Sau thuốc, sẽ đấu thầu tập trung vật tư y tế

(ĐTCK) Sau thành công của đợt đấu thầu thuốc tập trung đầu tiên, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tiến tới đấu thầu tập trung vật tư y tế.
Ngành bảo hiểm xã hội đang có nhiều nỗ lực  đưa giá vật tư y tế về mức hợp lý, làm lợi cho cả người dân và cơ sở y tế Ngành bảo hiểm xã hội đang có nhiều nỗ lực đưa giá vật tư y tế về mức hợp lý, làm lợi cho cả người dân và cơ sở y tế

Được biết, cuối năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện đợt đấu thầu tập trung cấp quốc gia một số thuốc chữa bệnh. Có 4 gói thầu gồm 1 gói thầu thuốc biệt dược gốc và 3 gói thầu thuốc generic theo miền Bắc, miền Trung, miền Nam; hình thức đấu thầu 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ gồm hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính. Có 31 nhà thầu đã mua hồ sơ và có 15 nhà thầu trúng thầu.

Tổng giá trị của 20 mặt hàng thuốc là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền là 251,13 tỷ đồng. Trong đó, biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3% đến 42,8%, cá biệt có mặt hàng giảm tới 54,7%

Trước đó, qua giám sát tình hình chi trả bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều thống kê cho thấy tình trạng giá thuốc đấu thầu ở các tỉnh/bệnh viện nơi cao nơi thấp, mức chênh lệch rất lớn. Việc đấu thầu tập trung với khối lượng lớn, minh bạch có điều kiện giảm giá thuốc do nhà thầu tiết kiệm được nhiều chi phí tham gia nhiều gói thầu đơn lẻ ở các địa phương. Điều này có lợi cho người dân và cả cơ sở y tế.

Từ tháng 1/2018, Chính phủ đã có chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế mở rộng đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với một số vật tư y tế có số lượng sử dụng lớn như kim luồn, thủy tinh thể nhân tạo, khớp nhân tạo, các vật tư trong can thiệp tim mạch...

Thông tin về tình hình đấu thầu, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định hiện tại thì đấu thầu vật tư y tế vẫn đang được thực hiện như đấu thầu các hàng hóa thông thường. Tại cuộc làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao nhiệm vụ cho cơ quan này nghiên cứu, triển khai thực hiện đấu thầu tập trung vật tư y tế. Như vậy, trước mắt, việc đấu thầu vật tư y tế sẽ được  thực hiện thí điểm. Trên cơ sở kết quả thực hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ xem xét đề xuất sửa luật.

“Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tích cực phối hợp với Bộ Y tế cung cấp số liệu, dữ liệu để phân tích phục vụ quá trình nghiên cứu đề xuất cụ thể các loại vật tư nên thực hiện đấu thầu tập trung”, bà Yến cho biết.

Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, một số mặt hàng có khối lượng sử dụng lớn như kim luồn tĩnh mạch, thủy tinh thể nhân tạo, stent mạch vành... có mức giá chênh lệch rất lớn. Chẳng hạn, kim luồn tĩnh mạch ở một số cơ sở khám chữa bệnh giá là 13.000 đồng/cái, nhưng có nơi chỉ 5.000 - 7.000 đồng/cái.

Hay như vật tư y tế stent mạch vành, năm 2017, toàn quốc sử dụng 23.168 stent động mạch vành, chi phí 826 tỷ đồng. Trong hai tháng đầu năm 2018, toàn quốc sử dụng 3.572 stent động mạch vành với chi phí 124 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, mức giá trúng thầu chênh lệch rất lớn từ 35 - 73,8 triệu đồng/chiếc tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, khung giá đỡ mạch vành cobalt chrome phủ thuốc sirolimus có giá trúng thầu hơn 50 triệu đồng, trong khi ở một số cơ sở khám chữa bệnh khác có giá chưa tới 40 triệu đồng. Khung giá đỡ động mạch vành phủ thuốc pronova XR có giá trúng thầu ở Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa khoảng 50 triệu đồng/chiếc, nhưng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam chưa tới 35 triệu đồng/chiếc.

Với việc đấu thầu tập trung vật tư y tế cấp quốc gia, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hy vọng sẽ đưa giá vật tư y tế về mức hợp lý và có sự thống nhất nhất định.

Được biết, tính đến 21/3/2018, theo số liệu trên Hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh, chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2017, số lượt khám chữa bệnh tăng 14,59%, chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 18,69%.

Đến hết tháng 2/2018, có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh dự toán trong kỳ như Quảng Ninh vượt 31,9%, Bình Dương vượt 31,8%, Cần Thơ vượt 31,1%, Đồng Tháp vượt 31,1%, Khánh Hòa vượt 30,1%.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục