Bộ Giao thông: Có 3 phương án giá trần, sàn vé máy bay

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết đã giao Cục Hàng không nghiên cứu 3 phương án khung giá vé máy bay, gồm bỏ giá trần có giá sàn, bỏ cả hoặc giữ cả 2 loại giá.
Đề xuất khung giá vé máy bay nội địa được các hãng hàng không đưa ra đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Đề xuất khung giá vé máy bay nội địa được các hãng hàng không đưa ra đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Thông tin nêu trên được Thứ trưởng Giao thông đưa ra khi trao đổi với báo chí chiều 5/4. Trước đó, khi Bộ Giao thông giao Cục Hàng không xây dựng, lấy ý kiến về khung giá vé máy bay, một số hãng hàng không như Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đã đề xuất áp giá sàn với các chuyến bay nội địa, gây phản ứng trong dư luận về khả năng gây mất cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết trong các phương án được đưa ra nghiên cứu, có cả việc bỏ giá trần - có giá sàn vé máy bay; bỏ cả giá trần - giá sàn và giữ cả 2.

Tuy nhiên, vị này khẳng định dù chọn phương án nào thì lợi ích của người dân cũng sẽ được đặt lên trước tiên, chứ không phải lợi ích của một hãng hàng không nào.

Lãnh đạo Bộ cam kết sẽ đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo cạnh tranh và hoạt động của các hãng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá... theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Nhà nước không bảo hộ bất cứ hãng nào, kể cả Vietnam Airlines. Các hãng đã cổ phần hóa nên nhà đầu tư cũng cần minh bạch hóa", ông Nguyễn Hồng Trường nói.

Chia sẻ thêm về việc này, Cục trưởng Hàng không - Lại Xuân Thanh tái khẳng định đề xuất về giá trần, giá sàn thời gian qua không phải của cơ quan nhà nước, mà của các hãng. Việc nghiên cứu giá trần, giá sàn sẽ căn cứ vào hệ thống pháp luật hàng không, Pháp lệnh Giá, Luật Cạnh tranh và điều tiết vĩ mô của nhà nước. Cùng với đó là đặc thù ngành, có tham khảo kinh tế quốc tế để hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội...

Ông Thanh cũng cho hay, hiện nay khung giá vé đã được đưa vào trong Luật Hàng không, Quốc hội vẫn quyết định giá trần để điều tiết giá, mặc dù nhiều ý kiến cho rằng điều kiện kinh tế hiện nay không nên áp dụng giá trần.

"Mặc dù thị trường kinh tế tự do song nhà nước vẫn có quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, phá giá. Việc đánh giá áp dụng phương án nào sẽ trên cơ sở pháp lý và thực tế đã cần nhà nước can thiệp điều tiết giá hay chưa. Cục Hàng không sẽ nghe các ý kiến phản biện xã hội", ông Lại Xuân Thanh nói.

Trong tháng 3, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific có văn bản góp ý về khung giá vé máy bay gửi Bộ Giao thông Vận tải.

Trong đó, Vietnam Airlines đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất (sàn) cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng. Jetstar Pacific cũng kiến nghị áp dụng giá sàn từ 0,6 đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Ngược lại, Vietjet Air không đồng tình khi cho rằng việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014. Hơn nữa, quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không còn phổ biến trên thế giới.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục