TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công cao nhưng chưa đạt yêu cầu

Tính đến ngày 26/5, TP.HCM đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 8.000 tỷ đồng, đạt 20,3%. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa đạt so với yêu cầu của Chính Phủ.
TP.HCM phấn đấu đến ngày 15/10 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 80% (ảnh: Trọng Tín) TP.HCM phấn đấu đến ngày 15/10 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 80% (ảnh: Trọng Tín)

Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP.HCM, cho biết tính đến ngày 26/5, thành phố đã giải ngân 8.480 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tỷ lệ.

Nếu tính cả khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 8.349 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 40,36% kế hoạch.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ và bối cảnh hiện nay, kết quả nêu trên vẫn chưa đạt, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế thành phố trong trạng thái bình thường mới.

Một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại các công trình trọng điểm. Tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp phải chờ mặt bằng thi công diễn ra khá phổ biến.

Để tháo gỡ các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, cá nhân người đứng đầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân.

“Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện”, ông Phong nói và đưa ra chỉ tiêu cụ thể, đến ngày 30/6 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 50%; đến ngày 15/10 phải đạt từ 80%.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư định kỳ hai tuần/lần tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các đơn vị liên quan, báo cáo UBND thành phố.

Từ đó, lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để tham mưu đề xuất thảo luận giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư của thành phố.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp các sở, ngành, quận, huyện rà soát quy định pháp luật liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, thẩm tra, cấp giấy phép... theo hướng đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục, trình UBND thành phố trước ngày 10/6. Kho bạc Nhà nước thành phố phải thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn bốn ngày làm việc.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng phân công ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoàn trả tạm ứng và các vướng mắc khác của các tuyến đường sắt đô thị thành phố; làm việc với Kho bạc Nhà nước thành phố, các Ban quản lý dự án để giải quyết dứt điểm việc hoàn trả tạm ứng và quyết toán các dự án.

Riêng ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố được giao làm việc với UBND các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú để giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục