Giải mã phép tính "than ngoại rẻ hơn than nội"

TKV cho hay, các nhà máy điện miền Nam dùng than nội chuyển từ Bắc vào sẽ phải chịu giá đắt hơn gần 22 USD so với than nhập từ Indonesia. Cũng loại than đó, xuất khẩu sẽ được giá hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng so sánh này chưa chuẩn xác.
Chi phí vận chuyển than từ Bắc vào Nam sẽ đắt hơn cả đi nhập than? Chi phí vận chuyển than từ Bắc vào Nam sẽ đắt hơn cả đi nhập than?

 

Phép so sánh của TKV

 

Nghịch lý xuất - nhập khẩu than của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn chưa thể khép lại.

 

Hôm 4/7, tại hội nghị sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm của Bộ Công thương, ông Lê Minh Chuẩn, Phó tổng giám đốc TKV cho hay, sẽ không chỉ có 1 chuyến tàu hơn 9.500 tấn than ngoại vừa qua, mà từ nay tới cuối năm, TKV sẽ tiếp tục nhập thêm một vài chuyến tàu than nữa để thí điểm, làm quen với việc phải nhập nhiều về sau.

 

Tin tưởng vào hướng đi này là đúng đắn, ông Lê Minh Chuẩn cho hay, loại than do Công ty Than Đông Bắc, thành viên của TKV vừa nhập từ Indonesia mới đây có cỡ hạt từ 0-50mm, độ ẩm 16%, đang được sàng lọc, chế biến.

 

Hiện TKV đã nhận được đơn đặt hàng của các nhà máy nhiệt điện phía Nam sử dụng loại than cỡ hạt từ 0-20mm, còn lại than cục cỡ từ 20-50mm sẽ được bán cho hộ khác.

 

Giá nhập FOB của tàu than này là 73,6 USD/tấn, cước vận chuyển về cảng Cát Lái là 27 USD/tấn. Cộng các chi phí, giá than nhập từ Indonesia về cảng Việt Nam là 100,6 USD/, tương đương chất lượng than 10b2.

 

Trong khi đó, loại than này đang được TKV xuất khẩu với giá là 108,6USD/tấn. Nếu vận chuyển loại than này từ Hạ Long, Cẩm Phả thuộc Quảng Ninh vào Cát Lái, Đồng Nai, giá than nội vào tới miền Nam sẽ là 122 USD/tấn, do chi phí vận chuyển cao.

 

So sánh về mặt kinh tế, giá than xuất khẩu chênh cao hơn gần 14 USD/tấn than so với giá than chuyển từ Quảng Ninh vào Cát Lái. Đồng thời, theo các con số trên, nếu phải chuyển than từ miền Bắc vào miền Nam thì mức giá than này còn đắt hơn tới 22USD/tấn so với giá than nhập về từ Indonesia vừa qua.

 

"Như vậy, xuất khẩu than sẽ có lợi hơn là giữ lại than, dành cho các nhà máy nhiệt điện than miền Nam. Và việc nhập khẩu than phục vụ nhu cầu nhiệt điện phía Nam là hiệu quả hơn so với việc lấy than từ Bắc vào", ông Chuẩn nhấn mạnh.

 

Vừa qua, TKV đã trình Chính phủ dự kiến các nhà máy nhiệt điện miền Bắc sẽ dùng than trong nước, còn các nhà máy nhiệt điện miền Nam và Trung sẽ dùng than nhập có lợi hơn.

 

Các chuyên gia hoài nghi

 

Trước lý giải này, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, cho rằng, đây là một phép so sánh còn nhiều điểm khập khiễng.

 

Đầu tiên, nói về chủng loại, ông Sơn khẳng định: với thông số cỡ hạt trên, đó chỉ có thể là than nguyên khai, là chưa qua chế biến, nên TKV không thể lấy giá nhập về cảng Cát Lái là 100,6 USD/tấn để "gán" cho chất lượng tương đương 10b2 được. Nếu tính theo giá FOB ở Việt Nam là 108,6 USD/tấn khi TKV xuất khẩu và giá FOB ở Indonesia  là 73,6 USD/tấn thì lệch nhau tới 35 USD/tấn.

 

Ông Sơn cho biết, qua các mức giá trên, chắc chắn đây là hai loại than có chất lượng khác hẳn nhau, không thể đánh đồng so sánh như vậy được.

 

Là một người lâu năm trong ngành, ông Sơn tỏ ra hoài nghi: Sẽ không thể có giá 122 USD/tấn nếu cấp than từ Quảng Ninh vào Cát Lái. Có lẽ, lãnh đạo TKV đã nhầm lẫn khi lấy giá xuất khẩu + chi phí vận chuyển để tính ra giá bán than nội địa rồi đem so sánh.

 

Dường như, TKV đang lập lờ về chất lượng và giá của cả hai loại than là than xuất ở Quảng Ninh và nhập từ Indonesia khi đem so sánh như vậy.

 

TKV nên công khai tiếp các chỉ tiêu khác về lô hàng vừa nhập vừa rồi, tối thiểu là các thông tin như loại than (mác than) thuộc vùng than nào? Độ tro (%) bao nhiêu? Nhiệt năng làm việc (kcal/kg) bao nhiêu? Hàm lượng lưu huỳnh (%) như thế nào? Rồi còn các phương thức giao hàng, chủ mỏ là ai, có thể xuất cho Việt Nam khối lượng tối đa bao nhiêu? Chi phí sàng phân loại cỡ hạt của TKV ở Cát Lái cho mẻ than vừa qua là bao nhiêu?

 

Với đầy đủ các thông số chính xác trên, chúng ta mới có thể kết luận về hiệu quả kinh tế của việc nhập than vừa rồi, TS Nguyễn Thành Sơn kiến nghị.

 

Chia sẻ với PV, một vị Giáo sư của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tỏ ra sửng sốt: "Mức giá nhập than của TKV công bố như thế, tôi cho là... quá đắt. Vì tôi được biết, chúng ta đang xuất khẩu than sạch, đã qua chế biến sang Trung Quốc, loại nhiệt lượng 5.000-6.000 Kcal/kg với giá chỉ có 60-70 USD/tấn thôi.

 

Thế mà loại than nhập về là của TKV như trên lại là than nguyên khai, giá về Việt Nam đã hơn 100 USD/tấn, còn chưa tính chi phí chế biến, sàng lọc".

 

Vì vậy, cần phải xem kỹ lại kế hoạch nhập than với Indonesia, vị chuyên gia này đề nghị.

 

Đối mặt bài toán lo đời sống cho 86.000 cán bộ

 

Vấn đề mà bấy lâu dư luận đặt ra là: Vì sao TKV vừa xuất than, lại vừa nhập than và tại sao, không để than lại nhằm tới năm 2015 mới sử dụng?

 

Ông Lê Minh Chuẩn cắt nghĩa: "Nếu giờ, TKV không xuất khẩu mà giữ lại gần khoảng 16-20 triệu tấn than lưu kho thì thực tế, không có kho nào có thể chứa hết được".

 

"Hiện cán bộ công chức ngành than trên Quảng Ninh là 86.000 người, riêng làm việc trong các mỏ lộ thiên và hầm lò là khoảng 40.000 người. Nếu TKV chỉ khai thác mà dừng tòan bộ việc xuất khẩu than thì với số cán bộ công nhân trên, tôi e là sẽ đặt ra một bài toán xã hội rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, vấn đề xuất và nhập là chuyện hết sức bình thường", vị Phó tổng giám đốc TKV nhấn mạnh.

 

Theo các chuyên gia của Hiệp hội năng lượng, thực ra, trong câu chuyện này, TKV có nổi khổ tâm riêng. Trong khi nguồn ODA bấy lâu dồn hết cho ngành điện và dầu khí thì than không được hỗ trợ, phải tự kiếm vốn đầu tư. Giá than trong nước thấp, nhất là giá than bán cho điện. Bán cho điện, họ chỉ được có 500.000-700.000 đồng/tấn, còn xuất khẩu, họ được tới 1,2-2 triệu đồng/tấn. TKV phải cố xuất than đi để cân đối thu chi, để giải quyết việc sinh tồn.

 

Nghịch lý xuất - nhập than có nguyên nhân từ sự bất hợp lý trong chính sách năng lượng hiện nay, nhất là vấn đề giá và cân đối cung cầu giữa các ngành. Muốn xử lý được, sẽ phải có một chính sách điều chỉnh tổng thể ở cả ngành điện, ngành dầu khí, các chuyên gia này nhấn mạnh.

 

Nhìn ở góc độ điều hành quản lý, TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, TKV có thể chọn một phương án khác mà không đến mức khó khăn như vậy. Giả thiết nếu không xuất 20 triệu tấn than/năm thì than đó hoàn toàn nằm dưới lòng đất, chẳng ai lại khai thác lên rồi đi tìm kho chứa.

 

Ngược lại, nếu không khai thác số than này,  mỗi năm TKV có thể tiết kiệm được 20.000 tỷ đồng vốn lưu động so với lưu trong kho. Số tiền này tương đương với nhu cầu vay đầu tư của TKV hàng năm. Riêng lãi suất vay khoản vốn 20.000 tỷ đồng/năm để khai thác 20 triệu tấn than đó cũng đủ nuôi không 40.000 thợ lò với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng/người.

 

Trở lại câu chuyện có xuất có nhập, TS Sơn chia sẻ: Trung Quốc hiện đang xuất khẩu than ở vùng Đông Bắc và nhập khẩu than từ Việt Nam cấp cho vùng Tây -Nam vì chênh lệch chi phí vận chuyển rất cao. Nga cũng vậy, đất nước rộng nên họ xuất than đầu này (phía Đông) để nhập ở đầu kia rẻ hơn (giáp với Kazắk và Ukraina).

 

Còn ở Việt Nam, chi phí vận chuyển than từ Quảng Ninh vào Cát Lái chắc chắn phải thấp hơn nhiều so với chi phí vận chuyển từ bất cứ quốc gia nào về đến Cát Lái. Nếu chất lượng của 2 loại than xuất ở Quảng Ninh và nhập ở Cát Lái là như nhau thì càng không thể có cái gọi là "hiệu quả hơn" như TKV khẳng định.


VNN

Tin cùng chuyên mục