Định đoạt số phận trạm cân xe Dầu Giây

Số phận của Trạm kiểm soát tải trọng xe Dầu Giây nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai sẽ sớm được định đoạt sau hơn 9 năm hoạt động.
Định đoạt số phận trạm cân xe Dầu Giây

Hết vai trò

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang rốt ráo hoàn thiện Đề án giải thể Trạm kiểm soát tải trọng xe Dầu Giây, Quốc lộ 1 (trạm Dầu Giây), đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai sau khi nhận được ý kiến phản hồi của các bộ, ngành liên quan.

Trên thực tế, số phận của trạm Dầu Giây - trạm kiểm soát tải trọng xe lâu đời nhất và cũng xảy ra nhiều tiêu cực nhất từng được triển khai trên hệ thống quốc lộ tại Việt Nam đã được định đoạt khi góp ý của các bộ, ngành đều đồng thuận với đề xuất giải thể của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Công văn số 11073/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giải thể trạm Dầu Giây và cho phép bộ này xử lý các vấn đề liên quan của đơn vị sự nghiệp công lập hiện thuộc Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Trong Công văn số 11073, Bộ GTVT đưa ra 4 lý do chính khiến trạm Dầu Giây phai nhạt vai trò, trong đó, đáng kể nhất là vị trí đặt Trạm  tại Km 1.846 + 700 trên Quốc lộ 1 không còn phù hợp.

Theo Bộ GTVT, do tốc độ phát triển, đô thị hóa, tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã hình thành nhiều đường ngang kết nối Quốc lộ 1 với hệ thống đường đô thị, đường khu công nghiệp. Điều này đã phá vỡ vị thế “hom giỏ” ban đầu của trạm Dầu Giây, khiến các xe chở hàng quá tải mặc sức né trạm kiểm soát tải trọng trong sự bất lực của ngành chức năng.

Bên cạnh đó, thiết bị kiểm tra của trạm Dầu Giây được lắp đặt từ lâu, thường xuyên trục trặc, hư hỏng, đặc biệt là chỉ đo được các xe lưu thông tốc độ cao (lớn hơn hoặc bằng 20 km/h), nhưng không kiểm soát được các xe quá tải cố tình đi với tốc độ thấp.

“Trong bối cảnh trạm Dầu Giây mất dần tác dụng, việc hàng năm ngân sách Nhà nước phải bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để duy trì hoạt động và bảo trì trạm tại vị trí hiện hữu là điều không cần thiết”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết. 

Do việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại Đồng Nai - cửa ngõ nối TP.HCM và các tỉnh miền Tây với các tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên vẫn rất cần thiết, nên Bộ GTVT kiến nghị ghép địa bàn kiểm tra tải trọng xe (do trạm Dầu Giây quản lý) vào trạm thu phí BOT Đồng Thuận tại Km 1.841 trên Quốc lộ 1, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và cách vị trí trạm Dầu Giây hiện hữu khoảng 5 km về phía Bắc. Khi đó, nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe toàn bộ khu vực Dầu Giây sẽ do trạm BOT Đồng Thuận thực hiện.

Phức tạp hơn dự kiến

Điều đáng nói là, nếu như việc giải thể trạm Dầu Giây nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, thì việc xử lý các vấn đề liên quan lại phức tạp hơn dự kiến của cơ quan quản lý đường bộ.

Theo quan điểm của Bộ Công an, việc thay đổi vị trí trạm Dầu Giây phải đảm bảo không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa ngành Công an và GTVT. Trong Công văn số 2735/BCA - ANKT, ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nay, tại trạm cảnh sát giao thông Suối Tre (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai) đặt tại Km 1.826 trên Quốc lộ 1, thuộc địa bàn thị xã Long Khánh cũng đã lắp đặt trạm cân kiểm tra tải trọng xe cố định và theo Bộ Công an, trạm này đang hoạt động hiệu quả. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT cân nhắc việc chuyển giao nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe của trạm Dầu Giây cho trạm thu phí BOT Đồng Thuận vì có thể phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự tại khu vực trạm thu phí trong thời điểm hiện nay.

Ở góc độ khác, theo Bộ Tài chính, chiểu theo Nghị định số 123/2016/NĐ - CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, thì Bộ GTVT chỉ có thể ủy quyền cho UBND tỉnh Đồng Nai. Việc Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe do trạm Dầu Giây quản lý (thuộc hệ thống đường quốc lộ) là chưa phù hợp.

Vướng mắc thứ hai là, đến thời điểm này, mục tiêu giải thể trạm Dầu Giây từ ngày 1/10/2018 như đề xuất của Bộ GTVT đã muộn gần 2 tháng. Đó là lý do khiến Bộ Tài chính trong văn bản góp ý số 13587/BTC - HCSN đã đề nghị Bộ GTVT dự tính thời điểm chính thức dừng hoạt động của trạm này để chốt nhu cầu kinh phí hoạt động của trạm cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc khi trạm dừng hoạt động, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018 được giao còn lại chưa sử dụng đề nghị thu hồi nộp ngân sách theo quy định.

Liên quan đến việc xử lý cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trạm Dầu Giây, quan điểm của Bộ Tài chính là cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ - CP quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, việc xử lý khối tài sản có nguyên giá khoảng 5 tỷ đồng (giá trị còn lại 855 triệu đồng) phải đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản của đơn vị tiếp nhận, chứ không đơn giản là việc giao Cục Quản lý đường bộ IV quản lý, sử dụng hoặc thanh lý theo quy định như đề xuất của Bộ GTVT.

“Với những quy trình phức tạp như trên, việc giải thể trạm Dầu Giây khó có thể dứt điểm trong năm 2018 dù số phận của nó đã được đồng thuận chấm dứt”, một chuyên gia đánh giá.

Long đong trạm Dầu Giây

 Tháng 9/1993, Trạm cố định liên ngành Dầu Giây được thành lập.

Tháng 6/2003, Trạm bị dừng hoạt động sau hàng loạt những vụ tiêu cực bị phát giác.

Tháng 2/2009, khôi phục lại Trạm.

Tháng 10/2018, Trạm bị đề nghị giải thể.

Kể từ khi được khôi phục đến nay, trạm Dầu Giây đã kiểm tra được 654.251 lượt xe tải, phát hiện và xử phạt 14.389 trường hợp vi phạm, tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước 71,68 tỷ đồng.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục