Thuế thu nhập cá nhân: Nên khoan sức dân “thời gian khó”

(ĐTCK) Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư khai mạc ngày 20/10/2012 xem xét thảo luận, với dự kiến áp dụng từ 1/1/2014.
Thuế thu nhập cá nhân: Nên khoan sức dân “thời gian khó”

Theo phương án mới nhất Chính phủ trình ra Quốc hội, mức khởi điểm chịu thuế TNCN được nâng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội vừa có quan điểm cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế chỉ nên là 7 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh nên là 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Tâm sự người nộp thuế

Trên TTCK hiện có khoảng 2.000 nhân sự làm việc tại các CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư với thu nhập thuộc diện phải chịu thuế TNCN. Năm 2010, trong một cuộc gặp mặt một nhóm làm việc trong ngành này, chị Nguyễn Huyền Trâm, Phó chánh văn phòng của một CTCK lớn tự hào kể với bạn bè về số tiền thuế TNCN mà chị đã nộp trong năm là 45 triệu đồng. Sang năm 2011, số thuế TNCN chị nộp cao hơn năm 2010, khoảng 55 triệu đồng, nhưng thái độ của chị đã không còn có sự vui vẻ, sự sẵn sàng nộp thuế như năm trước nữa. Lý do là thu nhập năm 2011 có tăng, nhưng chi phí cho cuộc sống lại tăng gấp mấy lần. “Nhìn khoản thuế đã nộp lên tới 55 triệu đồng, tôi thật xót xa khi so với khoản tiền tiết kiệm cá nhân hầu như không có sau 1 năm lao động cật lực”, chị Trâm chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 15,8 triệu người được cấp mã số thuế, trong đó, có 1,3 triệu người đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế TNCN, tính đến hết năm 2011. Khoản tiền thu từ thuế TNCN đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách nhà nước (NSNN). Năm 2009, thu từ thuế TNCN đóng góp 3,4% cho NSNN (trong năm này, Quốc hội miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh và tiền lương, tiền công, miễn thuế cả năm đối với thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn). Năm 2010, khoản thu từ thuế TNCN đóng góp 4,7% tổng thu NSNN và con số này của năm 2011 là 5,5%.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh những gì đã đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định đã bộc lộ tồn tại, hạn chế chưa phù hợp với thực tiễn. Nổi cộm nhất là quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; giảm trừ cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/người/tháng, là không phù hợp với thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, biểu thuế áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có mức thuế suất cao nhất lên tới 35% chưa đảm bảo tính cạnh tranh và chưa khuyến khích, thu hút các chuyên gia giỏi có thu nhập cao vào Việt Nam làm việc.

Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng phải đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nói riêng trên TTCK, nếu những năm 2007-2008-2009, nhân sự làm việc trong ngành này có thu nhập từ lương ở mức cao (từ 5-200 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thu nhập khác) và khá dễ dàng thì từ năm 2010, TTCK suy giảm nghiêm trọng kéo nhiều DN, nhiều cá nhân vào tình trạng khánh kiệt. Rất nhiều nhân sự đã bị mất việc làm, thu nhập từ tiền lương giảm mạnh. Với nhân sự còn có việc làm tại CTCK, tham khảo của ĐTCK cho thấy, lương nhân viên chỉ từ 4-10 triệu đồng; trưởng phòng từ 10-40 triệu đồng; lương giám đốc từ 30-70 triệu đồng, chưa kể người được hưởng lương cao hầu như phải chịu áp lực doanh số (thu nhập thực mang về cho công ty). Trong bối cảnh khó khăn như vậy, khoản thuế TNCN được định hình trên mức giảm trừ quá thấp cứ lạnh lùng “cắt” thẳng vào thu nhập của người nộp thuế, khiến tâm lý bị tận thu, thậm chí bất bình với chính sách thuế TNCN là phổ biến.

 

Thuế thu nhập cá nhân: nên khoan sức dân “thời gian khó”

Đứng trước thực tế về sự bất cập của chính sách thuế TNCN, trong phương án Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội đã đề cập đến việc sẽ nâng mức thu nhập khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/tháng. Một điều chỉnh lớn nữa là việc sẽ bỏ bậc thuế suất cao nhất 35% và giữ nguyên các bậc thu nhập tính thuế và thuế suất như hiện nay. Theo đó, biểu thuế mới dự kiến sẽ chỉ còn 6 bậc, thuế suất cao nhất ở bậc 6 là 30%.

Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, để sửa Luật thuế TNCN lần này, Bộ Tài chính đã tham khảo kinh nghiệm và cách thu thuế của nhiều nước khác. Chẳng hạn Indonesia đã giảm thuế cao nhất từ 35% xuống 30%; Malaysia cũng đã giảm từ 28% xuống 26%, Singapore cũng giảm thuế suất cao nhất, hiện chỉ còn 20%... Đây là một trong những lý do để Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cắt đi bậc thu thuế cao nhất (35%) và chỉ giữ lại 6 bậc thuế.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, phương án Bộ Tài chính, Chính phủ đưa ra là khá phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại. Vì thế, khi Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội công bố quan điểm nên giảm mức thu nhập khởi điểm chịu thuế xuống 7 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh giảm còn 2,8 triệu đồng/người/tháng, đã khiến nhiều người bất ngờ và không thật đồng thuận. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, nhất là đối tượng nộp thuế, một chính sách thuế khoan sức dân, để hướng đến nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn là điều các nhà làm luật nên hướng đến.

Thuế thu nhập cá nhân: Nên khoan sức dân “thời gian khó” ảnh 1  
“Thay vì tăng thu cho ngân sách, hãy quyết liệt thực hiện giảm chi”

GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính DN, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

Tôi cho rằng, chính sách thuế nên làm sao để người dân dễ thở, đừng chỉ nhìn trên lý thuyết hay những con số. Thực tế những năm qua, lạm phát liên tục tăng và đời sống người dân đã khó khăn hơn rất nhiều. Một chính sách thuế phù hợp, ngoài dựa trên thực tiễn cuộc sống, cần phải nhìn về dài hạn. Người dân nói chung và DN nói riêng phải được tạo điều kiện để tích lũy thì mới có cơ hội đầu tư thêm và gia tăng thu nhập. Vì mục tiêu dài hạn và nhất là đặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách thuế  phải nghiêng về cắt giảm, nới lỏng để người dân được thoải mái hơn là siết lại.

Tôi cho rằng, có nhiều cách để cải thiện thu - chi ngân sách. Thay vì tăng thuế, chúng ta cần tìm cách giảm chi. Những nguồn chi cho DNNN, cho tập đoàn, cho địa phương, cho đầu tư công không phù hợp…, nên mạnh tay cắt. Nếu làm rốt ráo và hiệu quả, giảm chi sẽ đáng kể. Khi đó, dù giảm, giãn hay thậm chí không thu thuế cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến NSNN.

 
 

“Chính sách thuế nên có các hệ số điều chỉnh mang tính vùng miền”

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCKBảo Việt

Xây dựng chính sách thuế TNCN theo tôi, trước hết phải dựa trên yếu tố thu nhập, chi phí đời sống của từng vùng miền. Cụ thể ở thành thị, mức giảm trừ gia cảnh cho 1 người phụ thuộc ở 3,6 triệu là thấp, trong khi mức này với những người có thu nhập ở nông thôn là cao. Vì thế, theo tôi, chính sách thuế nên có các hệ số điều chỉnh mang tính vùng miền, để có thể sát sao hơn đến đời sống thực của người nộp thuế.

Về mức khởi điểm chịu thuế, tôi nghiêng về phương án chọn mức 7 triệu đồng, vì thực tế, mức này không phải là thấp, số người có thu nhập đến 7 triệu đồng là không nhiều.

 
 
“DN nên đứng ra gánh đỡ phần chịu thuế cho người lao động”

Ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí  Petroseco (PET)

Tôi cho rằng, khi đưa ra đề xuất mức khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh 2,8 triệu đồng hẳn Ủy ban tài chính Ngân sách Quốc hội đã có nghiên cứu và tính toán có cơ sở. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh giữa DN và người lao động. Về đối tượng chịu thuế, khi mức thu nhập chịu thuế hạ xuống nghĩa là đối tượng nộp thuế sẽ được mở rộng thêm. Do vậy, tôi cho rằng, tốt nhất là DN nên đứng ra, gánh đỡ phần chịu thuế cho người lao động, nghĩa là DN sẽ chi tiền ra để đóng thuế TNCN cho người lao động, khoản này được tính vào chi phí hợp lý và doanh nghiệp sẽ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN. Đổi lại người lao động sẽ giảm mức thuế TNCN phải đóng. Đối với các trường hợp DN không cáng đáng được thì người lao động sẽ phải tự thực hiện chính sách này.

 
 
“Cả DN và người dân lúc này đều cần một chính sách thuế mang tính hỗ trợ nhiều hơn”

Ông Bùi Kiến Thành, Chuyên gia kinh tế

Mỗi nước đều có chính sách thuế thu nhập riêng. Tuy nhiên, dù chính sách thuế khác nhau thế nào thì họ phải tính toán rất kỹ các mức, ngưỡng thu nhập chịu thuế để đảm bảo rằng, bằng thu nhập đó, cuộc sống gia đình của người dân được ổn định, không quá khó khăn.

Việt Nam , chính sách thuế về lý thuyết cũng dựa trên nguyên tắc này, nhưng thực tế Việt Nam lại có những đặc thù riêng. Chẳng hạn, thu nhập chịu thuế thật ra chỉ là một phần thu nhập của người dân. Có rất nhiều nguồn thu không thành tiền hoặc thành tiền mà cơ quan quản lý không đong đếm được. Trong khi nguồn thu từ thuế TNCN ở Việt Nam không lớn, chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng thu ngân sách, vậy thì cớ gì chúng ta phải siết nguồn thu này?

Người dân đang đối mặt với nhiều vất vả do thu nhập giảm sút, DN làm ăn khó khăn nên hạn chế tăng lương thưởng, đời sống ngày càng đắt đỏ do lạm phát… Chính sách thuế vì thế cần tạo điều kiện để người dân vượt qua khó khăn và có được cuộc sống thoái mái. Chỉ như vậy họ mới mạnh tay cho tiêu dùng để tác động tích cực trở lại đến hoạt động kinh doanh của DN và của cả nền kinh tế.

Trên thực tế, nguồn thu thuế nên dựa từ thuế thu nhập DN. Chính DN sẽ đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm cho người dân có điều kiện đóng thuế. Trước mắt, trong bối cảnh quá nhiều khó khăn cho DN, DN cần được giảm miễn thuế, cần được tạo điều kiện để vượt khó. Một khi DN và nền kinh tế vượt qua khó khăn, nguồn đóng góp cho thuế trực tiếp (qua lợi nhuận) và gián tiếp (qua người lao động ăn lương) sẽ tăng. 

Tin cùng chuyên mục