Cuối tháng 5/2020, anh Nguyễn Ngọc P. chia sẻ thông tin trong group: “Anh, chị nào có 3 triệu đồng, không gửi tiết kiệm hay không đủ mua vàng tích trữ để lấy lãi và muốn kiếm thêm thu nhập tự động thì liên hệ em nhé. Tháng trước em bỏ 3 triệu đồng, giờ trị giá đã là 12 triệu rồi”.
Vì mức lợi nhuận quá hấp dẫn, lên đến 300%/tháng, dòng chia sẻ của anh P. lập tức khiến nhiều người xôn xao. Cũng có người nghi ngờ đây là hình thức “núp bóng” đa cấp, song anh P. khẳng định: “Công ty đăng ký vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, sắp tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng. Công ty có nhiều hệ sinh thái, có chuỗi hơn 400 quán cafe liên kết, 3 ha bất động sản ở Đà Nẵng, có tòa nhà 7 tầng ở TP.HCM, chi nhánh Hà Nội, Gia Lai, có công ty công nghệ, giáo dục, sàn thương mại điện tử…”.
Theo tìm hiểu, Công ty Gold Time hoạt động gần 2 năm nay, với chính sách là mua thương hiệu cafe Gold time với giá 3 triệu đồng được tặng cổ phần, hưởng cổ tức hàng tháng. Nhà đầu tư có thể phân phối hàng hóa, được giao dịch tại sàn nội bộ.
Công ty chia thưởng từ 0,5-10% khi giới thiệu thành viên mới, nếu đạt doanh số 1 tỷ đồng lên tổng đại lý, 5 tỷ đồng lên giám đốc kinh doanh… Hiện nay, sàn giao dịch nội bộ Công ty đã thu hút hơn 290.000 thành viên tham gia.
Vậy đằng sau việc trả lãi cao ngất ngưởng là miếng “bánh béo bở” hay thực chất chỉ là “bánh vẽ”?
5.000 tỷ đồng “vốn ảo”?
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2018, Công ty Gold Time đặt trụ sở tại phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM, vốn điều lệ ghi nhận là 5.000 tỷ đồng, mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng, do ông Nguyễn Khắc Đồi làm Chủ tịch HĐQT. Công ty đã đăng ký thay đổi lần thứ 3, ngày mới nhất là 29/7/2019.
Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính là dịch vụ phục vụ đồ uống (quán cafe) và 48 ngành nghề khác như trồng lúa, trồng cafe, dịch vụ ăn uống, kinh doanh bất động sản…, nhưng tuyệt nhiên không có ngành nghề tài chính.
Số vốn điều lệ “khủng” khiến nhiều người tin tưởng, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Công ty chỉ gồm 4 cổ đông sáng lập, gồm ông Bàn Văn Dũng (địa chỉ ở Gia Lai) và Trương Hoàng Ngọc Diệp (ở Đồng Nai) mỗi người sở hữu 400.000 cổ phần (chiếm 20%, tương đương 4 tỷ đồng); ông Lâm Thanh Phong (ở tỉnh Long An) sở hữu 200.000 cổ phần (chiếm 10%, tương đương 2 tỷ đồng) và ông Nguyễn Khắc Đồi (ở Đồng Nai) sở hữu 1 triệu cổ phần (chiếm 50% vốn, tương đương 10 tỷ đồng).
Như vậy, số vốn góp cho đến nay chỉ là 20 tỷ đồng, ngoài ra Công ty không ghi nhận các nguồn vốn và tài sản khác. Đặc biệt, hoàn toàn không có thông tin tài chính cơ bản như doanh thu bán hàng, lợi nhuận…
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng số vốn góp do các thành viên hoặc cổ đông góp hoặc cam kết góp trong thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 112 - Luật Doanh nghiệp 2014, các cổ đông phải thanh toán đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điều 24, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định, đối với hành vi kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng và buộc phải đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Vẽ thêm nhiều dự án “giật mình”
Mập mờ vốn điều lệ, hoạt động sàn giao dịch rầm rộ khi chưa có giấy phép kinh doanh, nhiều người cũng đặt vấn đề, vậy hiện trạng thương hiệu cafe Gold Time như thế nào?
Khảo sát nhanh của phóng viên tại văn phòng đại diện số 1/122, ngõ 509 Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây cho thấy, hiện trạng là nhà dân, nằm ở trong ngõ nhỏ, bên ngoài có treo biển Gold Time Coffe.
Tương tự, văn phòng đại diện ở ngõ 218 Lạc Long Quân (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nằm trong ngõ nhỏ, quán cafe thưa thớt khách.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào những kế hoạch của Công ty như tháng 11/2020 sẽ niêm yết chứng khoán, tăng vốn điều lệ…
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất ngày 9/6/2020, Công ty lại “vẽ” ra các dự án khác như liên kết hệ thống ngân hàng, ra mắt ATM Gold Time và smartphone Gold Time… khiến nhiều người lo ngại về việc sử dụng vốn không minh bạch, không đúng mục đích.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nếu trước đây có thể rất khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ, thì hiện nay, với hệ thống đăng ký kinh doanh tập trung sẽ thấy nổi lên các trường hợp bất thường. Đây là một tín hiệu tốt, vì có thể thấy doanh nghiệp này có nguy cơ rủi ro cao mà Nhà nước, các cơ quan thuế, quản lý cần phải lưu ý.