Mở đường để triển khai hàng loạt chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ

(ĐTCK) Với 83,5% số đại biểu dự họp tán thành, Quốc hội vừa thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở đường cho triển khai hàng loạt chính sách tiếp sức cho khu vực doanh nghiệp này.
Mở đường để triển khai hàng loạt chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ

“dưỡng” doanh nghiệp nhỏ

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ đang có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội. Đây là lý do suốt thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong đề xuất Quốc hội ban hành hệ thống cơ chế nhằm đảm bảo sự bài bản, hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó, ngày càng có đóng góp quan trọng hơn cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nhờ sự nỗ lực đó của Chính phủ, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, với hệ thống cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bài bản, chặt chẽ.

Với nhóm hỗ trợ chung, thiết yếu cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh, Luật đưa ra các cơ chế “tiếp sức” về tiếp cận tín dụng, tư vấn, đào tạo...

Một nhóm hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp quan tâm là hệ thống cơ chế hỗ trợ về giảm chi phí, thời gian đã được Luật quy định cụ thể. Thủ tục thuế, kế toán được thiết kế theo hướng đơn giản hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ giá thuê mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, miễn giảm phí tư vấn...

Trước khi luật được thông qua, không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra quan ngại phạm vi ưu đãi thuế rộng, có thể dẫn đến làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo, cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục như: chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhiều quốc gia áp dụng; việc giảm thuế có thể tác động đến giảm thu trong ngắn hạn, nhưng có tác dụng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn...

Một nội dung “nóng” khác cũng có ý kiến trái chiều trong đại biểu Quốc hội trước khi Luật được thông qua, là việc cho phép 3 quỹ, gồm Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cùng hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp thì có nhiều và chồng lấn không?

Tuy nhiên, với lý lẽ trong số 3 quỹ, có 2 quỹ đã được thành lập và hoạt động, chỉ có một quỹ mới là Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trong khi mỗi quỹ có mục tiêu, đối tượng và nguyên tắc hoạt động đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thuyết phục Quốc hội thông qua Luật cũng như ủng hộ nội dung này.

Trong quá trình lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, cũng có đại biểu đã đề nghị bổ sung quy định phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với ủy ban nhân dân các tỉnh trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện vai trò điều phối, xác định mục tiêu, đối tượng, trọng tâm hỗ trợ để xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phạm vi toàn quốc, nên đương nhiên có trách nhiệm thực hiện tốt việc phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh.

Khái quát hóa nhu cầu của doanh nghiệp

Trong quá trình phát biểu giải trình, thuyết phục các đại biểu Quốc hội ủng hộ ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta ban hành một luật để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi trên thế giới, nhiều nước ban hành luật này từ rất lâu.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đang hết sức quan tâm luật này ra đời. Cách tiếp cận của chúng ta hiện nay là xác định nhu cầu mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần để thiết kế nên các nội dung hỗ trợ, chứ không phải nhà nước có gì cho doanh nghiệp thì cấp cho họ.

“Chúng tôi đã khảo sát tất cả nhu cầu của các doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc, các tồn tại, hạn chế hiện nay, tại sao các doanh nghiệp không lớn lên được, thành lập rồi tại sao hoạt động khó khăn… Tất cả các nhu cầu ấy đều đã được tổng hợp và khái quát hóa lên thành những nội dung của luật”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, chúng ta đã chuyển hóa theo tinh thần xây dựng một nhà nước kiến tạo, tức là đã chuyển doanh nghiệp là đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, đấy là tinh thần mới. Ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, luật này ra đời là cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.           

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục