Đầu tư năng lượng tái tạo: Tiềm năng và thách thức

(ĐTCK) So với các nguồn tài nguyên khác, rác thải cũng là một loại tài nguyên bởi có thể chuyển hóa thành năng lượng điện, năng lượng khí sạch, góp phần tiết kiệm điện, tối ưu hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, loại tài nguyên này lâu nay vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, vì nhiều nguyên nhân...
Một nhà máy biogas của Watrec (Nguồn: Watrec). Một nhà máy biogas của Watrec (Nguồn: Watrec).

Rác thải hữu cơ giúp bổ sung nguồn khí biogas

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi năm có 47 triệu tấn chất thải từ ngành chăn nuôi và khoảng 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt (rác thải hữu cơ) từ khu vực nông thôn, trong đó hầu hết chưa được xử lý tốt, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Quá tải chất thải đang là một vấn đề nóng không chỉ ở các đô thị lớn, mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi sinh sống của 65% dân số Việt Nam.

Khi rác thải hữu cơ được ủ kín sẽ sinh ra biogas - một loại khí có thể bắt lửa nên được sử dụng làm chất đốt, đồng thời nguồn năng lượng này còn có thể biến đổi thành điện năng sử dụng để chiếu sáng, chạy các thiết bị điện...

Lợi ích là vậy, nhưng hiện mới có khoảng 15% số hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải để tận dụng nguồn khí sinh học này. Đó là chưa kể nhiều hầm không đạt hiệu quả do sử dụng công nghệ lạc hậu, thường xả thải trực tiếp ra hệ thông kênh, ao, hồ…, gây ô nhiễm môi trường.

Trên thế giới, rác thải hữu cơ được sử dụng để sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có nhà đầu tư phát triển lĩnh vực này. Trong khi đó, ngành điện đang chịu áp lực lớn về việc cung cấp điện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu dân sinh. Nhu cầu tiêu thụ điện của năm 2019 được ước tính cao gấp đôi so với năm 2018 và tăng lên gấp ba vào năm 2020.

Một thống kê chỉ ra rằng, tốc tộ gia tăng của nhu cầu tiêu thụ điện đang cao gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng của lượng điện cung cấp ra thị trường. Giới chuyên gia xác định, hiện nay, con đường duy nhất để Việt Nam giải quyết bài toán giảm áp lực nguồn cung điện là năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng biogas... là những nguồn cung cấp dồi dào, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Tại Việt Nam, công nghệ khí sinh học từ rác thải hữu cơ đã được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng từ lâu, nhưng do công nghệ lạc hậu nên chưa khai thác được tối ưu nguồn tài nguyên này.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà cho biết, chất thải hữu cơ là nguồn nguyên liệu vô tận để sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng hiện vẫn thiếu hụt các cơ sở xử lý có công nghệ phù hợp. Rác thải hiện đang được xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp, gây lãng phí, tốn quỹ đất, tổn hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Tân, việc áp dụng công nghệ biogas hiện đại để xử lý triệt để chất thải hữu cơ và phát điện phục vụ nhu cầu tại chỗ cho các hộ dân và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Sản xuất biogas là một quy trình phù hợp với sinh thái, biến chất thải hữu cơ thành năng lượng, đồng thời trả lại vòng tuần hoàn tự nhiên những thành phần dinh dưỡng...

Thị trường năng lượng tái tạo: Tiềm năng và thách thức

Công nghệ khí sinh học đã được áp dụng phổ biến tại hầu hết các nước châu Âu như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức..., tại châu Mỹ có Mỹ, Canada..., tại châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại Việt Nam, công nghệ biogas cũng đã được áp dụng trong hoạt động sản xuất, nhưng chưa phổ biến. Một vài doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này có thể kể đến như Công ty Mía đường Tuy Hòa (Phú Yên) dùng khí biogas lò đốt hơi thay thế cho dầu FO hay Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Tịnh Phong và Sơn Hải (thuộc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) với dự án tận dụng khí biogas trong sản xuất…

Nghiên cứu về thị trường Việt Nam, ông Kimmo Tuppurainen, đồng sáng lập và là Giám đốc Kinh doanh của Watrec - một doanh nghiệp chuyên về xử lý chất thải hữu cơ bằng công nghệ biogas của Phần Lan cho rằng, với nền nông nghiệp và khí hậu tốt, nguồn chất thải hữu cơ dồi dào từ quá trình chăn nuôi, từ rác thải đô thị, nhà máy chế biến thực phẩm (chiếm 40-60% trong rác thải hiện nay)..., Việt Nam có nhiều cơ hội để tái tạo, phát triển nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải hữu cơ đang áp dụng hầu hết là công nghệ lạc hậu (chủ yếu sử dụng công nghệ composite). Đây chưa phải là giải pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp Việt.

Theo ông Kimmo Tuppurainen, các công trình sử dụng khí sinh học cần vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn khá lâu, đây là những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp ngại triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện vẫn chưa có cơ chế cụ thể về giá bán điện cũng như sản xuất biogas để khuyến khích các nhà đầu tư, trong khi tiềm năng thị trường lớn, cạnh tranh chưa nhiều.

"Cơ chế giá rõ ràng, minh mạch sẽ tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia sâu hơn vào thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam. Với tiềm năng lớn, cộng thêm chính sách hỗ trợ phù hợp, thị trường này sẽ bùng nổ trong tương lai không xa", lãnh đạo Watrec nhìn nhận.       

Watrec là một trong những công ty tiên phong về xử lý chất thải hữu cơ bằng công nghệ biogas tại châu Âu và giữ vị trí số một tại Phần Lan. Watrec đã xây dựng thành công chuỗi 7 nhà máy biogas hiện đang vận hành hiệu quả tại Phần Lan. Mới đây, Watrec đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sơn Hà. 

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục