Đầu tư tuần qua: Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam; Ứng 51,9 triệu USD cho Bộ Giao thông vay trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
Sẽ khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam; ứng 51,9 triệu USD cho Bộ Giao thông vay trả nợ; Hoàn thành cầu Mai Dịch-Nam Thăng Long... là một số thông tin đầu tư đáng chú ý.

Tập đoàn năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới muốn đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Adani - Tập đoàn vừa được xếp hạng là chủ sở hữu các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới - đang muốn đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ, DN sở hữu tài sản sản xuất năng lượng mặt trời trên thế giới có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ, DN sở hữu tài sản sản xuất năng lượng mặt trời trên thế giới có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ, DN sở hữu tài sản sản xuất năng lượng mặt trời trên thế giới có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ vừa được Mercom Capital (Mỹ) xếp hạng tập đoàn Adani là doanh nghiệp số 1 toàn cầu về sở hữu tài sản sản xuất năng lượng mặt trời đang vận hành cho biết, họ có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Là tập đoàn công nghiệp đa lĩnh vực hoạt động trên toàn cầu với 6 công ty đại chúng, Tập đoàn Adani có tổng doanh thu 15 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường 30 tỷ USD. Tập đoàn đã xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tiện ích và giao thông với sự hiện diện ở khắp Ấn Độ.

Trong đó, một Công ty con của Tập đoàn là Công ty Adani Green Energy (AGEL) triển khai dự án năng lượng mặt trời đầu tiên vào năm 2015 và chỉ sau hai năm vào năm 2017 công ty đã hoàn thành hai dự án năng lượng mặt trời. Công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán (Mã chứng khoán NSE: ADANIGREEN) vào năm 2018 và tăng tốc phát triển đạt mốc hiện tại là công ty năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới chỉ trong thời gian ngắn 5 năm, với mục tiêu đạt công suất năng lượng tái tạo 25 GWac vào năm 2025.

Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ với doanh thu tỷ USD quyết định đầu tư dài hạn hoặc khảo sát chuẩn bị đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Adani. Ý định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được Giám đốc điều hành Tập đoàn Adani trình bày trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến làm việc tại Việt Nam vào năm 2018.

Hiện, Liên doanh Công ty CP TSV và Công ty Adani đang thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Phước Minh tại Ninh Thuận.

Theo Mercom Capital, Việt Nam nằm trong top năm thị trường hàng đầu về "Công suất lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hàng năm" trong năm 2019. Với nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6,5% đến 7,5% hàng năm cho tới năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 90.000 mW và 130.000 mW vào các năm 2025 và 2030.

Các dự án năng lượng tái tạo của Adani vượt tổng công suất lắp đặt của ngành năng lượng mặt trời Mỹ trong năm 2019 và sẽ giúp giảm trên 1,4 tỷ tấn khí thải CO2 trong suốt thời gian vận hành. Adani là một trong những doanh nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời tích hợp đầy đủ nhất trên thế giới với các hoạt động sản xuất tế bào và mô đun quang điện, phát triển dự án, xây dựng, cấu trúc tài chính, sở hữu và vận hành các tài sản bằng nền tảng quản lý tài sản nội bộ vững mạnh.

Bảng xếp hạng nêu rõ, Tập đoàn Adani có quy mô lớn hơn khoảng 70% so với công ty sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ hai trên thế giới.

"Năng lượng tái tạo sẽ là ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm và thúc đẩy phát triển bền vững", Mercom Capital nhận định.

Chủ tịch Tập đoàn Adani, ông Gautam Adani cho biết: “việc đạt được thứ hạng này là thành quả trực tiếp từ cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho một tương lai năng lượng sạch của Adani. Trong thập kỷ tới, một số mô hình kinh doanh hiện tại sẽ bị ảnh hưởng do gián đoạn gây ra bởi sự giao thoa giữa chi phí năng lượng tái tạo giảm mạnh và khả năng công nghệ thay đổi quy mô các ngành công nghiệp.

Ứng 51,9 triệu USD cho Bộ Giao thông vay để trả nợ cho 2 dự án BT

Khoản tiền trị giá 51,9 triệu USD để thanh toán cho 2 dự án BT ngành giao thông được ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ do Bộ Tài chính quản lý.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1314/QĐ – TTg về việc trả nợ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho 2 dự án BT là Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km00-Km123+105,17 (Quốc lộ 20) và Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn – Túy Loan (Dự án La Sơn – Túy Loan) kỳ tháng 9/2020.

Một đoạn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp được đưa vào khai thác.

Một đoạn đường cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp được đưa vào khai thác.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Tài chính ứng 51,93 triệu USD từ Quỹ tích lũy trả nợ cho Bộ GTVT vay để trả nợ khoản vay kỳ tháng 9/2020 của Dự án La Sơn – Túy Loan và Dự án Quốc lộ 20 (trong đó Dự án La Sơn – Túy Loan là 33,12 triệu USD, Dự án Quốc lộ 20 là 18,8 triệu USD) theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật hiện hành.

Bộ GTVT được yêu cầu là phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ; hoàn trả lại Qũy tích lũy trả nợ khoản ứng vốn nêu trên trong năm 2020 theo quy định và khẩn trương làm thủ tục hoàn trả Quỹ Tích lũy trả nợ trả nợ số tiền 746.314,26 USD đã ứng cho Bộ GTVT năm 2019 để trả lãi phạt chậm trả của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho 2 Dự án nói trên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT bố trí đủ vốn để thanh toán đầy đủ và đúng hạn các kỳ nợ đến hạn của Dự án La Sơn - Túy Loan và Dự án Quốc lộ 20. Các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp trong việc nghiêm túc thực thi các cam kết của Chính phủ, tránh tình trạng phối hợp không hiệu quả, không hết trách nhiệm dẫn đến chậm trả nợ.

Được biết, vào tháng 4/2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phát hành Thư bảo lãnh cho 2 khoản vay, gồm khoản vay có bảo hiểm MIGA trị giá 250 triệu USD của Công ty cổ phần BT20 Cửu Long để thực hiện Dự án Quốc lộ 20 và khoản vay có bảo hiểm NEXI trị giá 510 triệu USD của Công ty TNHH đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan để thực hiện Dự án đoạn La Sơn – Túy Loan.

Hiện Bộ Tài chính đã làm thủ tục ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ cho Bộ GTVT vay để trả nợ các kỳ hạn nợ đến hạn từ tháng 3/2018 – tháng 3/2020 của các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho Dự án La Sơn – Túy Loan và Dự án QL20 với tổng số tiền là 192,46 triệu USD.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn trả cho Quỹ Tích lũy trả nợ được 2 đợt (ngày 31/12/2019 và 31/3/2020) với tổng số tiền là 191,71 triệu USD và vẫn còn phải hoàn trả Quỹ Tích lũy trả nợ số tiền là 746.314, 26 USD (là khoản ứng vốn để trả lãi phạt chậm trả).

Liên quan đến kỳ trả nợ tháng 9/2020, Bộ Tài chính cho biết là Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 18/2/2020 về việc giao kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó Dự án La Sơn – Túy Loan và Dự án Quốc lộ 20 được giao số tiền là 3.112 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do 2 dự án BT nói trên chưa hoàn thành và bàn giao cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT để làm cơ sở thanh toán từ kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao (Dự án La Sơn – Túy Loan đang thi công nút giao Hòa Liên và một số hạng mục liên quan; Dự án Quốc lộ 20 đang thi công hạng mục bổ sung nút giao khác mức Dầu Giây và xây dựng tuyến tránh mới thành phố Bảo Lộc).

Do vậy để có thể thực hiện việc giải ngân trả nợ, Bộ GTVT cần được Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao cho Dự án La Sơn – Túy Loan và Dự án Quốc lộ 20 khi công trình chưa hoàn thành và bàn giao cho nhà nước (thanh toán theo khối lượng hoàn thành thực tế đã thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu, phê duyệt).

Đến nay, Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo về thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao khi công trình chưa hoàn thành và bàn giao cho Nhà nước trong khi đã sát lịch trả nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho 2 Dự án nêu trên.

Do vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ để kịp trả nợ kỳ tháng 9/2020 cho 2 dự án đúng hạn như tinh thần chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT sẽ thực hiện thủ tục để hoàn trả vốn ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ theo đúng quy định.

Lào Cai xin Trung ương hỗ trợ 651 tỷ đồng xây sân bay Sa Pa

Phần vốn mà UBND tỉnh Lào Cai muốn Chính phủ hỗ trợ chiếm hơn 60% phần vốn góp của Nhà nước tại Dự án PPP xây dựng cảng hàng không Lào Cai.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 651 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2015 cho Dự án PPP xây dựng cảng hàng không Sa Pa mà địa phương này đóng vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Sân bay Sapa sẽ được đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Đồ họa: Tiến Thành - Vnexpress.
Sân bay Sapa sẽ được đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Đồ họa: Tiến Thành - Vnexpress.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh là khoản hỗ trợ này nằm ngoài định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 mà ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương.

Được biết, khoản kinh phí 651 tỷ đồng mà UBND tỉnh Lào Cai xin hỗ trợ dự kiến được dùng để xây dựng đường trục kết nối vào cảng; khu quản lý điều hành bay; san tạo một phần khu bay…

UBND tỉnh Lào Cai sẽ huy động 543 tỷ đồng còn lại trong tổng số 1.195 tỷ đồng mà Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền góp vào Dự án để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính, chủ yếu là để phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Vào tháng 5/2020, UBND tỉnh Lào Cao đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

Cụ thể, cảng hàng không Sa Pa được xây dựng trên diện tích 371 ha là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm với 1 đường cất hạ cánh, hệ thống đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai quy mô 2 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án là 4.194 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách địa phương tham gia là 1.195 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù GPMB, đường trục vào cảng, tháp không lưu; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư kết hợp với vốn vay thương mại là 2.999 tỷ đồng sẽ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh và nhà ga hàng không.

UBND tỉnh Lào Cai dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng là 4 năm, thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 46 năm.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2108/QĐ – BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa giai đoạn đến năm 2030. Sân bay Sa Pa có vị trí, chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không nội địa; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Sân bay có công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay code C hoặc tương đương.

Sân bay Sa Pa có 1 đường cất hạ cánh (CHC) kích thước 2.400m x 45m, hướng 32-14. Lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m. Xây dựng dải hãm phanh hai đầu kích thước 100m x 60m. Sân quay đầu 32 đảm bảo khai thác. Có dự trữ đất phía Nam của đường CHC để có thể kéo dài đường CHC lên 3.050m giai đoạn sau năm 2030. Theo quy hoạch, sân bay Sa Pa có 1 nhà ga hành khách 2 cao trình, đáp ứng công suất khai thác đáp ứng đến 3 triệu hành khách/năm. Có dự trữ đất phía Nam của nhà ga để có thể xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.

Hoàn thành cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vào cuối tháng 9/2020

Chủ đầu tư sẽ có thêm 10 ngày để hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, trước khi đưa vào khai thác cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long vào dịp lễ giải phóng Thủ đô 10/10.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong chuyến thị sát công trường triển khai Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Tp.Hà Nội vào chiều qua.

Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hiện đã hoàn thành hơn 98% khối lượng.
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hiện đã hoàn thành hơn 98% khối lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm và có ý nghĩa đặc biệt đã được quyết định thông xe vào dịp lễ mừng giải phóng Thủ đô 10/10. Hiện là thời điểm quan trọng nhất khi dự án đang trong giai đoạn thi công nước rút để chuẩn bị thông xe, vì vậy các đơn vị thực hiện dự án không được chủ quan, nỗ lực hết sức để hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất.

"Các nhà thầu cần nỗ lực thực hiện, tranh thủ tối đa các ngày không mưa và tăng ca làm việc trong các ngày này để có thể hoàn thành các khối lượng bê tông nhựa trước 30/9, để có quỹ thời gian hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu đưa công trình vào khai thác đúng kế hoạch", Bộ trưởng Thể lưu ý.

Theo ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được chia làm 2 gói thầu xây lắp. Đến nay, gói thầu số 1 của dự án (xây dựng đoạn Mai Dịch - Cổ Nhuế) đã hoàn thành hơn 96,6% khối lượng, gói thầu số 2 (đoạn Cổ Nhuế - Nam Thăng Long) hoàn thành hơn 98,4% khối lượng.

“Dự án khởi công từ tháng 5/2018, sẽ hoàn tất phần thi công xây dựng trong tháng 9, hoàn thành mọi hạng mục vào ngày 30/9 và sẵn sàng thông xe trước ngày 10/10” - ông Roãn nói và cho biết thêm, riêng 6 lối lên xuống vừa được bổ sung đang được các nhà thầu khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 30/4/2021.Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long tập trung chỉ đạo 2 nhà thầu triển khai thi công, đảm bảo hoàn thành các hạng mục còn lại (bê tông nhựa, khe co giãn, chiếu sáng, thoát nước, ATGT,...) trong tháng 8/2020; trong tháng 9/2020 sẽ tập trung cho công tác chỉnh trang, hoàn thiện đảm bảo mỹ quan công trình.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông của Dự án (kết hợp giữa Dự án cầu cạn với Dự án sửa chửa mặt cầu Thăng Long). Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thẩm định phương án tổ chức giao thông của Dự án đảm bảo các điều kiện để trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận phương án tổ chức giao thông trước ngày 15/9/2020.

Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là công trình trọng điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA, mục tiêu xây dựng 5,049 km đường cao tốc 4 làn xe chạy trên cao, dọc theo đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội).

Ngoài đơn vị đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thăng Long, các chủ thể quan trọng khác tại dự án này là liên danh tư vấn giám sát OCG - OC - KEI (Nhật Bản) - TEDI (Việt Nam); liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Cienco4 thi công gói thầu xây lắp số 1 và liên danh Tokyu - Taisei (Nhật Bản) thi công gói thầu xây lắp số 2.

Hậu Covid, Vĩnh Phúc “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư về làm tổ

Nắm bắt cơ hội vàng khi Việt Nam là điểm đến an toàn khi khống chế tốt dịch Covid-19, Vĩnh Phúc đã nâng cấp hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh…“trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư.

Một góc KCN Phúc Yên. Ảnh: KL

Một góc KCN Phúc Yên. Ảnh: KL

Ngay trước khi dịch Covid-19 ập tới, do tác động của thương chiến Mỹ - Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Nhiều đoàn công tác của doanh nghiệp nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc.

Sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và đẩy lùi, làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam càng trở nên đặc biệt sôi động, từ các “ông lớn” như Apple, Google, Amazon..., đến những công ty có thương hiệu mạnh trên toàn cầu đều bày tỏ ý định đặt đại bản doanh sản xuất ở Việt Nam.

Đón bắt cơ hội không thể tốt hơn này, nhiều địa phương trong cả nước như Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương... nhanh chóng “trải thảm đỏ” với những ưu đãi không thể tốt hơn mời các nhà đầu tư trên khắp thế giới đến nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư. Vĩnh Phúc không nằm ngoài danh sách đó khi có đầy đủ những yếu tố cần thiết đón các nhà đầu tư vào tìm hiểu cơ hội sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Mới đây, trong một cuộc trao đổi với giới truyền thông trong nước, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Vĩnh Phúc đã chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng nắm bắt các cơ hội đầu tư nước ngoài vào địa phương thời kỳ hậu Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã rất thẳng thắn cho rằng, không phải bây giờ, khi dịch Covid-19 đã cơ bản bị đẩy lùi, Vĩnh Phúc mới chuẩn bị đón sóng đầu tư bởi như thế sẽ là quá chậm.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, thực tế Vĩnh Phúc đã được nhiều địa phương trong cả nước và không ít doanh nghiệp lớn của nước ngoài từ lâu biết đến là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Gọi là hấp dẫn vì tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt và hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp từ lúc bắt đầu làm thủ tục đầu tư đến suốt quá trình sản xuất kinh doanh sau này.

Còn an toàn, đây không đơn thuần là một câu nói mang tính hình thức mà thực sự mang đầy đủ nghĩa đen. Từ việc đảm bảo tốt về công tác an ninh trật tự cho đến an toàn dịch bệnh mà trải nghiệm thực tế bởi dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất. Đặc biệt, thực tế cho thấy dù số lượng doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào Vĩnh Phúc chưa nhiều nhưng tuyệt đại đa số hoạt động có hiệu quả cao, vừa đóng góp nguồn thu đáng kể cho tỉnh, vừa mang lại lợi nhuận cao cho bản thân doanh nghiệp.

Ngược lại, một số địa phương trên cả nước tuy có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cao nhưng đóng góp cho ngân sách thấp, thậm chí nhiều đơn vị còn làm ăn “bết bát”, không tạo việc làm ổn định với thu nhập tương xứng cho người lao động, không giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại chỗ... Như vậy, xét về mặt hiệu quả, đầu tư vào Vĩnh Phúc an toàn hơn nhiều nơi khác.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 18 danh mục KCN với tổng diện tích 5.228 ha được phê duyệt, trong đó có 9 KCN đã thành lập, cấp giấy chứng nhận đầu tư như KCN Kim Hoa, KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 1), KCN Thăng Long Vĩnh Phúc… với tổng diện tích quy hoạch của 9 KCN này là 1.843,38 ha, với tiỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đặt 62,7%.

Để tiếp tục thúc đẩy các KCN phát triển bền vững, tạo và chủ động quỹ đất để thu hút đầu tư trong những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục cho rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch KCN điều chỉnh quy hoạch xây dựng, xác định phạm vi, danh giới, địa điểm KCN làm cơ sở bổ sung, mở rộng các KCN, đồng thời đẩy mạnh tiến độ tổ chức lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng đối với 9 KCN còn lại, kiên quyết xử lý thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc giảm quy mô, diện tích KCN đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ, hạn chế về năng lực triển khai.

Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2020, Ban đã làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 12 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 23 lượt dự án.

Trong đó, cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,44 triệu USD và làm thủ tục tăng vốn cho 21 dự án với số vốn tăng 76,39 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 101,83 triệu USD, bằng 26% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 31% kế hoạch năm.

Để hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư 6 tháng cuối năm 2020, khoảng 10-12 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 120 - 150 triệu USD; thu hút mới khoảng 3 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 100 - 300 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các dự án đã đầu tư hiệu quả tại các KCN trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy dòng vốn tái đầu tư của các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh làm tăng quy mô và giá trị vốn đầu tư, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững và cân bằng giữa dòng vốn FDI.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, đồng thời thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện, hồ sơ về thủ tục hành chính, tránh việc nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần…

Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài

Tổ công tác được yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp các thông tin cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 1318/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quy chế này quy định nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài (Tổ công tác) và Nhóm giúp việc của Tổ công tác (Nhóm giúp việc).

Theo Quy chế, Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác, Nhóm giúp việc làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Tổ công tác chịu trách nhiệm về phần việc được phân công.

Tổ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Tổ công tác. Tổ phó thường trực chủ động chỉ đạo thực hiện toàn bộ các hoạt động hằng ngày của Tổ công tác, nếu có vấn đề cần xin ý kiến sẽ làm văn bản hoặc xin ý kiến trực tiếp Tổ trưởng.

Tổ công tác họp khi cần thiết để trao đổi, quyết định những vấn đề lớn. Tổ công tác họp theo thông báo mời họp của lãnh đạo Tổ công tác.

Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.

Các thành viên Tổ công tác chỉ định lãnh đạo cấp Vụ trong bộ, ngành mình làm đầu mối phối hợp với nhóm giúp việc đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác. Đồng thời sử dụng kinh phí, bộ máy tổ chức của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Tổ công tác được yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp các thông tin cần thiết; yêu cầu hỗ trợ, phối hợp trong quá trình hoạt động. Các cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, hỗ trợ và phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác trong thời hạn được yêu cầu.

Nhóm giúp việc đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hỗ trợ phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác kịp thời và hiệu quả; giúp Tổ công tác đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác đầu tư; dự thảo các báo cáo và tổng hợp các đề xuất giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tham mưu cho Tổ công tác xây dựng kế hoạch, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác...

Vận hành trạm biến áp 220 kV Tây Ninh 2 vào cuối tháng 9

Trạm biến áp Tây Ninh 2 sẽ đảm bảo nguồn cung cấp điện cho Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời, huyện Gò Dầu và các khu vực lân cận thuộc tỉnh Tây Ninh.

Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giảm tải cho trạm biến áp 220kV Trảng Bàng và trạm biến áp 220kV Tây Ninh và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng tốc độ phát triển phụ tải và kinh tế xã hội của tỉnh Tây Ninh trong tương lai.

Để sớm hoàn thành dự án, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) đại diện chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 thực hiện tư vấn thiết kế; Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) thực hiện tư vấn giám sát (TVGS); liên danh Công ty cổ phần Alphanam E&C và Công ty cổ phần hệ thống kỹ thuật ứng dụng ATS là đơn vị thi công, dự án sau khi hoàn thành sẽ được giao cho Công ty Truyền tải điện 4 quản lý vận hành.

Qui mô của dự án bao gồm xây dựng mới TBA và đường dây 220 kV đấu nối. Trong đó trạm có thiết lắp đặt 2 máy biến áp 220/110 kV – 250 MVA (giai đoạn này chỉ lắp 1 MBA); 07 ngăn lộ phía 220 kV; 10 ngăn lộ phía 110 kV.

Dự phòng đất để lắp đặt MBA 220kv thứ 2; 01 ngăn máy cắt vòng; 06 ngăn lộ đường dây (2 ngăn đường dây đi Phước Đông –Bời Lời 5; Phước Đông-Bời Lời 6 và 4 ngăn dự phòng) ; 02 ngăn dự phòng tụ bù và 02 ngăn lộ đường dây dự phòng.

Phần đường dây và đấu nối sẽ xây dựng mới 02 tuyến đường dây 220 kV mạch kép với tổng chiều dài 432 m để đấu nối trạm biến áp 220 kV Tây Ninh 2 chuyển tiếp trên đường dây 220 kV Trảng Bàng - Tây Ninh hiện hữu.

Theo ông Trương Hữu Thành, Giám đốc SPMB, sau khi được EVNNPT giao nhiệm vụ, SPMB đã khẩn trương làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hoàn tất các thủ tục có liên quan và đã khởi công dự án ngày 27/12/2018. Những khăn ban đầu của dự án chính là công tác đền bù giải phóng mặt bằng cùng sự ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, tuy nhiên chính quyền địa phương và cán bộ SPMB cùng các đơn vị tham gia dự án đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện dự án.

Hiện nay dự án đang trong giai đoạn cuối, với mục tiêu đóng điện giai đoạn 1 vào cuối tháng 9 năm nay. Theo kế hoạch dự kiến cuối năm 2020, SPMB sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, lắp máy biến áp 220kV và các thiết bị có liên quan.

SPMB đã yêu cầu các nhà thầu tham gia công trình tăng cường nhân lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại, phối hợp xử lý dứt điểm những vướng mắc trên công trường.

Chính phủ quyết tâm khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 9/2020

Bộ trưởng Bộ Giao thông chịu trách nhiệm toàn diện về triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây.

Triển khai thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

Triển khai thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Thông báo số 331/TB- VPCP ngày 28/8/2020 về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Thông báo số 311 nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được chuẩn bị kỹ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh; Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương; Quốc hội có Nghị quyết chuyển đổi phương án đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với các dự án thành phần là Mai Sơn- QL45, Vĩnh Hảo- Phan Thiết và Phan Thiết- Dầu Giây.

Do đó, cần quyết định lựa chọn phương án có lợi nhất cho phát triển kinh tế đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ khởi công vào cuối tháng 8/2020.

Trên tinh thần đó, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ GTVT dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 3 dự án thành phần chuyển đổi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GTVT huy động đội ngũ tham mưu trực thuộc để quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện, bảo đảm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, tiến độ khởi công trong tháng 9/2020.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trước khi xin ý kiến Thành viên Chính phủ theo quy định.

Trước đó, vào ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ – CP về việc triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Chính phủ thông qua một số đề xuất của Bộ GTVT để triển khai 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được Quốc hội khóa XIV quyết nghị tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư:

Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công quyết định phê duyệt điều chỉnh 3 dự án thành phần. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh dự án được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; rà soát, xác định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư điều chỉnh của 3 dự án thành phần chuyển đổi.

Cũng tại Nghị quyết số 112, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính tham mưu việc bố trí vốn để thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ Dự án.

Chinh phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các thủ tục tiếp theo để khởi công xây dựng các dự án thành phần từ tháng 9/2020, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Các nội dung khác vẫn sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Hiện Bộ GTVT đang tiến hành công tác tuyển chọn nhà thầu xây lắp cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam chuyển đổi hình thức đầu tư.

Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu của 3 dự án cao tốc Bắc - Nam trên (ngày 6/8/2020, tính đến giữa tháng 8/2020, Ban quản lý dự án Thăng Long dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã bán được 113 bộ hồ sơ cho 43 nhà thầu; Dự án Phan Thiết - Dầu Giây đã bán được 68 bộ hồ sơ cho 29 nhà thầu. Với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến nay, Ban quản lý dự án 7 đã bán được 106 bộ hồ sơ cho 48 nhà thầu.

Hạnh Nguyên (tổng hợp)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục