Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI): Lợi nhuận quý III/2021 giảm hơn 69%

0:00 / 0:00
0:00
Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng đầu năm, Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I ghi nhận hơn 1.722 tỷ đồng từ bán hàng hoá/thành phẩm cá tra, thấp hơn cùng kỳ 305 tỷ đồng.
Người lao động làm việc trong nhà máy sơ chế cá tra của IDI Seafood. (Ảnh IDI). Người lao động làm việc trong nhà máy sơ chế cá tra của IDI Seafood. (Ảnh IDI).

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (IDI Seafood, HoSE: IDI) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 1.110 tỷ đồng, giảm 26,7% so với cùng kỳ.

Giá vốn hàng bán chiếm tới 91% doanh thu khiến lợi nhuận gộp quý này còn 99,6 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ.

Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ 25%, thì chi phí bán hàng quý III/2021 của công ty tăng xấp xỉ 60%, lên hơn 45 tỷ đồng.

Công ty báo lãi sau thuế hợp nhất quý III/2021 gần 10 tỷ đồng, giảm 22,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm hơn 69%).

Ban lãnh đạo IDI Seafood lý giải, phần chênh lệch giảm này chủ yếu đến từ hoạt động của công ty mẹ có mức giảm lợi nhuận sau thuế gần 48% và công ty con Trisedco (DAT) giảm 84,4% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.311 tỷ đồng, lãi sau thuế 57,9 tỷ đồng; lần lượt giảm 3,1% và 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bảng: Kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng đầu năm nay của IDI Seafood so với cùng kỳ năm ngoái (Đvt: tỷ đồng).

STT

Chỉ tiêu

9 tháng đầu năm 2021

9 tháng đầu năm 2020

1

Doanh thu thuần

4.311

4.449

2

Lợi nhuận gộp

349,3

321,2

3

Lợi nhuận thuần

61,7

80,6

4

Lợi nhuận trước thuế

80,1

80,1

5

Lợi nhuận sau thuế

57,9

72,7

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của IDI Seafood ở mức 7.354 tỷ đồng, giảm 359 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong đó, hơn 72% là tài sản ngắn hạn (tương đương 5.329 tỷ đồng), bao gồm 2.660 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn (phải thu về khoản vay ngắn hạn từ công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai 40 tỷ đồng), hơn 1.126 tỷ đồng hàng tồn kho (giảm 25,3%).

Nợ phải trả đến cuối kỳ giảm gần 9% so với đầu năm, còn 4.297 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 3.946 tỷ đồng).

Công ty này ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính xấp xỉ 3.974 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,4 lần.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ của công ty ở mức 475,2 tỷ đồng.

Điểm tích cực của IDI Seafood trong kỳ là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 280,5 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 633,6 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 25 tỷ đồng (với khoản chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác hơn 1,381 tỷ đồng).

Ngoài ra, doanh nghiệp này đã trả nợ gốc vay là 6.629 tỷ đồng, đồng thời vay thêm 6.402 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng, bán hàng hoá/thành phẩm cá tra mang tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khi mang về 1.722 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 305 tỷ đồng. Đây cũng là mảng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận gộp của IDI Seafood với 181 tỷ đồng.

Doanh thu và giá vốn theo nhóm hàng/dịch vụ do IDI Seafood cung cấp trong 9 tháng đầu năm 2021 (Đvt: tỷ đồng)
Doanh thu và giá vốn theo nhóm hàng/dịch vụ do IDI Seafood cung cấp trong 9 tháng đầu năm 2021 (Đvt: tỷ đồng)

IDI Seafood là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2003, với trụ sở chính tại Lấp Vò, Đồng Tháp và có lĩnh vực kinh doanh chính là nuôi trồng, chế biến cá tra phi-lê đông lạnh xuất khẩu, kinh doanh bất động sản và sản xuất, kinh doanh dầu cá.

Công ty có 2 công ty con, sở hữu lần lượt 79,25% vốn và 75,35% vốn là Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và phát triển Thuỷ sản (Trisedco, Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư tài chính (Astar, An Giang).

Về định hướng phát triển, công ty này chọn theo đuổi kế hoạch xây dựng trại cá tra giống và phát triển vùng nuôi.

Cụ thể, chất lượng cá giống suy giảm là một thực trạng đáng lo ngại, làm giảm hiệu quả nuôi một cách nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính là do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy kèm theo trong việc nuôi cá như tỷ lệ hao hụt lớn từ 25-30%, một số ao cá biệt tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50% hay chi phí nuôi gia tăng.

Trước đây, giống cá tra còn tốt nên thời gian nuôi bình quân khoảng 5-6 tháng là cá đã đạt tiêu chuẩn sản xuất (0,8 - 0,9 kg/con) với hệ số thức ăn chỉ khoảng 1.4kg.

Còn hiện nay, để cá đạt trọng lượng cá trên, người nuôi phải mất khoảng 8 - 9 tháng với hệ số thức ăn 1,55 - 1,6kg.

Doanh nghiệp này cho rằng, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xây dựng một trung tâm giống công nghệ cao, ứng dụng công nghệ hiện đại từ việc lai tạo, phát triển những gen tốt cho ra cá tra giống tốt để khắc phục những nhược điểm hiện tại (giảm tỷ lệ hao hụt, rút ngắn ngắn thời gian nuôi, giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng cho cá,..).

Từ đó, chi phí trong việc nuôi cá sẽ giảm, giá thành trong quá trình nuôi được kiểm soát tốt hơn cũng như nâng cao chất lượng cá thành phẩm.

Về việc phát triển vùng nuôi, IDI Seafood dự kiến mở rộng vùng nuôi liên kết đến cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 450 hecta và đạt các tiêu chuẩn Global G.A.P, A.S.C, B.A.P, BRC để chuẩn bị nguyên liệu cho nhà máy chế biến thủy sản số 3.

Như vậy đến cuối năm nay, diện tích nuôi liên kết của công ty sẽ đạt 350 hecta đảm bảo cơ cấu nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đông lạnh đạt khoảng 80-85% so với nhu cầu nguyên liệu của cả năm.

IDI Seafood đặt kỳ vọng năm nay, doanh thu thuần đạt 6,925 tỷ đồng và lãi ròng 162,2 tỷ đồng cũng như phấn đấu trở thành 1 trong 2 công ty chế biến, xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/11, cổ phiếu IDI tăng 4,78% lên 10.300 đồng/cp với khối lượng giao dịch tăng đột biến lên hơn 22 triệu cp trong khi khối lượng phiên ngày 2/11 chỉ 10,1 triệu cp.

Sau hơn 1 tháng đi quanh vùng 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu, giá IDI đã tăng mạnh từ giữa tháng 10 và có 2 phiên tăng trần liên tiếp vào ngày 1/11 và 2/11.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục