Cần góc nhìn mới về chính sách tài khóa

(ĐTCK) Yêu cầu thay đổi tư duy điều hành chính sách tài khóa đã được các chuyên gia kinh tế đặt ra trong Hội thảo “Nhìn lại chính sách tài chính, tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính” do Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 26/12 tại Hà Nội.
Cần góc nhìn mới về chính sách tài khóa

Cần góc nhìn mới về chính sách tài khóa ảnh 1Trong 2 năm 2011 - 2012, đã có gần 10 vạn DN giải thể, phá sản

 

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, năm 2012 là năm có nhiều cái “nhất” của kinh tế Việt Nam: quyết sách được đưa ra nhiều nhất; tăng trưởng GDP và tổng mức đầu tư toàn xã hội/GDP thấp nhất 10 năm qua; dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhất 4 năm qua; cổ phiếu ngân hàng biến động mạnh nhất 6 tháng cuối năm; tín dụng tăng trưởng thấp nhất và lãi suất giảm nhanh nhất 10 năm qua; nợ xấu tăng nhanh nhất và lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh nhất 4 năm qua; số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động nhiều nhất 10 năm qua... Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã có những điểm khác biệt so với các năm trước.

TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank phân tích, những định hướng lớn và giải pháp điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm qua khá chủ động, liều lượng phù hợp giữa các công cụ như lãi suất, tỷ giá, tái cấp vốn… Giải pháp điều hành CSTT của NHNN đóng vai trò quan trọng vào nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, từ một quốc gia nhập siêu ở mức lớn, năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam có thặng dư thương mại và dịch vụ.

Trong khi đó, nhận định về chính sách tài khoá, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chia sẻ, đặc điểm nổi bật của chính sách tài khóa năm 2012 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu NSNN do tác động của kinh tế trì trệ. Thu NSNN khó khăn có thể làm gia tăng quy mô thâm hụt NSNN, hạn chế khả năng tăng chi NSNN để kích thích kinh tế. Chính sách quản lý giá tác động tích cực tới lạm phát nhưng không hỗ trợ tăng thu NSNN do sức tiêu thụ bị hạn chế.

Trái với giai đoạn 2006 - 2011 mà tốc độ tăng thu NSNN thường xuyên ở mức cao và tổng thu NSNN luôn vượt dự toán, thu NSNN năm 2012 gặp khó khăn khi tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó, chỉ trong 2 năm 2011 - 2012, đã có gần 10 vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản, chiếm một nửa số doanh nghiệp giải thể, phá sản kể từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay. Điều này đã hạn chế khả năng thu NSNN không chỉ của năm 2012 mà có thể của cả các năm tiếp theo.

Nếu thu NSNN thấp tương đối xa so với dự toán thì chi NSNN bám khá sát dự toán. Tổng chi NSNN quý I đạt 22% dự toán, nửa đầu năm đạt 45% và sau 9 tháng đạt 71%. Tuy nhiên, do GDP tăng thấp nên tỷ lệ chi NSNN quý I ở mức 34% GDP trước khi giảm xuống mức 31% GDP sau quý II và quý III/2012, nhưng vẫn cao hơn mức 29% GDP trong dự toán.

“Tuy nhiên, chuyện chi NSNN vượt dự toán có thể lặp lại trong năm 2013 do đây là ‘truyền thống’ và khả năng tăng chi NSNN để kích cầu nền kinh tế”, TS. Ánh nói.

Đại diện Học viện Chính sách và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Vũ Thị Minh Luận cho rằng, Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch tổng thể về chính sách tài chính - tiền tệ trung và dài hạn, trong đó, các vấn đề về cân đối ngân sách, cân đối đầu tư công cần được tính toán trong mối tương quan với tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng. Trong giai đoạn cần thiết tái cơ cấu đầu tư như hiện nay, phải có những nghiên cứu cụ thể cho từng lĩnh vực của đầu tư công để có thể phân bổ nguồn vốn nhà nước một cách hợp lý. Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo hiệu quả của các nguồn vốn này.

“Cần phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Ngô Phúc Hạnh, Trường Đại học Phương Đông nói.

Tuy nhiên, TS. Ánh đặt câu hỏi, chính sách tài khóa tác động gì đến lạm phát khi mà lạm phát nếu có tăng lên 15% thì thu ngân sách cũng tăng lên 15%? Đầu tiên, phải thay đổi tư duy điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam . Tư duy hiện nay là, thành công của chính sách tài khóa dựa trên cơ sở đảm bảo thu - chi cho đủ hoặc thâm hụt không quá 5% như Quốc hội đề ra cho năm 2012. Với tư duy đó, không nên hy vọng chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ, hay chính sách tài khóa kiềm chế lạm phát”, TS. Ánh nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục