Gỡ bom nổ chậm nợ nước ngoài

(ĐTCK-online) Đã đến lúc không thể chậm trễ trong việc kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, nhất là những khoản nợ chưa được kiểm soát kỹ của khu vực tư nhân và chính quyền địa phương, các DNNN tự vay tự trả nhưng lại thiếu khả năng chi trả.
Gỡ bom nổ chậm nợ nước ngoài

Bên lề kỳ họp Quốc hội, một lãnh đạo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết,  uỷ ban này đang đề nghị Kiểm toán Nhà nước lên chương trình kiểm toán vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là ở các tập đoàn, tổng công ty lớn. Mục đích của việc kiểm toán là để xem lâu nay khối DNNN vay tiền nước ngoài về sử dụng như thế nào, nợ nước ngoài từ khối doanh nghiệp là bao nhiêu, trong đó tỷ lệ nợ có bảo lãnh của Chính phủ là bao nhiêu và bao nhiêu do doanh nghiệp chủ động vay qua các kênh như vay thương mại trực tiếp, tài trợ dự án, phát hành trái phiếu và những doanh nghiệp nào có nguy cơ không trả được nợ.

PGS. TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện việc theo dõi giám sát đầu tư không sát, kém hiệu lực, hiệu quả. Các báo cáo 6 tháng một lần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giám sát đầu tư thường chỉ rõ rằng, kỷ luật báo cáo chưa được các đơn vị thực hiện đầy đủ. Việc giám sát thường được tập trung vào nguồn vốn ngân sách, còn đối với các nguồn ngoài khu vực nhà nước, đặc biệt là vốn khu vực tư nhân, vốn vay nước ngoài thì rất khó nắm bắt. Các chủ đầu tư hoặc không báo cáo tiến độ hoặc  báo cáo rất hình thức.

Trước những bài học về việc doanh nghiệp không có khả năng trả nợ nước ngoài như Vinashin hay một số doanh nghiệp ngành xi măng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu ra hai vấn đề đáng quan ngại về tình trạng này. Thứ nhất, các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp chịu rủi ro về tỷ giá. Yếu tố này đánh giá qua sự mất giá của đồng nội tệ so với các đồng tiền được sử dụng để vay nợ. Rủi ro về tỷ giá luôn tiềm ẩn đối với các khoản vay nợ nước ngoài hay các khoản nợ bằng ngoại tệ. Theo tính toán của chuyên gia này, kể từ năm 2000 đến 2010, đồng tiền Việt Nam mất giá khoảng 57,7% so với 19 đồng tiền được sử dụng để vay nợ. Như vậy, ngoài phần lãi suất phải trả khi trả nợ, người vay phải trả một khoản tiền lớn hơn tính theo giá trị đồng nội tệ. Thứ hai, rủi ro về tính thanh khoản của những khoản nợ nước ngoài trong ngắn hạn. Tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên tổng dư nợ trong ngắn hạn đã và đang sụt giảm với tốc độ rất nhanh. Theo số liệu của Bộ Tài chính (bản tin nợ nước ngoài số 7, phát hành tháng 7/2011), năm 2006 dự trữ ngoại hối gấp khoảng 64 lần so với tổng dư nợ ngắn hạn, năm 2007 gấp khoảng 100 lần,  tuy nhiên tỷ lệ này giảm xuống  còn 28 lần vào năm 2008 và chỉ còn khoảng 3 lần vào năm 2009, 2 lần vào năm 2010.

Đã đến lúc không thể chậm trễ trong việc kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, nhất là những khoản nợ chưa được kiểm soát kỹ của khu vực tư nhân và chính quyền địa phương, các DNNN tự vay tự trả nhưng lại thiếu khả năng chi trả. Hoạt động này nhằm ngăn ngừa việc tiếp tục sản sinh là những danh mục đầu tư ba không (không rõ mục đích, không rõ đầu tư để làm gì và cho ai; không cân đối được nguồn lực).

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục