Chậm thanh toán tại Đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh: Nguy cơ nhà thầu phá sản

Nhiều nhà thầu tham gia Đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh vẫn chưa được thanh toán đầy đủ dù đã bàn giao công trình cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam cách đây hơn 2 năm.
Chậm thanh toán tại Đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh: Nguy cơ nhà thầu phá sản

Thế yếu của nhà thầu

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Văn bản số 2267/BGTVT - KHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này được ứng trước 157 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách nhà nước để trả nợ dứt điểm khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu tham gia Đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh.

Đề án Xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, có tổng mức đầu tư 931,7 tỷ đồng được Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Do tính cấp bách, việc xây dựng các cầu nằm trong Đề án phải được thực hiện trong vòng 9 tháng (2014 - 2015).

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến đầu năm 2016, chủ đầu tư đã bàn giao 181/186 cầu cho địa phương quản lý, riêng 5 cầu chưa bàn giao được là do vẫn còn một số hạng mục phụ trợ chưa hoàn thiện dứt điểm.

Tại Văn bản số 3367, Bộ GTVT cho biết, Đề án mới chỉ được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tổng cộng 837 tỷ đồng (trong đó hoàn ứng trước kế hoạch 400 tỷ đồng).

Tính đến nay, Đề án đã được bố trí kế hoạch 634,5 tỷ đồng (trong đó hoàn ứng trước kế hoạch 354,5 tỷ đồng). Riêng kế hoạch năm 2018, chủ dự án được giao kế hoạch 414,5 tỷ đồng (trong đó hoàn ứng trước kế hoạch 254 tỷ đồng), đến nay đã giải ngân hết.

Như vậy, trong trường hợp giải ngân đúng kế hoạch vốn, thì phải sau 3 năm nữa, Đề án vẫn còn nợ các nhà thầu khoảng 100 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, khi ký hợp đồng kinh tế, các nhà thầu đã chấp thuận để chủ đầu tư “thòng” khá nhiều điều khoản thanh toán bất lợi.

Tại hợp đồng ký giữa Ban Quản lý Dự án 3 - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư (bên A) và Công ty cổ phần Xây lắp 1 - Petrolimex (bên B) để xây dựng cầu Bản Ngàm và Bản Bượn, bên A sẽ thanh toán cho bên B theo các đợt và phù hợp với kế hoạch cấp vốn.

Trong khi đó, bên B lại không được tính lãi cho những khoản chậm thanh toán do kế hoạch bố trí vốn cho gói thầu không kịp thời.

Trước thực trạng trên, trong cuộc họp giải quyết các vướng mắc liên quan đến Đề án Xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 3/2018, ông Huyện thừa nhận, việc nợ đọng đã gây khó khăn rất lớn về tài chính cho các nhà thầu tham gia Đề án. 

Gánh nặng nợ nần

Hiện một loạt nhà thầu trong Đề án đã gửi văn bản khiếu nại đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thanh toán sớm, dứt điểm các khoản nợ khối lượng, trong đó Công ty cổ phần Xây lắp 1 - Petrolimex đòi 6,75/13,26 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng 465 đòi 20,55 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đòi 54 tỷ đồng; Công ty TNHH Quang Tiến Đăk Lăk đòi 8,01 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cầu đường Đông Nam đòi 7,33 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Quang Đại, Giám đốc Công ty TNHH Quang Tiến Đăk Lăk, nhà thầu này đã phải vay ngân hàng để có vốn thi công, nên việc trong 2 năm qua chỉ được tạm thanh toán gần 50% tổng giá trị quyết toán đã khiến doanh nghiệp bị thua lỗ nặng nề.

Trong đơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2017, tập thể các nhà thầu thi công xây dựng cầu treo giai đoạn I cho biết, nhiều nhà thầu tham gia Đề án đang rất khó khăn do bị ngân hàng xiết nợ, không tiếp tục cho vay dẫn đến sản xuất đình trệ.

Cần phải nói thêm rằng, Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh không phải là công trình giao thông duy nhất đang xuất hiện nợ đọng kéo dài.

Trong số các dự án do doanh nghiệp ứng vốn  thực hiện, Dự án Xây dựng cầu Hòa Trung, Cà Mau có số nợ đọng lớn nhất. Cụ thể, sau 2 năm kể từ khi bàn giao công trình và đã ứng ra tới 269 tỷ đồng, vậy nhưng, tín hiệu của việc sẽ được ngân sách bố trí hoàn trả trong 1 - 2 năm tới vẫn chưa thực rõ nét.

Việc bị chậm phê duyệt nguồn vốn, chậm bố trí vốn để thanh toán sẽ đẩy nhà thầu vào tình trạng thua lỗ rất lớn. Tính đến cuối tháng 10/2017, liên danh đã phải trả tiền lãi ngân hàng khoảng 40 tỷ đồng và con số này hiện đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn khi nợ lãi vay bị cộng dồn vào khoản nợ gốc.

“Ngoài các khoản vay tín dụng, nhà thầu còn đang nợ một khoản kinh phí khá lớn đối các đơn vị cung cấp vật liệu, lương cho người lao động”, một lãnh đạo trong liên danh nhà thầu cho biết.

Tại Văn bản số 3155/BGTVT - KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 3/2018, Bộ GTVT cho biết, tổng giá trị nợ đọng các dự án đã hoàn thành nhưng chưa cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT khoảng 21.150 tỷ đồng;

Trong đó, để trả các dự án BT 10.677 tỷ đồng, các dự án chuẩn bị đầu tư 5 tỷ đồng, các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ khoảng 865 tỷ đồng; các dự án đã được địa phương, doanh nghiệp ứng vốn thực hiện khoảng 9.603 tỷ đồng.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí từ nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn chưa phân bổ để xử lý số nợ đọng này. Nhưng với khối lượng vốn cần bổ sung lớn như trên, chức năng cân đối thuộc thẩm quyền Quốc hội.

“Nguy cơ nợ đọng kéo dài sau năm 2020 với các dự án được các doanh nghiệp ứng trước vốn như trường hợp cầu Hòa Trung, sân bay Pleiku là rất lớn”, một chuyên gia nhận định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục