Lo dư thừa nguồn cung, Dự án nhà máy lớn nhất của Cargill tại Việt Nam chưa động đậy

Kế hoạch xây dựng nhà máy mới của Cargill Vietnam Ltd., tại Khu công nghiệp Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đang gặp trở ngại do khả năng dư thừa nguồn cung.     
Cargill đã có hơn chục nhà máy tại Việt Nam. Trong ảnh: Chi nhánh của Cargill tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: internet Cargill đã có hơn chục nhà máy tại Việt Nam. Trong ảnh: Chi nhánh của Cargill tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: internet

Dự kiến khởi công, rồi... im lặng

Gần đây, Cargill đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về việc phát triển nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Quế Võ. Nhà máy dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD, với công suất 70.000 tấn/tháng. Đây được xem là nhà máy lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Cargill hiện vẫn chưa có động thái gì mới, mặc dù doanh nghiệp này trước đó dự kiến khởi công xây dựng nhà máy này trong quý I năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, chỉ đạo gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chăn nuôi lợn và chăn nuôi công nghiệp đã khiến dự án này có thể phải xem xét lại.

Việt Nam hiện nuôi trên 29 triệu con lợn (so với Thái Lan chưa tới 1 triệu con), đứng thứ tư trên thế giới.

Tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với kế hoạch định hướng là 25 triệu tấn vào năm 2020.

Năm 2016, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 23,5 triệu tấn (trong đó thức ăn thủy sản khoảng 3 triệu tấn), đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong các nước ASEAN về sản lượng thức ăn chăn nuôi (Thái Lan 18,6 triệu tấn, Indonesia 18,3 triệu tấn) và đứng thứ 10 trên thế giới.    

Cụ thể, theo Văn bản số 1426/BNN-CN ký ngày 16/2/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long hạn chế đầu tư mở rộng thêm các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm.

“Với chỉ đạo đó, chúng tôi sẽ phải xem xét cẩn thận những dự án như thế này trước khi cấp phép”, lãnh đạo của Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Cargill Việt Nam đã từ chối đưa ra bất kỳ bình luận gì về vấn đề này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 22 năm hoạt động tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, Cargill đang vận hành 11 nhà máy thức ăn chăn nuôi, chiếm 7,7% thị phần.

Nhà máy thứ 12 của Cargill tại Bình Dương đã nhận giấy phép đầu tư cuối năm 2016. Với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, nhà máy này khi đi vào vận hành (dự kiến năm 2018) sẽ góp phần nâng tổng công suất sản xuất của Cargill Việt Nam lên 1,7 triệu tấn/năm.

Mối lo dư thừa nguồn cung

Theo các chuyên gia, mặc dù chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến nhiều doanh nghiệp có kế hoạch xây thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi “đau đầu”, nhưng động thái đó nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong bối cảnh tăng trưởng “nóng”.

Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng “nóng”, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã và đang gây nên những hệ lụy lớn cho thị trường tiêu thị sản phẩn chăn nuôi hiện nay, cũng như tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái.

Nhằm giảm thiểu những áp lực đó và đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo khuyến khích phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu trong nước nước, thay thế nhập khẩu. Trong đó, chú trọng áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh và xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ăn cỏ; các nhà máy chế biến bột thịt xương, bột cá, bột đầu tôm, bột khoáng... để vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa tận thu khối lượng lớn nguồn hữu cơ hiện nay trong sản xuất.

Nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 3/2017 ước đạt 343 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2017 lên 955 triệu USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2017 là Argentina (chiếm 47,2% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (15,7%), Ấn Độ (4,2%), Trung Quốc (3,4%). Tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italy (tăng hơn 5 lần), tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ (tăng gần 3 lần).

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn"

Bích Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục