Nhiều tập đoàn mắc kẹt với đầu tư tài chính

(ĐTCK-online) Trót chạy theo trào lưu đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước giờ đang phải đau đầu với bài toán thoái vốn để giảm dần tỷ lệ đầu tư ngoài ngành theo quy định.
Nhiều tập đoàn nhà nước đang bị mắc kẹt với các khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán (Ảnh minh họa: internet) Nhiều tập đoàn nhà nước đang bị mắc kẹt với các khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán (Ảnh minh họa: internet)

>>  Nhiều tập đoàn chưa thoái vốn khỏi lĩnh vực "nóng"

 

Việc thoái vốn này không chỉ để hoàn thành yêu cầu của cơ quan quản lý, mà bởi đầu tư tài chính hiện đã không còn hấp dẫn, thậm chí là gánh nặng cho không ít đơn vị.

 

Đầu tư dễ, rút lui khó

 

Điểm lại hoạt động đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể thấy, không “ông lớn” nào thiếu danh mục ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Cụ thể như tập đoàn Dầu khí (PVN) với ngân hàng Dầu khí toàn cầu (PGBank); ngân hàng Đại Dương (OceanBank), công ty chứng khoán Dầu khí, công ty bất động sản Dầu khí… Danh mục đầu tư của tập đoàn Điện lực (EVN) cũng không thua kém. Tương tự là tập đoàn Than khoáng sản (TKV), tập đoàn Dệt may…

 

Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia trào lưu, lĩnh vực đầu tư tài chính đã liên tiếp phải đối mặt với thách thức, rủi ro, như vấn đề căng thẳng thanh khoản, nợ xấu gia tăng trong lĩnh vực ngân hàng; thị trường chứng khoán liên tục lao dốc; thị trường bất động sản giảm mạnh cả về giá và thanh khoản… Bởi vậy, không phải đợi đến khi cơ quan quản lý thúc giục, các tập đoàn cũng đã tìm nhiều cách để thu dần vốn về.

 

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) Nguyễn Đình Lâm, cho biết, kế hoạch thoái vốn khỏi một số lĩnh vực ngoài ngành cũng đã được xây dựng và triển khai khá lâu, bằng cách bán bớt cổ phần PVN tại các công ty con cho cán bộ công nhân viên công ty, cho đối tác chiến lược (điển hình là bán CTCP Chứng khoán Dầu khí cho một đối tác của Nhật Bản). Theo ông Lâm, toàn bộ khoản đầu tư vào những lĩnh vực “phi truyền thống” của PVN chỉ còn dưới 11%, đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu của Nhà nước. Tuy nhiên, điểm lại, chỉ riêng trong lĩnh vực bất động sản, PVN và các công ty “con”, “cháu” của tập đoàn này hiện vẫn đang nắm giữ cổ phần của khoảng 20 doanh nghiệp (thậm chí còn liên kết với các tập đoàn khác để thành lập doanh nghiệp bất động sản), với lượng vốn đọng lại lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến phần vốn góp trong hai ngân hàng PGBank và OceanBank.

 

EVN cũng nỗ lực thu vốn từ một số lĩnh vực tay trái nhưng không dễ dàng. Điển hình như thương vụ bán cổ phần của CTCP Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) cho tập đoàn FPT đã bất thành, thậm chí có nguy cơ xảy ra tranh chấp sau một thời gian dài đàm phán, thương lượng. Kết quả là, đến nay, EVN đang có khoảng 3.000 tỷ đồng nằm trong một số lĩnh vực kinh doanh không liên quan gì đến ngành điện, như ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, bất động sản… Mặc dù, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngành không lớn, song EVN vẫn chịu sức ép mạnh, do tập đoàn này luôn trong tình cảnh đói vốn để đầu tư cho ngành điện, hơn nữa, hiện còn đang phải vay nợ tới hơn 17.000 tỷ đồng!

 

Không nới, không lùi

 

Tập đoàn TKV cũng dự kiến thoái vốn khỏi một số công ty, quỹ đầu tư, như CTCP Wolfram Đăk Nông, CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV; CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành, CTCP Bảo hiểm hàng không… với tổng giá trị vốn góp hơn không ít hơn 170 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này còn có vốn góp tại Ngân hàng SHB, Công ty chứng khoán SHS và cũng đang được đề nghị phải rà soát, tái cơ cấu vốn tại đây. Tuy nhiên, một lãnh đạo tập đoàn này thú nhận: “Chúng tôi rất muốn đẩy nhanh thoái vốn, nhưng thị trường không ủng hộ vào thời điểm này, nhất là với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Giá giảm mạnh đã đành, tìm kiếm được đối tác quả thực quá khó”.

 

Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, vừa ký ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn của tập đoàn và một số công ty con tại thời điểm 1/7/2011, trên cơ sở đó báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công thương kế hoạch thoái vốn cụ thể. Mặc dù lượng vốn chảy ra ngoài không nhiều, song ông Tuấn cũng chia sẻ, làm thế nào để bảo toàn đồng vốn trong bối cảnh hiện nay là bài toán không đơn giản.

 

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, cơ quan này đang rà soát, tổng hợp hoạt động đầu tư ngoài ngành của tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Kết quả bước đầu cho thấy, tiến độ thực hiện của các doanh nghiệp còn chậm. Có nguyên nhân khách quan, nhưng một phần cũng do chính các doanh nghiệp này triển khai thiếu nghiêm túc. Quan điểm của cơ quan quản lý này là không lùi, hoãn, thậm chí còn tiếp tục siết chặt hơn nữa, khi tới đây, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành có thể phải giảm xuống còn 15% (thay vì 30%) theo một dự thảo nghị định đang được soạn thảo.


SGTT

Tin cùng chuyên mục