Thất thu, bội chi “gánh nặng” với kinh tế

(ĐTCK-online) Sáng 5/9, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2005. Theo đó tình trạng thất thu và bội chi ngân sách vẫn phổ biến, nhiều dự án đầu tư lãng phí hàng chục tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Thất thu lớn

Qua kiểm toán ở 32 tỉnh, thành phố, có 18 địa phương dự toán thu nội địa (không kể thu từ đất) thấp hơn thực hiện năm 2004. Thất thu ngân sách vẫn còn lớn ở một số địa bàn và lĩnh vực, nhất là liên quan đến thuế. Tính đến 31/12/2005, tổng số nợ đọng thuế so với báo cáo của cơ quan thuế tăng thêm 1.076 tỷ đồng. Tại các DNNN, kiểm toán phát hiện và kến nghị tăng thu ngân sách nhà nước là 1.280,2 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là 92 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 342,6 tỷ đồng.  Nguyên nhân chủ yếu do DN kê khai thuế suất thuế GTGT, hạch toán thiếu doanh thu chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế đầu vào không đúng quy định...Kiểm tra hồ sơ thuế của 225 DN ngoài quốc doanh tại 23 tỉnh, KTNN xác định số thuế phải nộp tăng thêm 36 tỷ đồng. Việc hoàn thuế tại 15/32 địa phương sai quy định khiến ngân sách thất thu 8,5 tỷ đồng. Có tới 10/32 địa phương miễn giảm thuế không đúng đối tượng, kiểm toán kiến nghị thu hồi trên 20 tỷ đồng.

 

Bội chi tràn lan

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo kiểm toán là tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa hiệu quả. 29 trong tổng số 32 tỉnh được kiểm toán lại dự toán chi ngân sách vượt so với mức được giao. Cá biệt có những tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Bình Phước, Bình Dương, bội chi 20%. Thậm chí Phú Yên còn bội chi tới 51%. Hà Nội trong năm 2005 đã chi vượt mức được giao khoảng 17%.

Trong lĩnh vực chi đầu tư phát triển, ở các bộ, ngành, địa phương được kiểm toán, vẫn còn những bất cập, sai sót về quy hoạch, lập và thẩm định dự án, gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã quyết định đầu tư không đúng mục tiêu và vượt thẩm quyền 86,6 tỷ đồng. Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Bạc Liêu với tổng mức đầu tư 28,69 tỷ đồng xây dựng xong hầu như không sử dụng. Hạng mục đường hầm thuộc dự án cải tạo và mở rộng Viện Hải dương học Nha Trang - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đầu tư 7,068 tỷ đồng hoàn thành từ 2002 nhưng đến nay chưa được khai thác sử dụng, Khu công nghiệp nuôi tôm ven đường 14 thành phố Hải Phòng quy hoạch chồng chéo với dự án khác gây lãng phí 8,5 tỷ đồng, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 do chủ trương đầu tư không nhất quán gây lãng phí 3,3 tỷ đồng, việc lập và thẩm định dựa án đầu tư còn nhiều thiếu sót, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lầm làm kéo dài thời gian và tăng tổng mức đầu tư như dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội giai đoạn I tăng 1.278 tỷ đồng, dự án đầu tư mới dây chuyền sản xuất tại Công ty Giấy Việt Trì tăng 171 tỷ đồng...


DNNN xây dựng cơ bản lỗ nặng

  Báo cáo của KTNN cho thấy, kiểm toán 277/523 DN của 21 tổng công ty, tổ chức tài chính - ngân hàng có 76,5% DN được kiểm toán có lãi, 23% số DN thua lỗ. Kết quả này theo ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, khởi sắc hơn so với năm 2004. Tuy nhiên, tình trạng thua lỗ kéo dài, nợ nần vẫn tập trung chủ yếu vào các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

6/21 tổng công ty được kiểm toán trong năm 2005 đã thua lỗ tới hơn 351 tỷ đồng (luỹ kế đến 31/12/2005 là 985 tỷ đồng) như các tổng công ty: Thuỷ tinh và Gốm xây dựng năm 2005 lỗ 41 tỷ đồng; Xây dựng số 1 lỗ 69 tỷ đồng, Xây dựng miền Trung lỗ trên 66 tỷ đồng, Xây dựng Đường thủy lỗ 45 tỷ đồng... Yếu kém cơ bản tại các DNNN vẫn là công tác quản lý kinh tế - tài chính và kế toán. Báo cáo tài chính còn phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với Nhà nước. Tiến trình CPH tại các DNNN quy mô lớn vẫn ì ạch, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài, tỷ lệ cổ phần bán ra chưa đạt.

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục