Chuyên gia Võ Trí Thành: “Có nhiều dòng vốn lớn đang chực chờ chảy vào Việt Nam“

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về hình ảnh Việt Nam nói chung, nền kinh tế nói riêng và đặc biệt là thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại, với sức hấp dẫn lớn.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: Thành Nguyễn Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. Ảnh: Thành Nguyễn

"Quan sát và tiếp xúc các nhà đầu tư quốc tế, tôi nhận thấy họ ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam. Tuần trước tôi sang công tác ở Ấn Độ, Nhật Bản và thấy rằng các nhà đầu tư đều rất quan tâm đến thị trường nước ta. Xu hướng này sẽ còn kéo dài trong khoảng 10 năm tới và sẽ mang lại những lợi ích lớn cho Việt Nam", ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, thị tường bất động sản nước nhà đã tăng cả về chất và lượng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó M&A là một điểm sáng.

Sau 4 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút được 1,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn lớn thứ 2 của Việt Nam.

"Dự án xanh và thông minh sẽ là xu hướng trong thời gian tới", CGKT Võ Trí Thành. Ảnh: Thành Nguyễn. 

“Tôi đi một số nước các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc M&A các dự án ở Việt Nam, có nhiều dòng vốn lớn đang chực chờ để chảy vào Việt Nam. Ngoài sự ổn định của nền kinh tế, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nền kinh tế có độ mở lớn hơn, thì việc một số nước có chính sách điều chỉnh phát triển cũng khiến Việt Nam được hưởng lợi. Ví dụ như Hàn Quốc có chính sách phát triển hướng Nam, và Việt Nam là thị trường được quan tâm, đầu tư”, ông Thành nhấn mạnh.

Về mặt vĩ mô, theo chuyên gia, mức tăng trưởng kinh tế những năm qua dù có khác nhau, nhưng vẫn thuộc vào nhóm các nước tăng trưởng cao của thế giới. Thị trường bất động sản Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ điều này.

Ngoài ra, sự phát triển của nền kinh tế còn kéo theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Hiện tại, ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, tầng lớp này chiếm tới khoảng 50% dân số. Và trong 10 năm nữa, đây cũng sẽ là mức chung của cả nước.

Xét trên bình diện lớn hơn, trên toàn cầu, ông Thành cho rằng kinh tế thế giới thời gian qua luôn gói gọn trong ba từ: Rủi ro, bất định và giảm tốc.

Là nền kinh tế mở, Việt Nam cũng chịu những tác động từ diễn biến của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố tích cực như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm rõ thêm cơ hội của Việt Nam trong việc đón nhận dòng vốn đầu tư mới.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục