Nhìn lại một năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư

Nỗi lo nhiều quy định mới không thực hiện được, thậm chí cả nỗi lo đổ vỡ khi lần đầu trao quyền theo nguyên tắc tôn trọng quyền chủ động của doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã không xảy ra. Cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dần quen với trách nhiệm phải làm đúng phần việc của mình.     
Lần đầu tiên cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực sự là đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ cho doanh nghiệp. Lần đầu tiên cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực sự là đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp làm quen với quyền lực mới

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã hồ hởi thông tin tại Hội nghị đánh giá 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư ngày hôm qua (20/3) rằng, chưa phát hiện bất cứ tranh chấp nào liên quan đến thực hiện thông báo mẫu dấu theo quy định mới, cũng chưa phát hiện bất cứ vụ lừa đảo nào liên quan đến con dấu theo quy định mới.

“Đã có 178.000 doanh nghiệp sử dụng con dấu theo quy định mới, trong đó có khoảng 73 doanh nghiệp thành lập trước Luật Doanh nghiệp 2014 tiến hành thay đổi con dấu theo quy định mới. Không có phát sinh tiêu cực nào. Con dấu của doanh nghiệp chính thức không còn là công cụ... đấu tranh trong nội bộ doanh nghiệp như đã từng xảy ra”, ông Tuấn thông tin.

Phải nhắc lại, quy định trao toàn quyền quyết định về số lượng, hình thức, nội dung và cách thức quản lý con dấu cho doanh nghiệp là một trong số những quy định được liệt vào nhóm “tranh cãi đến giờ bấm nút” của Luật Doanh nghiệp 2014. Tư duy quá nặng nề về con dấu, cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và chính các doanh nghiệp, đã khiến các đề xuất  trả lại con dấu đúng vị trí là một vật biểu tượng, chứ không phải là một quyền lực, phải mất hơn 10 năm, qua 2 lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp mới được chấp thuận.

Nhưng sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 được thông qua vào tháng 11/2014, vẫn còn nhiều lo ngại về tình huống doanh nghiệp lợi dụng quy định này để lừa đảo. Nhiều doanh nghiệp thậm chí nghi ngờ tính hiện thực của quy định này. Đã có doanh nghiệp đề nghị phải xem lại.

“Ngay khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công an đã phối hợp lên các phương án phòng ngừa tình huống xấu. Nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp đã làm chủ được quy định mới về con dấu của doanh nghiệp với những dấu hiệu riêng biệt”, ông Tuấn phân tích.

Tương tự, việc cho phép công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật tưởng như chỉ là quy định “ăn theo” các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp tốt của các nước phát triển, vì tư duy “một nước không thể có hai vua”, song doanh nghiệp Việt Nam đã không bỏ qua quyền lợi này. Trong vòng 1 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào tháng 7/2015, đã có 2.082 doanh nghiệp đăng ký từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên.

Cơ chế hậu kiểm về đúng vị trí

Cũng phải thẳng thắn, sự an tâm của doanh nghiệp trong thực hiện quyền lực mới mà pháp luật dành cho mình một phần nhờ hiệu quả rõ rệt trong thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Riêng với các thông tin chính thống về doanh nghiệp như mẫu dấu, người đại diện theo pháp luật, thông tin về tình hình hoạt động, vi phạm nếu có…, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước hay bất cứ ai quan tâm có thể tìm kiếm và xác nhận ngay trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Số doanh nghiệp tìm kiếm thông tin trên Cổng đang tăng mạnh. Đến nay đã có khoảng 50 triệu lượt truy cập.

Lần đầu tiên cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực sự là đầu mối tiếp nhận và trả hồ sơ cho doanh nghiệp theo đúng mô hình đã được thiết lập cách đây hơn 16 năm, trong phiên bản đầu tiên của Luật Doanh nghiệp. Toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế đã được tự động hoàn toàn, theo thời gian thực. Thời gian cấp mã số doanh nghiệp trung bình chỉ còn 30 phút, thay vì 30 giờ như trước. Thủ tục hành chính theo nguyên tắc “im lặng là đồng ý” trong đăng ký doanh nghiệp cũng được áp dụng. Mọi việc sẽ tiếp tục tiến triển nhanh hơn, khi các thủ tục đăng ký qua mạng đang được các địa phương thúc đẩy. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang đề nghị được thí điểm đăng ký kinh doanh qua mạng với các thủ tục đơn giản hơn, trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho doanh nghiệp…

Rõ ràng, tư duy phục vụ doanh nghiệp đang được thể hiện khá rõ trong quy trình đăng ký doanh nghiệp. Kết quả là, cho dù Luật Doanh nghiệp ít có quy định về quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhưng sự phối hợp chặt chẽ qua các cơ chế liên thông về thông tin của doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo được cơ chế giám sát chéo thực sự hiệu quả.

Tất nhiên, công việc này cần phải tiếp tục, nhất là khi những vướng mắc trong thực thi hai luật cũng đang được nhận diện.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục