Thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong: Đặt viên gạch đầu tiên

Việc xây dựng các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), nhằm tạo ra các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là cần thiết, thậm chí là hết sức cấp bách. Nhưng để hiện thực hóa kế hoạch này, cần tạo bước đột phá về thể chế, chính sách. Với Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, viên gạch đầu tiên cho sự đột phá này đã được đặt.

Một cách so sánh đầy hình ảnh, khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví các đặc khu kinh tế chính là cái tổ cho phượng hoàng đến đẻ trứng, nhằm tạo ra các vùng động lực tăng trưởng cho Việt Nam.

“Nếu ta làm tổ cho gà thì không thể nào có phượng hoàng đến đẻ trứng được”, ông Thiên đã nói như vậy, với hàm ý rằng, nếu không có thể chế, chính sách vượt trội thì không thể phát triển được các đặc khu kinh tế.

Đây cũng là điều được các chuyên gia nhắc tới rất nhiều, kể từ khi kế hoạch xây dựng các đặc khu kinh tế ở Việt Nam được đề xuất. Nhưng vượt trội thế nào, đột phá đến đâu là đủ?

Mô hình đột phá

Tuần trước, bản dự thảo đầu tiên của Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đệ trình lên Chính phủ. Không đề cập nội dung của Dự thảo Luật, bởi còn phải đợi ý kiến cuối cùng của Chính phủ về việc chỉ xây dựng một Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt chung hay xây dựng cả luật chung và các luật riêng cho từng đặc khu, song ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khẳng định, đây là một mô hình mới, giúp Việt Nam tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sẽ còn một chặng đường dài để các đặc khu kinh tế được thành lập tại Việt Nam, bởi mới chỉ có viên gạch đầu tiên cho việc xây tổ cho phượng hoàng được đặt. Thêm nữa, cũng còn quá nhiều điều kiện cần phải chuẩn bị.

“Việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở Việt Nam với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách”, ông Đông nói.

Có lẽ, trong thời điểm hiện nay, không còn cần phải bàn cãi quá nhiều về tính đột phá của mô hình đặc khu kinh tế. Cứ nhìn vào các mô hình đặc khu kinh tế, từ Thâm Quyến (Trung Quốc) đến Dubai (UAE), rồi quần đảo Bristish Virgin Islands... là đủ biết điều đó. Đến ngay cả Cuba cũng đã bắt đầu thành lập đặc khu Mariel vào năm 2015.

Và trên thực tế, việc tìm kiếm một mô hình phát triển mới cũng là điều được đề cập từ lâu, đặc biệt trong giai đoạn 2012 -2014, sau khi chủ trương thành lập ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được thông qua.

Đầu năm 2016, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã một lần nữa nhấn mạnh việc xây dựng một số đặc khu kinh tế để “tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”. Và mới đây nhất, cuối tháng 1/2017, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị Đề án xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Có nghĩa rằng, cửa đã mở toang cho các đặc khu kinh tế.

Tuy nhiên, câu chuyện còn lại là, thể chế, chính sách cho các đặc khu này như thế nào. Bởi thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do khiến mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam chưa thể sớm hình thành là bởi vẫn còn những lấn cấn liên quan đến việc thông qua các thể chế đặc biệt cho các đặc khu này.

“Hình thức đặc khu luôn hàm nghĩa ‘vượt’ luật hiện hành, cả về những quy định pháp lý thuần túy về kinh tế, lẫn mô hình tổ chức quản lý hành chính và xã hội”, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy, với hàm nghĩa chờ đợi các thể chế đột phá cho việc hình thành một mô hình đột phá.

Đột phá đến đâu?

Trên thực tế, khi bàn về việc xây dựng các đặc khu kinh tế, ông Trần Đình Thiên đã luôn băn khoăn rằng, điều quan trọng là làm sao thuyết phục được nhà đầu tư rằng, họ sẽ có lợi khi đầu tư vào các đặc khu.

“Cho đến nay, ưu đãi ở Việt Nam vẫn rất thấp so với thế giới. Như vậy, cần phải vượt khung ưu đãi. Nhưng liệu Việt Nam có thể làm thế không, hay khi ưu đãi thuế cao, Bộ Tài chính sẽ hỏi, thế Nhà nước được những gì?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc không thể chỉ phát triển các đặc khu kinh tế từ những cơ chế ngoại lệ so với cái thông thường, mà phải xây dựng một thể chế mới, đặc biệt, vượt khỏi cái thông thường.

Thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong: Đặt viên gạch đầu tiên ảnh 1

Nằm trong số 3 đặc khu kinh tế được thông qua chủ trương thành lập, Phú Quốc đang hứa hẹn bứt phá. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng và Spa JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc). 

Cơ chế có thể còn chưa thực sự rõ ràng, song trong bản báo cáo đánh giá tác động của Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất đầu tiên liên quan tới các thể chế vượt trội này.

Cụ thể, sẽ có hai nhóm chính sách dự kiến được thực hiện, bao gồm chính sách về kinh tế - xã hội, ưu đãi cao hơn và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam, đảm bảo vượt trội và cạnh tranh quốc tế; và nhóm chính sách về xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, với nhóm chính sách kinh tế - xã hội, rất nhiều ưu đãi “bậc cao” được đề xuất. Chẳng hạn, cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; chho phép miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định…

“Chúng tôi cũng đề xuất cho phép để lại toàn bộ số thu của đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt trong một thời gian cần thiết; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương về trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Đông nói.

Ngoài ra, cho phép kinh doanh casino, cho phép thuê tư vấn quốc tế xây dựng thể chế và lập quy hoạch tổng thể để tìm kiếm, đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài...

Đề xuất như vậy, song khá cẩn trọng, các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất hai phương án thực hiện. Một là, áp dụng các thể chế, chính sách vượt trội nói trên; và hai là, chỉ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành. Và kèm theo hai phương án này, cũng là hai “bức tranh” được mở ra. Mà một cách rõ ràng, theo phương án thứ hai, thì các tác động kinh tế - xã hội không nhiều. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án 1, sẽ là một bước đột phá cho các đặc khu kinh tế này, bao gồm cả trong phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách, thu hút đầu tư …

“Trong thời gian từ 5-10 năm đầu tiên sau khi các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được thành lập, thu ngân sách không được nhiều, nhưng sau này, số thu sẽ tăng lên, cùng với đó là kinh tế - xã hội các đơn vị này sẽ phát triển vượt trội, tạo thành các vùng kinh tế động lực của cả nước”, ông Đông nói và cho biết, cân nhắc tất cả các yếu tố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị áp dụng phương án 1 nhằm đạt mục tiêu hình thành các đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Bắt đầu xây tổ cho phượng hoàng

Trong khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt vừa được đệ trình lên Chính phủ, thì ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc phải xây dựng một luật riêng cho đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Như vậy, nhiều khả năng, việc xây dựng các luật riêng cho các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt sẽ được thông qua. Điều này là dễ hiểu, bởi theo ông Đông, mỗi đơn vị có một đặc thù khác nhau, do vậy, thể chế, chính sách cũng phải khác.

Sẽ còn một chặng đường dài để các đặc khu kinh tế được thành lập tại Việt Nam, bởi mới chỉ có viên gạch đầu tiên cho việc xây tổ cho phượng hoàng được đặt.

Thêm nữa, cũng còn quá nhiều điều kiện cần phải chuẩn bị. Ví như theo tính toán, để phát triển đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh sẽ cần một nguồn lực khổng lồ, lên tới 12 tỷ USD. Nguồn lực này sẽ được huy động như thế nào là một câu chuyện không đơn giản.

Các câu hỏi tương tự cũng sẽ được đặt ra với Phú Quốc và Bắc Vân Phong. Khó khăn, song đã nhìn thấy rõ những quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, cũng như các địa phương.

“Chúng tôi đang huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho Khu kinh tế Vân Đồn, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, tài chính, hạ tầng để khi được phép của Trung ương cho thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và cho người Việt vào chơi casino thì Vân Đồn sẽ đón nhận được những dự án lớn, có ý nghĩa động lực không chỉ cho sự phát triển của Vân Đồn nói riêng mà còn cho cả Quảng Ninh, cả nước”, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sự phát triển của các đặc khu kinh tế không đơn thuần vì lý do kinh tế của riêng khu đó, mà có ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Đó là lợi ích chung của cả nền kinh tế ở góc độ tạo việc làm, thu hút các nguồn lực phát triển, mở rộng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và tri thức quản lý, phát triển tổng hợp vùng và công nghiệp hóa - hiện đại hóa… Và do đó, cần thiết và cấp bách xây dựng và phát triển mô hình này. Cùng với đó là thảo luận và thông qua Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục