Đầu tư y tế cần một cuộc “đại cách mạng”

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư y tế là rất lớn, với số vốn tối thiểu là gần 180.000 tỷ đồng. Thực tế này đòi hỏi cần có một cuộc “đại cách mạng” trong thu hút vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đầu tư y tế cần một cuộc “đại cách mạng”

Năm 2015, chi ngân sách nhà nước cho y tế đạt 84.481,6 tỷ đồng (bao gồm cả mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế), riêng chi đầu tư phát triển là 16.861,6 tỷ đồng. Mặc dù số tiền đầu tư vẫn còn eo hẹp so với nhu cầu, nhưng hệ thống cơ sở vật chất ngành y tế đã được cải thiện.

Năm 2015, ngành y tế đã bổ sung trên 4.500 giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương và tăng đáng kể số giường bệnh thực kê tại các cơ sở khám chữa bệnh. Số giường bệnh đã tăng từ 21,5 giường/vạn dân (năm 2011) lên 24 giường/vạn dân năm 2015 (nếu tính số giường bệnh thực kê thì tăng từ 24,7 lên 31,4 giường/vạn dân). Đến nay, tình trạng quá tải và nằm ghép về cơ bản đã được giải quyết.

Mặc dù vậy, những khó khăn, tồn tại vẫn còn chồng chất do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, đa dạng. Mô hình bệnh tật thay đổi, đòi hỏi phải có các bệnh viện chuyên khoa, nhưng thực tế, số cơ sở và số giường bệnh các chuyên khoa còn thiếu nhiều. Trong khi đó, khoa học - công nghệ y tế ngày càng phát triển, đòi hỏi trang thiết bị y tế ngày càng tiên tiến, hiện đại hơn...

Đứng trước nhiệm vụ lớn lao này, hơn lúc nào hết, khu vực tư nhân cần phải chung vai, sát cánh với Nhà nước để xây dựng một hệ thống y tế quốc gia đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi mặc dù thời gian qua Nhà nước đã có những chính sách cởi mở để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, nhưng trên thực tế vẫn còn những “khúc quanh” khiến y tế tư nhân chưa thể tăng tốc. Thực tế hiện nay, khả năng tiếp cận của các cơ sở y tế tư nhân với các chính sách ưu đãi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ giường bệnh tư trên 10.000 dân mới đạt 1,1. Việc liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập tuy kết quả có nhiều mặt tích cực, nhưng cũng còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật, xét nghiệm, chiếu chụp làm tăng chi phí trong khám, chữa bệnh.

Thực tế, việc mở cửa cho khối tư nhân đầu tư vào y tế là một thử thách khó khăn. Bởi lẽ, y tế là một ngành đặc thù mang tính an sinh xã hội, liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của người dân, nên đâu đó vẫn còn những e dè, ngần ngại trong vấn đề quản lý đối với khu vực này. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy, việc rộng cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào y tế là con đường buộc phải đi.

Trên thực tế, nhu cầu đầu tư gần 180.000 tỷ đồng cho y tế từ nay đến năm 2020 chỉ là nhu cầu cho các hạng mục tối thiểu. Trong khi đó, trên bước tiến của xã hội hiện đại, nhu cầu của cộng đồng đối với các dịch vụ y tế chất lượng cao cũng đang ngày càng gia tăng và để làm được điều này, chắc chắn phải cần đến sự chung sức đồng lòng của khối tư nhân. Việc đầu tư cho các dịch vụ y tế chất lượng cao còn có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, khi các nhà đầu tư nước ngoài đặt chân đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Năm 2016, đất nước hội nhập sâu rộng với sự tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Bởi vậy, ngành y tế cũng cần một cuộc “đại cách mạng” trong thu hút dòng vốn đầu tư, để tạo nên diện mạo mới.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục