Bốn vấn đề chưa được giải quyết “cản trở” đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành

Trả lời câu hỏi về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 15/11, Chủ tịch Hà Nội cho biết dự án chậm tiến độ do còn bốn vấn đề lớn chưa được giải quyết.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử với tần suất như khai thác thương mại, chạy đủ 20 ngày có thể được nghiệm thu Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chạy thử với tần suất như khai thác thương mại, chạy đủ 20 ngày có thể được nghiệm thu

Giải thích về việc tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục lỡ hẹn, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành, Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo hàng nghìn lao động. "Nhưng do dự án chậm tiến độ, nên trong năm vừa qua nhiều công nhân, nhân viên của dự án đã bỏ việc, làm cho thành phố gặp rất nhiều khó khăn", Chủ tịch Hà Nội nói. 

Theo ông, dự án chậm tiến độ do còn bốn vấn đề lớn chưa được giải quyết. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phải tiến hành nghiệm thu đánh giá về an toàn toàn bộ hệ thống; kiểm toán dự án; khắc phục các kiến nghị của kiểm toán trước đó; hoàn thành cung cấp các thiết bị theo hợp đồng đã ký.

Những vấn đề này vừa được đưa ra tại buổi làm việc của ông cùng với Phó giám đốc Công ty đường sắt 6 Trung Quốc (nhà thầu thi công) và Trưởng ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ những khó khăn. 

Lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết thêm, trong những ngàyqua, Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội đã chạy thử với tần suất như khai thác thương mại. Sau khi chạy đủ 20 ngày, dự án có thể được nghiệm thu.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang có 681 người tham gia vận hành, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...

Ngoài ra, thông tin tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Chủ tịch UBND TP cho biết,  chậm nhất đến tháng 5-2020, đoàn tàu thứ nhất sẽ được bàn giao tại Việt Nam. Đến tháng 8/2020 nhận 4 đoàn tàu, cố gắng đến tháng 9 sẽ vận hành chạy thử 2 tháng, cố gắng cuối năm 2020 sẽ vận hành chạy thử 8km đường trên cao, quý 2-2021 vận hành nốt 4km ngầm còn lại". 

Đồng thời, thành phố đang xây dựng một trung tâm điều hành giao thông, dự kiến hết quý I/2020 đi vào hoạt động.

Đặc biệt, đối với dự án ga ngầm C9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Ga C9 không nằm trong vành đai bảo vệ di sản. TP đã họp bàn, xem xét kỹ lưỡng các phương án bố trí Ga C9, đã tính toán việc bố trí các cửa ga một cách phù hợp, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn phòng cháy chữa cháy. Với kỹ thuật hiện đại, việc thi công nhà ga này không ảnh hưởng đến các di tích quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Ng. Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục