Khép lại bất cập về khái niệm doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Những bất cập từ sự thiếu đồng bộ trong các quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước, cũng như trong quản trị loại hình doanh nghiệp (DN) này kỳ vọng sẽ được khắc phục trong lần sửa đổi Luật DN và Luật Đầu tư tới đây. 
Khép lại bất cập về khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Theo các chuyên gia luật, khái niệm DNNN theo Luật DN 2014 hầu như bỏ qua các DN có phần vốn góp nhà nước. Điều này giúp các DN có vốn góp nhà nước giảm bớt gánh nặng của một DNNN, nhưng lại tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa 2 nhóm DN, cũng như về quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp nhà nước.

Với cách đặt vấn đề trên, LS. Lê Văn Hà, đại diện Công ty Luật Path Law cho rằng, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật DN và Luật Đầu tư đang được tiến hành, cần có các quy định về DN có vốn nhà nước, DN có phần vốn góp nhà nước trên 50%, đồng thời chú trọng đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn góp nhà nước trong các DN này.

Về phía DN, theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhiều khung pháp lý hiện hành có liên quan đến khái niệm vốn nhà nước tại DN không đồng bộ, thống nhất, gây tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. 

“Mặc dù Nghị định 91/2015/NĐ-CP đã nêu khái quát về bản chất sở hữu và tài chính DN, nhưng vẫn có độ chênh so với với các văn bản luật cao hơn như Luật DN, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại DN… Một số cơ quan chức năng vẫn sử dụng các định nghĩa cũ với nội hàm khác hẳn, dẫn đến áp dụng sai trình tự, thủ tục pháp lý, vốn tài sản nhà nước trong đánh giá hiệu quả hoạt động của DN”, đại diện Petrolimex nói.

Cũng theo vị này, xét về tỷ lệ sở hữu, với mức quy định hiện hành tại Luật DN 2014 thì tỷ lệ 51% chưa đủ để chi phối tuyệt đối hoạt động của DN. Nếu điều chỉnh tỷ lệ này từ mức 65% về 51%, dù không sửa lại định nghĩa, thì các DN có vốn nhà nước từ 51% trở lên thực tế vẫn là DNNN.

Vì vậy, tỷ lệ chi phối tại DN cần phải được quy định đồng nhất với khái niệm DNNN trong Luật DN. Bên cạnh đó, các quy định hiện nay cũng chưa cụ thể hóa được chủ trương Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm là lĩnh vực nào, tỷ lệ và chi phí đầu tư là bao nhiêu, tiêu chí và cách thức nào để đánh giá hiệu quả đầu tư...

"Đó là chưa kể, sự thiếu thống nhất trong các quy định về khái niệm và tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong DN còn ảnh hưởng tới hoạt động cổ phần hóa, gây khó khăn trong việc tính đúng, tính đủ giá thị trường khi đinh giá DNNN để cổ phẩn phần hóa, đặc biệt là cơ chế định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN chưa phù hợp với thị trường... Để tháo bỏ khó khăn cho DN, những bất cập này cần được khắc phục một cách triệt để", đại diện Petrolimex nhấn mạnh.

Liên quan đến các bất cập trong quy định về quản trị DNNN, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, hiện nay, các quy định về thẩm quyền ký hợp đồng và phê duyệt ban hành quy chế quản lý nội bộ trong các DNNN là chưa rõ ràng giữa thẩm quyền của Tổng giám đốc, Giám đốc với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan, nên cần được khắc phục trong dự thảo sửa đổi Luật DN tới đây.

Về những vướng mắc trong Luật Đầu tư hiện hành, theo ông Khoa, đang có quá nhiều ràng buộc và thiếu thống nhất với các luật liên quan, khiến DNNN gặp nhiều khó khăn. Nêu dẫn chứng, ông Khoa cho biết, hiện nay, Luật Đầu tư quy định Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án từ 5.000 tỷ đồng trở lên, nhưng từ 2.300-5.000 tỷ đồng lại chưa được quy định cụ thể và điều này khiến EVN gặp nhiều khó khăn khi thực hiện đầu tư.

“Pháp luật hiện hành chưa quy định dự án quy mô từ 2.300-5.000 tỷ đồng do ai, cơ quan nào phê duyệt chủ trương đầu tư. Bởi vậy, dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư cần quy định rõ điều này”, ông Khoa kiến nghị.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục