Đầu tư vào phụ nữ vì sự tiến bộ của toàn nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm đẩy mạnh nỗ lực kiến tạo bình đẳng giới trên toàn thế giới, Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) đã phát động chiến dịch thường niên với chủ đề “Đầu tư vào phụ nữ: Đẩy nhanh tiến bộ nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương chúc bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women có nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thành công năm 2023. (Ảnh: Viet Nam Women’s Union) Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương chúc bà Caroline T. Nyamayemombe, Trưởng đại diện UN Women có nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thành công năm 2023. (Ảnh: Viet Nam Women’s Union)

Gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào. Điều đó cho thấy người phụ nữ có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, gia đình và xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ phát huy được khả năng của mình.

Bà Jemimah Njuki, Trưởng bộ phận trao quyền kinh tế tại UN Women cho biết, thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ xung đột địa chính trị đến mức nghèo đói tăng cao và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Những thách thức này chỉ có thể được giải quyết bằng các giải pháp trao quyền cho phụ nữ. “Bằng cách đầu tư vào phụ nữ, chúng ta có thể khơi dậy sự thay đổi và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một thế giới lành mạnh hơn, an toàn hơn và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người”, bà Jemimah Njuki nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trên toàn cầu, quyền của phụ nữ đang ngày càng bị đe dọa hoặc bị đẩy lùi, ngay cả ở những nơi mà các nhà lãnh đạo cho rằng họ đã đạt được tiến bộ. Theo Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc, hiện nay cứ 10 phụ nữ thì có 1 người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Nghiên cứu của họ cho thấy khoảng 342 triệu phụ nữ và trẻ em gái - 8% dân số nữ trên thế giới - sẽ không thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030 nếu xu hướng này tiếp tục như hiện nay.

Bà Jemimah Njuki cho biết nội dung cốt lõi của chủ đề năm nay là “thực hiện tài chính đáp ứng giới tính”, một chiến lược kinh tế xem xét và phân tích nhu cầu đa dạng của mỗi người. Theo đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, đầu tư vào quyền và cơ hội của phụ nữ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nâng cao tinh thần cho người dân, cộng đồng và quốc gia nói chung.

Trong đó, cần tập trung vào 5 trọng tâm đầu tư đối với nữ giới. Một là, đảm bảo các quyền cơ bản của phụ nữ. Hai là, đầu tư xóa đói nghèo nhằm giúp ngăn chặn kịch bản hơn 342 triệu phụ nữ và trẻ em gái chật vật trong đói khổ vào năm 2030. Ba là, có chính sách hỗ trợ tài chính dành cho nữ giới, căn cứ vào dự báo xung đột và giá cả tăng cao có thể khiến 75% quốc gia cắt giảm chi tiêu công vào năm 2025, tác động tiêu cực đến phụ nữ và các dịch vụ thiết yếu dành cho họ. Bốn là, tăng tiếng nói của phụ nữ thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và xã hội chăm sóc. Năm là, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tạo ra thay đổi vì nữ quyền, vì trên thực tế dù có nhiều nỗ lực đi đầu nhưng các tổ chức vì nữ quyền chỉ nhận được 0,13% hỗ trợ phát triển chính thức.

Đầu tư vào phụ nữ và ủng hộ bình đẳng giới sẽ thúc đẩy một tương lai nơi mọi người trong xã hội đều có thể phát triển, tạo ra một thế giới có vô số cơ hội và trao quyền cho tất cả mọi người.

Bà Jemimah Njuki, Trưởng bộ phận trao quyền kinh tế tại UN Women.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc về sự tiến bộ của phụ nữ trong các mục tiêu phát triển bền vững cho năm 2023, các Chính phủ đang thiếu hụt 360 tỷ USD tài trợ cho các tổ chức và chương trình hỗ trợ phụ nữ. Một số tổ chức phi chính phủ nỗ lực thu hẹp khoảng cách đó bằng cách tài trợ cho các chương trình hoặc cung cấp các khoản vay cho phụ nữ.

Bà Robyn G. Nietert, Chủ tịch và là đồng sáng lập viên của Sáng kiến Tài chính vi mô dành cho phụ nữ, một tổ chức cung cấp các khoản vay vi mô và đào tạo kiến thức tài chính cho phụ nữ ở các vùng nông thôn nghèo ở Uganda, Kenya và Tanzania cho rằng, việc cho phụ nữ vay vốn để bắt đầu kinh doanh riêng sẽ giúp cải thiện mức sống của hộ gia đình và hỗ trợ cho các gia đình.

“Nếu bạn không hoạt động kinh tế, bạn phải làm gì đó để có đủ tiền mua thức ăn, nước uống, có nơi ở. Vì vậy, cho vay là đang tạo ra một câu chuyện thành công, bởi vì bạn đang trao tặng cho một người không có gì và vẫn đang cố gắng tồn tại để có được nguồn tài chính mà họ có thể bắt đầu kinh doanh”, bà Nietert nói.

Việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của mỗi quốc gia trên thế giới. Ở một tổ chức khác, bà Beverley Francis - Gibson, Giám đốc điều hành của tổ chức Cùng nhau Phụ nữ thăng tiến (TWR) đã chia sẻ giai thoại về trải nghiệm của bà khi đến thăm bốn tổ chức mà TWR tài trợ ở Ấn Độ chuyên hoạt động với các cô gái trẻ.

“Các cô gái đã chia sẻ với chúng tôi rằng, trong cộng đồng của họ, họ được coi là những anh hùng. Mỗi cô gái đều có ước mơ thay đổi thế giới không chỉ cho gia đình mà còn cho chính cô ấy. Trong chương trình này, chúng tôi có những cô gái muốn trở thành thành viên quốc hội hoặc tham gia kinh doanh quốc tế”, bà Francis - Gibson kể.

Dựa trên những quan sát và kinh nghiệm thực tế của mình, bà nhấn mạnh rằng khi xã hội đầu tư vào phụ nữ và trẻ em, họ sẽ được trao quyền, điều này tạo ra một thế giới lành mạnh hơn, an toàn hơn, hòa bình hơn và công bằng hơn về mặt kinh tế.

Phương Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục