Trái ngọt trong hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào - Campuchia

Hàng tỷ USD đã được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, Campuchia và đến nay, các doanh nghiệp này cũng đã thu những dòng lợi nhuận. Đó là minh chứng cho thành công trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với 2 nước láng giềng.
Trong 10 năm hoạt động, thương hiệu Metfone của Viettel tại Campuchia đạt tổng doanh thu 2,245 tỷ USD. Trong 10 năm hoạt động, thương hiệu Metfone của Viettel tại Campuchia đạt tổng doanh thu 2,245 tỷ USD.

Trái ngọt tỷ USD

Tuần qua, Metfone - thương hiệu đầu tiên của Tập đoàn Viettel tại nước ngoài - đã công bố kết quả kinh doanh sau 10 năm hoạt động tại Campuchia. Theo đó, doanh thu lũy kế tính đến nay đạt 2,245 tỷ USD, lợi nhuận lũy kế đạt gần 300 triệu USD, với EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) luôn duy trì ở mức trên 40%. Đến hết năm 2018, Metfone đã giúp Viettel hoàn vốn về cổ tức gần 250 triệu USD, gấp gần 6 lần vốn đầu tư. Thị trường này đã hoàn vốn sau 4 năm kinh doanh.

Không chỉ vậy, một “đứa con” khác của Viettel là Unitel cũng đang rất thành công tại thị trường Lào khi có tới hơn 3 triệu khách hàng, chiếm 54% thị phần viễn thông; doanh thu lũy kế đạt hơn 1,35 tỷ USD.

Con số doanh thu hơn 2 tỷ USD lũy kế tại Campuchia và hơn 1,35 tỷ USD tại Lào chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của Viettel nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại 2 quốc gia láng giềng.

Đây là một con số không hề nhỏ so với quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam và điều này càng khẳng định, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có đủ tiềm lực để “chinh chiến” ở thị trường ngoại. Họ đã thành công và nắm trong tay doanh thu cả tỷ USD.

Không chỉ Viettel, mà hàng loạt tên tuổi lớn của Việt Nam đã “mang chuông đi đánh xứ người” và cũng thu được hiệu quả cao. Chẳng hạn, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư hàng loạt dự án trồng cao su, cọ dầu ở Lào. Tập đoàn này cũng đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động, góp phần mang về doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng chỉ riêng tại thị trường Lào.

Bên cạnh đó, có thể kể hàng loạt dự án quy mô lớn khác, như Dự án Thủy điện Xecamản 3 của Công ty cổ phần Điện Việt - Lào đã đi vào hoạt động; hay Dự án Thủy điện Xecamản 1, Dự án Đường dây tải điện từ Xecamản về Pleiku...; các dự án trồng cây cao su và cây công nghiệp tại Lào, với tổng diện tích hiện lên tới 70.000 ha...

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào và Campuchia đã liên tục tăng trong thời gian qua, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 409 dự án, với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD. Trong khi đó, vốn đầu tư lũy kế của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đạt hơn 3 tỷ USD, với 210 dự án.

“Nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả, sản xuất - kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, tạo việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại hai quốc gia láng giềng”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Tiềm năng vẫn rộng mở

Vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào, Campuchia vẫn đang tiếp tục chảy. Cơ hội càng thêm rộng mở khi hợp tác Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng tốt đẹp hơn, với các chuyến thăm cấp cao song phương liên tục được thực hiện.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và  thăm cấp nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là dịp để Việt Nam tập trung củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện trong giai đoạn phát triển mới với hai quốc gia láng giềng.

Dự kiến, nhiều thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết nhân hai chuyến thăm này và đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, trong

đó có quan hệ thương mại và đầu tư với hai quốc gia. Động thái này được cho là sẽ tạo cú hích để vốn đầu tư từ Việt Nam tiếp tục “chảy” sang Lào, Campuchia.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho biết, Đề án Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào - Campuchia đang được xây dựng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa dòng vốn đầu tư, không chỉ là vốn đăng ký, mà còn là vốn giải ngân.

Không chỉ vậy, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam cũng đang có sự chuẩn bị cho hợp tác trong giai đoạn mới. Theo đó, ba nước sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, xây dựng kế hoạch hằng năm để triển khai Kế hoạch Hành động kết nối ba nền kinh tế.

Về thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, ba nước sẽ phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong Khu vực Tam giác phát triển nhằm phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực; tích cực hỗ trợ các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tam giác Phát triển.

Đồng thời, đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại và du lịch theo hướng hiệu quả hơn. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch qua cửa khẩu theo phương châm “ba quốc gia, một điểm đến”. Sớm hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và triển khai thực hiện.

Ông Souphan Keomixay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào:

 Phía Lào đánh giá rất cao chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sau khi được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước.

Tôi tin tưởng rằng, kết quả chuyến thăm Lào lần này sẽ góp phần tiếp tục thắt chặt, tăng cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, làm nền tảng giúp khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của hai nước trong hợp tác, đầu tư phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.

Anh Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục