3 “điểm nóng” nợ nước ngoài

Việt Nam đã có một số dấu hiệu cho thấy “độ nóng” của nợ nước ngoài trong thời gian gần đây đã tăng nhanh, cả về định tính và định lượng.
3 “điểm nóng” nợ nước ngoài

Nói cách khác, gánh nặng nợ nước ngoài đang tăng liên tục cả về quy mô, dịch vụ và điều kiện nợ. Ngoài ra, vấn đề hiệu quả quản lý, sử dụng nợ cũng chưa có sự cải thiện rõ rệt. Theo chúng tôi, có 3 điểm nóng về nợ nước ngoài của Việt Nam cần xem xét.

 

Thứ nhất, quy mô nợ tăng nhanh và vượt dự báo. Theo Bản tin nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2009, tổng nợ nước ngoài, gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh hơn 27,9 tỷ USD, tương đương 479.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ trên 23,9 tỷ USD. Đến cuối năm 2010, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ do Chính phủ bảo lãnh đạt 32,5 tỷ USD (trong đó tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ 27,86 tỷ USD, chiếm 85,7% tổng dư nợ), tương đương 42,2% GDP năm 2010 và tăng 4,6 tỷ USD so với năm 2009, đạt mức nợ cao nhất kể từ năm 2005. Cần lưu ý con số 42,2% GDP cũng cao hơn nhiều so với mức 38,8% mà Chính phủ dự kiến cuối năm 2010.

 

Thứ hai, dịch vụ nợ tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ cũng giảm nhiều. Dịch vụ nợ nước ngoài của nước ta trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD, trong đó riêng tiền lãi và phí hơn 616 triệu USD, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009. Dịch vụ nợ Chính phủ so với tổng ngân sách nhà nước năm 2009 là 5,1% (ngưỡng an toàn của Ngân hàng Thế giới - WB - đưa ra dưới 35%).

 

Tuy nhiên, dịch vụ nợ nước ngoài năm 2010 bằng 50% tổng đầu tư phát triển cùng năm ngân sách. Một con số không hề nhỏ trong quy mô khiêm tốn của ngân sách nhà nước hiện nay. Đặc biệt, theo cảnh báo của Bộ Tài chính, dự trữ ngoại hối nước ta trong năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 290% và 2.808% của các năm 2009 và 2008, trong khi mức khuyến nghị của WB trên 200%.

 

Việc mua vào thêm 4 tỷ USD trong những tháng đầu năm 2011 ít nhiều đã cải thiện tỷ lệ an toàn này. Tuy nhiên, việc mua vào này không phải là giải pháp bền vững xét dưới góc độ chống lạm phát tiền tệ, vì nó dễ trở thành nguồn xung lực làm tăng lạm phát tiền tệ.

 

Thứ ba, điều kiện nợ ngày càng ngặt nghèo hơn. Bộ Tài chính cho biết lãi suất vay nợ đang có xu hướng tăng lên do nước ta đã bị giảm mức nhận ưu đãi vì gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Các khoản vay nước ngoài đa số có lãi suất thấp và trong tổng nợ cuối năm 2009, vay ODA chiếm tỷ trọng 74,67%, vay ưu đãi chiếm 5,41%, vay thương mại 19,92%... Qua năm 2010, vay nợ với lãi suất thấp 1-2,99%/năm chiếm khoảng 65,5% tổng dư nợ.

 

Tuy nhiên, khoản vay có lãi suất cao 6-10%/năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009. Hiện các chủ nợ chính của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Pháp, ADB, WB... Các chủ nợ này đã nâng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Việt Nam lên hơn 2 tỷ USD trong năm 2010 (so với hơn 1 tỷ USD của năm 2009).

 

Vấn đề đặt ra lúc này là dù tự tin và thận trọng, cần phải “rung chuông” tự cảnh cảnh báo rằng mức nợ nước ngoài của Việt Nam đã tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế và so với khả năng trả nợ (mấp mé dưới mức cảnh báo an toàn của WB). Vấn đề càng nhạy cảm hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang bao phủ toàn cầu, đe dọa nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ mới vô tiền khoáng hậu.

 

Vì thế, đây là lúc phải tỉnh táo để thấy rõ sự thực rằng nếu khủng hoảng nợ công xảy ra, Việt Nam sẽ phải “một mình vượt cạn”, khó trông cậy vào sự cứu trợ “giá rẻ “hay vô tư nào từ các chủ nợ, các khối kinh tế hay tổ chức tài chính khu vực và quốc tế, giống như việc Liên minh châu Âu đang cứu giúp các nước thành viên khỏi “cơn bão” nợ công với những điều kiện ngặt nghèo.


SGĐT

Tin cùng chuyên mục