vào giai đoạn VII, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Giai đoạn VII được thực hiện trong 17 tháng, từ 8/2018 đến cuối năm 2019.

Trong 6 giai đoạn trước của Sáng kiến, có 386/473 tiểu hạng mục trong kế hoạch hành động được triển khai tốt và đúng tiến độ. Giai đoạn VII có tổng cộng 63 hạng mục, trong đó 25 tiểu mục được thực hiện tốt, 19 tiểu mục đang triển khai theo tiến độ, 10 tiểu mục chưa được triển khai, 9 tiểu mục đang được thảo luận điều chỉnh.

Kế hoạch hành động giai đoạn VII đề cập đến những vấn đề vĩ mô gắn với những chính sách lớn khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam nói chung, cũng như sẽ đẩy mạnh hơn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Cụ thể, kế hoạch hành động giai đoạn VII bao gồm 9 nhóm vấn đề: Những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; Cải thiện cơ chế tư pháp; Luật Đất đai; Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Lao động – tiền lương; Khung chính sách về PPP; Hoàn thiện hệ thống pháp  luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; Dịch vụ.

Cũng tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ, phần thảo luận kế hoạch hành động giai đoạn VII đã được đại diện các bộ, ngành Việt Nam và các nhóm công tác phía Nhật Bản rà soát các nhóm vấn đề, đánh giá những việc đã làm được và thảo luận các đề xuất của hai phía nhằm triển khai có hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Daisuke Okabe, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là sáng kiến 2 bên cùng “win - win”. Trong đó, Việt Nam đã thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân…

"Sáng kiến chung sẽ đẩy mạnh hiệu quả cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", ông Daisuke Okabe cho biết thêm.

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 ghi nhận những kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đánh giá, tổng điểm môi trường kinh doanh Việt Nam tăng so với năm trước, đạt 69/190 nền kinh tế.

Còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018 xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 5 bậc so với năm 2017 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước. 

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục