Khơi thông điểm nghẽn để về đích kế hoạch 2020

Chỉ ít ngày sau Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 và 02, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai thực hiện 2 nghị quyết quan trọng này. Mục tiêu quan trọng là khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và hành động hiệu quả.
Sản xuất tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh Sản xuất tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Khơi thông điểm nghẽn

Một lần nữa, những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2019 lại được nhắc tới tại hội nghị trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện 2 nghị quyết số 01 và 02 về các giải pháp điều hành kinh tế, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà Chính phủ vừa ban hành vào ngày đầu tiên của năm mới 2020.

Đó là tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; lạm phát kiểm soát dưới 3%; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 500 tỷ USD… Nhưng quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế Việt Nam đã thiết lập được nền tảng tăng trưởng ít phụ thuộc vào khai khoáng, thay vào đó là công nghiệp chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này đang trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Thành tựu của năm 2019 là quan trọng, nhưng các điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn còn đó. Chẳng hạn, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động chưa đáp ứng yêu cầu; cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa bền vững; còn xảy ra thất thu, trốn thuế; tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế nhìn chung còn chậm; tình hình sản xuất - kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn…

Đó là những điểm nghẽn mà theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là cần sớm được khai thông, bởi nếu không, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm cuối cùng của Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, đồng thời cũng là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

fig come hereQuyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực cho phát triển; tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia… sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả tích cựcBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh việc cần tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật, nhất là với những chỉ số còn thấp như giải quyết phá sản, khởi sự kinh doanh, nộp thuế, thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư.

“Phải làm sao để khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược, thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp, các ngành trong năm 2020; phải chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo…”, Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2019.

Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm mới 2020.

Hành động hiệu quả và trách nhiệm

Không quá khó để nhận ra, đã có một sự thay đổi quan trọng trong phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2020. Nếu như năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, thì năm nay là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”. Cụm từ “bứt phá” đã được thay bằng “trách nhiệm”. Điều đó cho thấy, năm 2020, yếu tố “trách nhiệm” được đặc biệt coi trọng.

Thực tế cho thấy, kinh tế - xã hội năm 2019 đạt được những thành tựu quan trọng như vậy là nhờ sự quyết liệt, hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương…

Nhưng kiểm điểm lại công tác điều hành trong năm qua, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, mà điển hình là sự thiếu quyết liệt, còn lơ là trong trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Thế nên mới có chuyện, cùng thể chế, chính sách, nơi giải ngân đầu tư công đạt 70 - 80%, nơi lại chỉ có 30-40%. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hay “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” cũng vẫn tồn tại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cũng đã nhắc đến điều này. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, vẫn còn một bộ phận công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. “Phải làm đúng vai, không đùn đẩy trách nhiệm, không lôi kéo, ôm đồm quyền lực, lợi ích nhóm, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ dám làm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2020 vừa bắt đầu và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Những thách thức này không chỉ đến từ các điểm nghẽn cố hữu của nền kinh tế, mà còn là những rủi ro đến từ bên ngoài, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, xung đột địa chính trị còn phức tạp, xu hướng giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu…

Khi ký Nghị quyết số 01, Chính phủ đã ban hành kèm theo không chỉ kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020, mà còn là từng nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, để làm sao hoàn thành tốt Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Và bây giờ là lúc, cần phải hành động hiệu quả và trách nhiệm!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục