Nhận tin mừng EVFTA, đón vốn đầu tư từ EU

Không nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết như thường thấy, song chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang thực sự mở ra cơ hội to lớn để thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Nhà máy sản xuất bình nóng lạnh Ariston tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh Nhà máy sản xuất bình nóng lạnh Ariston tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Đón tin mừng EVFTA

Đến giờ này, có thể khẳng định, chuyến công du châu Âu kéo dài tới ngày 21/10 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp. Trong đó, một trong những điểm nhấn lớn nhất là loạt thông tin về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tin mừng là ngày 17/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA (dự kiến vào cuối năm 2018), sau đó trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn (dự kiến vào đầu năm 2019). Ngay sau cuộc họp, Ủy ban châu Âu đã họp báo chính thức công bố thông tin tích cực này và khẳng định cam kết sẽ thúc đẩy, đưa EVFTA vào thực thi trong thời gian sớm nhất. 

Trong thông báo của EU, Chủ tịch EC Jean Claude Junker cũng đã nhấn mạnh rằng, EVFTA là “ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU” và hiệp định này sẽ mang lại “những lợi ích chưa từng có” đối với doanh nghiệp và người dân châu Âu và Việt Nam. 

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì khẳng định, hiệp định này sẽ “tác động rất lớn đến sự phát triển đất nước”.

Hiện tại, cả Việt Nam và EU, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, đều đang rất mong chờ EVFTA được thông qua. Bởi EVFTA, và cả IPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư), được cho là sẽ mở ra cơ hội to lớn trong thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Không chỉ nhà đầu tư châu Âu, mà cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung cũng “ngóng” hiệp định quan trọng này, bởi một khi EVFTA được ký, họ cũng có cơ hội mở rộng thị trường sang châu Âu rộng lớn.

Chính vậy, EC thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 không chỉ là sự khẳng định cam kết của EU về “mở cửa thương mại với châu Á”, mà còn góp phần quan trọng “mở cánh cửa” để Việt Nam thu hút FDI nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn.   

“Với việc ký kết EVFTA, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước hưởng đặc quyền tham gia miễn thuế với thị trường hơn 700 triệu người tiêu dùng châu Âu. Điều này sẽ càng thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và EU, đồng thời giúp thu hút thêm dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư châu Âu. Việt Nam cũng sẽ trở thành trung tâm thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời sẽ thu hút FDI từ các doanh nghiệp đang tìm kiếm lợi nhuận mà EVFTA mang lại”, ông Denis Bruneti, đồng Chủ tịch EuroCham nói.

Không khí đầu tư sôi động

“Không khí đầu tư vào Việt Nam sôi động để đón đầu EVFTA”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét như vậy sau khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU và Bỉ diễn ra ngày 17/10. Khoảng 200 doanh nghiệp, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, bất động sản, năng lượng xanh, thực phẩm, đồ uống, kết cấu hạ tầng cho cảng biển… đã tham dự diễn đàn này và đều bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến điểm đến đầu tư Việt Nam.

“Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn”, Thủ tướng phát biểu với các doanh nghiệp châu Âu và Bỉ.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 4 văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ trong các lĩnh vực logistics và công nghệ thông tin, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu của Bỉ và châu Âu, cũng như hai tập đoàn Solveigh, Nijhuis. Thông điệp một lần nữa được Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, tạo kỳ tích mới trong hợp tác và thành công, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, khi tới Áo, Thủ tướng cũng đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo và chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước. Trong đó, đáng chú ý có thỏa thuận giữa Tập đoàn Geleximco và Tổng công ty Agrimeco với Tập đoàn Andriz về việc sẽ xây dựng nhà máy thủy điện cột nước thấp ở hạ lưu thủy điện Hòa Bình. Dự án bao gồm 12 tổ máy, với tổng công suất 300 MW, tổng mức đầu tư trên 350 triệu USD.

Vui mừng chứng kiến các hoạt động này, ông Herald Mahrer, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên bang Áo (VKO) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Áo đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và quan tâm các cơ hội đầu tư tại đây. Minh chứng rõ ràng là, VKO đã quyết định mở văn phòng đại diện khu vực tại Việt Nam. 

Không nhiều thỏa thuận được ký kết như trong các chuyến công du của Thủ tướng, nhưng những động thái này đã cho thấy những tín hiệu mới, tích cực trong thúc đẩy đầu tư từ EU vào Việt Nam, vốn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, “không khí đầu tư” vào Việt Nam cũng không kém phần sôi động. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä đang có chuyến thăm Việt Nam và dẫn theo phái đoàn 20 công ty Phần Lan tới Việt Nam, trong đó có những tên tuổi lớn như BMH Technology Oy, Fortum Power and Heat, Simosol Oy…, để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực biến rác thải thành năng lượng - lĩnh vực mà Phần Lan luôn dẫn đầu thế giới. 

“Phần Lan coi Việt Nam là một thị trường quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và đó là lý do để có 120 doanh nghiệp Phần Lan đang hoạt động tại Việt Nam”, Bộ trưởng Mika Lintilä nói và cho biết, ông hy vọng chuyến thăm này của ông sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới cho các công ty Phần Lan và Việt Nam.

“Nếu muốn đi xa, chúng ta phải cùng đi”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy với các nhà đầu tư. Ít nhất cho tới thời điểm này, một điều nhìn thấy khá rõ là, các doanh nghiệp châu Âu đang muốn “cùng đi” với Việt Nam. 

Tuy nhiên, như Báo Đầu tư đã từng đề cập, việc hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp châu Âu còn phụ thuộc rất lớn vào thể chế, chính sách của Việt Nam. Mặc dù vậy, đây là những động thái rất tích cực sau khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút FDI, với một trong những định hướng quan trọng thời gian tới là tập trung thu hút vốn FDI từ Mỹ và châu Âu.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục