9 năm chưa tìm lại phong độ
Từng được xem là một trong những thành viên “ăn nên, làm ra” nhất của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), HUD1 cũng không tránh khỏi cảnh sa sút khi thị trường địa ốc bước vào giai đoạn khủng hoảng đầu thập niên trước.
Từ mức 1.150 tỷ đồng doanh thu và hơn 54,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ghi nhận được trong năm 2011, 9 năm tiếp theo, doanh thu trung bình năm của Công ty giảm một nửa, trong khi lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm chỉ còn chưa đến 8 tỷ đồng, tương đương mức giảm 85%.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm trầm trọng hơn những khó khăn của doanh nghiệp này. Mảng bất động sản, vốn là “phao cứu sinh” trong giai đoạn 2018 – 2019 của HUD1 đã sụt giảm mạnh về doanh thu, chỉ còn đóng góp 65% vào tổng doanh thu của Công ty.
Hoạt động bán hàng bị trì trệ bởi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, cùng những vướng mắc trong tranh chấp với một số khách hàng liên quan đến việc bàn giao muộn khiến doanh thu kinh doanh bất động sản chỉ đạt hơn 259,8 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ trọng đóng góp của doanh thu hợp đồng xây dựng dù tăng từ 12% trong năm 2019 lên 34% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 41,9% kế hoạch, do một số công trình chậm hoặc gặp khó khăn trong việc quyết toán.
Việc đấu thầu công trình mới gặp khó khăn vì không cạnh tranh được với các đối thủ về giá cũng như năng lực thi công. Ghi nhận từ Ban lãnh đạo HUD1, năm qua, Công ty chỉ thực hiện được hai gói thầu mới là VSIP Hải Phòng và VSIP Bắc Ninh.
Vài năm trở lại đây, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Công ty liên tục tăng. Tới cuối năm 2020, nợ phải trả đã cao gấp 5,82 lần vốn chủ sở hữu. Hệ số thanh toán nhanh của Công ty tới cuối 2020 chỉ đạt 0,59 lần, lượng tiền mặt sụt giảm mạnh là một trong những nguyên nhân trọng yếu của tình trạng này. Tính tới cuối năm 2020, lượng tiền mặt của HUD1 chỉ còn hơn 28 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số hơn 159,4 tỷ đồng cuối năm 2019.
Ngoài lượng tiền mặt giảm thì phần lớn tài sản ngắn hạn của HUD1 là các khoản phải thu ngắn hạn (với hơn 428,4 tỷ đồng, chiếm gần 76,4% tổng tài sản ngắn hạn, còn lại hàng tồn kho chiếm 15,5%) đã ảnh hưởng tới khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Công ty.
Liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn, tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020, đơn vị kiểm toán là CPA Việt Nam đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản nợ phải thu hơn 37,11 tỷ đồng và nợ phải trả 15,53 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020.
Kiểm toán viên cho biết chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản nợ phải thu và nợ phải trả này để xác thực tính đầy đủ, hiện hữu, đúng đắn.
Trong bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HUD1 chỉ giải thích, “tất cả các bản đối chiếu công nợ các khoản nợ phải thu, phải trả của HUD1 đã được gửi đến các khách hàng phát sinh công nợ và đang tiến hành đối chiếu số liệu và sẽ thu hồi trong thời gian sớm nhất”.
Bên cạnh các khoản công nợ nêu trên, báo cáo tài chính năm 2020 của HUD1 còn gây chú ý với khoản đầu tư 12,75 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD1.02 (công ty con của HUD2, với tỷ lệ nắm giữ là 51%). Đặc biệt, khoản trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này chiếm 35% tổng số vốn đầu tư (4,43 tỷ đồng), trong khi hiện tại, HUD1.02 đã tạm dừng hoạt động do khó khăn.
Tương lai u ám
Năm 2021, Ban lãnh đạo HUD1 nhận định, “những hợp đồng xây lắp mới được ký kết cùng định hướng tiếp tục bổ sung doanh thu từ ngành bất động sản sẽ bù đắp cho hoạt động kinh doanh của Công ty”.
Tuy vậy, mảng kinh doanh xây lắp của Công ty lại tiếp tục đối diện với nỗi lo mới về thị trường khi giá thép tăng cao. Từ đầu năm tới nay, giá thép tăng 40 - 50%, giá thép xây dựng công bố ngày 13/4 của các doanh nghiệp lớn đang dao động ở mức 15,580 - 16,6 triệu đồng/tấn.
Tại mỗi dự án xây dựng dân dụng, thông thường, thép chiếm tỷ trọng 10 - 30% tổng giá trị dự án, vì thế, biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu.
Nếu như trước kia, nhà thầu mua thép theo tiến độ thi công hạng mục công trình thì nay, trong bối cảnh khan hiếm thép và giá tăng lại phải đặt mua trước toàn bộ khối lượng thép dùng cho công trình.
Việc phải ứng trước tiền cho đơn hàng mua thép đẩy HUD1 - vốn phải “giật gấu vá vai” lâu nay – vào tình cảnh khó khăn hơn.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện các đơn vị kinh doanh thép yêu cầu nhà thầu muốn được cung cấp thép để thi công công trình thì phải trả trước ít nhất 80% giá trị đơn hàng mua sắm, thậm chí một số đơn vị yêu cầu nhà thầu phải thanh toán toàn bộ đơn hàng.
Điều này đồng nghĩa, với các hợp đồng trọn gói, HUD1 có nguy cơ phải chịu lỗ từ hàng trăm tới cả tỷ đồng do chi phí tăng cao đột biến.
Chưa kể, việc phải ứng trước tiền cho đơn hàng mua thép đẩy HUD1 - vốn phải “giật gấu vá vai” lâu nay – vào tình cảnh khó khăn hơn.
Trong khi đó, việc mở rộng doanh thu từ ngành bất động sản của Công ty cũng chưa có tín hiệu sáng.
Báo cáo thường niên 2020 của Công ty cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án Sky Central 176 Định Công (Hà Nội) cơ bản đã hoàn thành các hạng mục phụ trợ cuối cùng để kết thúc công tác đầu tư, nên việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận không còn nhiều.
Trong khi đó, HUD1 đang tiếp cận để đầu tư dự án Khu đô thị Sông Dinh (Quảng Bình) và dự án Nhà ở chiến sỹ Học viện Biên phòng (tại Sơn Tây, Hà Nội). Cả hai dự án này đều mới ở quá trình thông qua quy hoạch 1/500 và chưa chính thức triển khai.
HUD1 cũng cho biết đang tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thị trường bất động sản, khả năng triển khai đầu tư và kinh doanh tại Dự án Khu đô thị mới Liên Bão (Bắc Ninh), dự án Chánh Mỹ (Bình Dương).
Tuy vậy, kế hoạch triển khai dự án này bị đặt dấu hỏi khi HUD1 từng đề cập từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn không có chi tiết cụ thể về thời điểm cũng như kế hoạch triển khai chính thức.
Khó khăn từ hai mảng kinh doanh chính cũng phản ánh trên các chỉ tiêu kế hoạch mà HUD1 đặt ra. Cụ thể, doanh thu kế hoạch năm nay là 380 tỷ đồng, giảm 4,3% so với mức thực hiện năm 2020 và giảm tới 29% so với kế hoạch 2020; chỉ tiêu lợi nhuận vẻn vẹn 8 tỷ đồng.