Gỡ nút thắt tín dụng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức, tuy nhiên đến nay, tiếp cận tín dụng vẫn được xác định là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc khó tiếp cận vốn tín dụng làm hạn chế cơ hội mở rộng kinh doanh của DNVVV Việc khó tiếp cận vốn tín dụng làm hạn chế cơ hội mở rộng kinh doanh của DNVVV

30% DNNVV tiếp cận được vốn vay ngân hàng

Số liệu thống kê được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng KasikornBank (Thái Lan) tổ chức mới đây cho thấy, tỷ lệ dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ chiếm khoảng 22 - 25% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2017.

Thực tế, hiện chỉ có khoảng hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, gần 70% số doanh nghiệp còn lại phải chật vật xoay xở với nguồn vốn tự có ít ỏi hoặc vẫn phải vay từ các nguồn khác với lãi suất rất cao. Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đã ảnh hưởng lớn tới khả năng duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này.

Lý giải về việc bài toán tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gỡ mãi chưa hết rối, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hầu hết các doanh nghiệp khu vực này thiếu phương án kinh doanh khả thi, không có tài sản đảm bảo, cũng như không có báo cáo tài chính đúng chuẩn để đáp ứng yêu cầu của phía ngân hàng nên rất sợ sự phức tạp của thủ tục cho vay ngân hàng.

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại các khoản nợ. Trong khi đó, chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy hiệu quả trong trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Còn phía ngân hàng do thiếu thông tin về doanh nghiệp nên có tâm lý e dè khi quyết định cho vay”, đại diện Vụ Tín dụng cho biết.

Tìm giải pháp khơi thông dòng tín dụng

Như vậy, có thể thấy, điểm nghẽn tồn tại dai dẳng vẫn nằm ở chính những nút thắt trong tương tác giữa hai phía ngân hàng và doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, hóa giải được những nút thắt này, sẽ khai thông được “cửa” cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng.

“Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thông điểm nghẽn. Đó có thể là xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng...; qua đó, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn”, Thứ trưởng Hiếu đề xuất.

Cũng liên quan đến các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo; tập trung phân cấp giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và doanh nghiệp làm cơ sở để làm tài sản đảm bảo vay vốn.

Bên cạnh đó, nên tiếp tục giao quyền chủ động và phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, xác định được đối tượng chịu trách nhiệm đến cùng cho các ngân hàng thương mại, đánh giá được các dự án có tính khả thi cao làm cơ sở cho vay, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện cao nhất; các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu, dễ đi vào đời sống xã hội, đời sống của doanh nghiệp.

Ở vai người trực tiếp cho vay, các ngân hàng thương mại khẳng định đã và đang nỗ lực đưa ra các giải pháp chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ cho dối tượng này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cởi mở cho vay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng hoặc tìm phương án cho vay hợp lý để làm sao vừa giảm lãi suất cho vay bình quân cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định và yêu cầu của ngân hàng.

Ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc Trung tâm tín dụng Ngân hàng HDBank cho biết, ngân hàng này đang cho vay doanh nghiệp xuất khẩu với lãi suất từ 6,5 - 7%/năm.

Bên cạnh đó, HDBank cũng đang xem xét đề xuất ý tưởng phối hợp với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư xây chuồng trại để cho thuê lại CTCP Chăn nuôi CP theo hướng tách gói cho vay vốn đầu tư vào trang trại và máy móc thiết bị riêng biệt để giảm lãi suất bình quân cho doanh nghiệp.

Một động thái tích cực từ cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, được bà Hoàng Thị Hồng, đại diện Quỹ Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Quỹ đang phối hợp với ngân hàng nhận ủy thác ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai chương trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trực tuyến.       

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục