Đôi giày của Nike, niềm vui và nỗi lo của kinh tế Việt Nam

Việt Nam đang sản xuất và xuất khẩu tới 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu. Đó là niềm vui hay nỗi lo?
Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Lê Toàn Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Lê Toàn

Tin mừng…

Một thông tin rất đáng chú ý trong những ngày gần đây, đó là ông Chris Helzer, Phó chủ tịch phụ trách thương mại và quan hệ Chính phủ của Tập đoàn Nike (Mỹ), trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu. Hiện có tới 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu là được sản xuất tại Việt Nam.

Đây đương nhiên là một tin vui, bởi chứng tỏ Việt Nam đang thực sự trở thành một công xưởng mới của thế giới. Không chỉ Nike, mà nhiều nhà sản xuất lớn trên toàn cầu cũng đang tích cực dịch chuyển sản xuất vào thị trường Việt Nam.

Samsung, nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới cũng đang sản xuất tới 50% tổng sản lượng điện thoại di động tại Việt Nam. Trong khi đó, tương tự Nike, Adidas cũng đã nhiều lần công bố việc chuyến hướng sản xuất tới Việt Nam. Ngay từ năm 2010, nhà sản xuất giày dép này đã cắt giảm số lượng sản xuất tại Trung Quốc xuống còn một nửa, thay vào đó, hầu hết được dịch chuyển sang Việt Nam.

Thời gian gần đây, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nên ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam như một “vịnh tránh bão” an toàn. Vì vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm, đã có 16,74 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng vốn đầu tư của Trung Quốc đã là 2,02 tỷ USD, tăng rất mạnh so với những năm trước đây.

Điều này nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, là do sự dịch chuyển đầu tư nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xu hướng này sẽ tiếp tục. Thậm chí, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng nhắc đến những cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Cũng vì cuộc thương chiến này, phía Mỹ đã tăng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Còn theo dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ, trong 3 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam đã tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa vào con số này, vào ngày 28/5/2019, Bloomberg đã đưa ra dự đoán rằng, nếu đà tăng trưởng vẫn giữ vững, Việt Nam có thể bỏ xa Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ, vươn lên vị trí thứ 7 trong nhóm những quốc gia xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu đến Mỹ của Việt Nam có thể đạt 69 tỷ USD.

Trước đây, Việt Nam chỉ đứng thứ 12 trong danh sách này, với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đạt 49,2 tỷ USD. Đây rõ ràng là những tin mừng!

Và nỗi lo

Nhưng đằng sau con số tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào Mỹ và đằng sau tin mừng về lượng sản xuất của Nike tại thị trường Việt Nam, vẫn tiềm ẩn những nỗi lo.

Có lẽ, phải nhắc lại câu chuyện từ 2 năm về trước. Khi đó, trong chuyến  thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến đôi giày Nike và nói rằng, nếu một đôi giày Nike có giá 100 USD, thì phía Việt Nam chỉ được hưởng lợi 22 USD, còn phía Mỹ hưởng lợi 78 USD. Thủ tướng đã muốn nhắc đến câu chuyện “win-win” - đôi bên cùng có lợi trong bối cảnh phía Mỹ đang bắt đầu có những động thái muốn chống lại thương mại “không công bằng” khi Việt Nam vẫn luôn là nước xuất siêu lớn vào thị trường Mỹ.

5 tháng đầu năm nay, theo ước tính, Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ 16,8 tỷ USD, trong khi con số của 5 tháng đầu năm ngoái chỉ là 12,98 tỷ USD. Một khi tốc độ tăng trưởng xuất siêu sang Mỹ tăng cao, không loại trừ khả năng phía Mỹ sẽ “để ý”. Bởi vậy, Nike, Adidas hay bất cứ nhà đầu tư nào khác dốc vốn vào sản xuất tại Việt Nam là một tín hiệu tốt, song cũng cần có biện pháp đề phòng.

Bộ Công thương mới đây thừa nhận rằng, thương chiến Mỹ - Trung đang có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó không loại trừ khả năng phía Mỹ và Trung Quốc tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa mượn địa bàn Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ. Chưa kể, các nước khác, ngoài Trung Quốc và Mỹ cũng có thể sẽ áp dụng các biện pháp tự vệ đối với tất cả mặt hàng từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, mà họ thấy có rủi ro bị nhập khẩu tràn vào.

Theo GS. Trần Ngọc Thơ, thặng dư thương mại với Mỹ là một trong 3 tiêu chuẩn để Mỹ xác định hành vi thao túng tiền tệ.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục