Đầu tư tuần qua: Khởi công 2 dự án năng lượng 850 tỷ đồng; 600 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 24B

Hà Tĩnh: Khởi công 2 dự án năng lượng có vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng; Đề xuất đầu tư 600 tỷ đồng nâng cấp 6,5 km Quốc lộ 24B qua Quảng Ngãi...
Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đang được đầu tư xây dựng tại KCN Sông Khoai, TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD đang được đầu tư xây dựng tại KCN Sông Khoai, TX. Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Tập đoàn Amata dự kiến thu hút 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Ninh)

Dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai, do Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) làm chủ đầu tư, được phân kỳ thành 5 giai đoạn với tổng diện tích 714 ha, tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Đến nay, KCN đã thực hiện thi công san lấp diện tích 116,5 ha; hoàn thành 2 làn đường gom với chiều dài 1,5 km thuộc đường trục chính Đông - Tây, tuyến đường trục chính còn lại dài 4,5 km đang tiếp tục thực hiện đầu tư.

Chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện, đóng điện trạm biến áp 110 kV, đưa vào sử dụng trạm cấp nước và trạm xử lý nước thải… đảm bảo việc cung cấp điện, nước và xử lý nước thải cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Tại KCN Sông Khoai hiện có 5 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, có 2 dự án sản xuất với tổng vốn hơn 865 triệu USD đều là của nhà đầu tư Jinko Solar. Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư 365,6 triệu USD. Sau gần 4 tháng thi công xây dựng, tháng 8/2022 nhà máy đã chính thức hoạt động. Đây là dự án đầu tiên của Khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên kể từ khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD hiện cũng đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, dự kiến trong quý II/2023 sẽ đưa vào vận hành. Nhà đầu tư này còn đang triển khai các thủ tục để cấp phép xây dựng dự án Kho Jinko Solar Việt Nam.

Trong quý I/2023, KCN này cũng đã đón thêm 2 dự án thứ cấp mới trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô. Cụ thể là dự án xuất túi khí ô tô của Công ty TNHH Autoliv Asia ROH (Thụy Điển), có tổng vốn đầu tư đăng ký 154 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất dây đai an toàn ô tô của Công ty TNHH Samsong Vina tổng vốn đầu tư đăng ký 10,3 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Ngoài 2 dự án thứ cấp được tỉnh Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hồi đầu năm, hiện có 10 nhà đầu tư đang nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư vào KCN trong năm nay, với tổng diện tích thuê đất là gần 100 ha. Dự kiến, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký của cả năm 2023 đạt gần 1 tỷ USD.

Để đảm bảo tiến độ đầu tư hạ tầng, phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư hạ tầng đang khẩn trương chuẩn bị mặt bằng, bổ sung, nâng cấp hạ tầng thiết yếu. Trong đó, Amata Hạ Long đang phối hợp với thị xã Quảng Yên để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành đường trục chính Đông - Tây; làm việc với ngành điện để điều chỉnh nguồn cung cấp điện từ 189 MW lên 315 MW, tiến hành nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ 12.000 m3/ngày lên 16.000 m3/ngày, tăng gấp đôi lượng nước cấp từ 13.000 m3 lên 24.000 m3…

Bên cạnh đó, để tiết kiệm năng lượng vận hành, hiện chủ đầu tư KCN đang đề xuất với tỉnh Quảng Ninh được tự triển khai bổ sung hệ thống cung cấp năng lượng sạch là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu mức tiêu hao điện năng từ lưới điện quốc gia.

Đối với công tác xúc tiến đầu tư, Amata Hạ Long cùng Tập đoàn Amata đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư tại các thị trường như Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan...; tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Ninh và các hiệp hội kinh tế thương mại của các quốc gia. Mục tiêu của nhà đầu tư là có thể thu hút được các dự án thứ cấp chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao đầu tư vào KCN Sông Khoai, tham gia và đóng góp cao vào chuỗi giá trị sản xuất của KKT ven biển Quảng Yên và của Tỉnh.

Đồng hành cùng nhà đầu tư trong mục tiêu thu hút 1 tỷ USD năm 2023, đầu tháng 4 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã trực tiếp đi kiểm tra tiến độ đầu tư, xây dựng KCN Sông Khoai. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, ông Huy đã yêu cầu TX. Quảng Yên hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Nếu thuận lợi theo kế hoạch, hết năm 2023, KCN Sông Khoai sẽ có tổng số khoảng 15 dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai, với tổng vốn đạt gần 2 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2023 sẽ có 12 dự án được triển khai đầu tư với tổng vốn đạt khoảng 1 tỷ USD. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thành công và vượt mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà tỉnh đang tập trung thực hiện.

Nhiều khuyến nghị về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

UBND TP.HCM cần thực hiện đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến quy hoạch và hoạt động các cảng biển tại khu vực.

Đây là một trong những ý kiến đáng chú ý của Bộ GTVT tại công văn số 4098/BGTVT - KHĐT khi tham gia ý kiến góp ý về Đề cương “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Tp.HCM”.

Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM

Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM

Liên quan đến phạm vi của Đề án, Bộ GTVT cho rằng UBND TP.HCM cần nghiên cứu, đánh giá tác động đến mạng lưới vận tải, xếp dỡ các cảng biển xuất nhập khẩu container trong nước và các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực.

Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng công ten từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Triển khai Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501.

Theo đó, đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa 1.322 đến 1.589 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46 đến 54 triệu TEU); hành khách từ 20,6 đến 21,1 triệu lượt khách. Như vậy, lượng hàng hóa (gồm hàng container) theo kết quả điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng so với lượng hàng dự báo tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.

Vì vậy, Đề án cần cập nhật số liệu dự báo hàng hóa mới, đánh giá năng lực thông qua, luồng hàng container đến, đi các bến cảng container khi lượng hàng container tăng theo số liệu dự báo.

Bộ GTVT khuyến nghị UBND TP.HCM phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc đầu tưxây dựng khu bến Cần Giờ đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước; đánh giá tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của các khu bến cảng đã đầu tư, quy mô, lộ trình đầu tư các bến cảng, khu bến cảng đang hoạt động và được quy hoạch thời gian tới thuộc cảng biển TP.HCM như khu bến Cát Lái, Hiệp Phước…., đến các bến cảng, khu bến cảng biển lân cận như Cái Mép - Thị Vải (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu) và đến khu bến cảng Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng).

Đối với công tác phân tích thị trường, dự báo hàng hóa thông qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành, UBND TP.HCM cần dự báo rõ 2 loại hàng hóa gồm: hàng trung chuyển quốc tế (dự báo hoặc cam kết cụ thể về khối lượng, cơ cấu hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu mang về Việt Nam); hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam qua cảng biển này để từ đó đánh giá tác động đến lộ trình phát triển các cảng biển, khu bến đang khai thác và các bến đã được quy hoạch.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP.HCM đề xuất ý tưởng thiết kế và sơ bộ hoạch định lộ trình quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ như kích thước, công suất, khả năng tiếp nhận tàu và các tiện ích liên quan; làm rõ về kết nối giao thông đường bộ, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoạt động khai thác cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ theo từng giai đoạn; sơ bộ phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho cỡ tàu lớn nhất qua sông Lòng Tàu phù hợp tĩnh không thông thuyền cầu đường bộ.

Bộ GTVT cho biết, kết quả lập Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM là cơ sở để Cục Hàng hải Việt Nam, Tư vấn cập nhật điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam và hoàn thiện Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4, Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Do vậy, đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai lập, sớm hoàn thiện Đề án, làm cơ sở Bộ GTVT cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM trình cấp thẩm quyền phê duyệt và phê duyệt theo quy định”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Tập đoàn P&G đầu tư thêm 100 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bình Dương

Ngày 25/4, tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã tiếp và làm việc với bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam về Dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, bà Priyamvada Srivastava cho biết, P&G hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương được 28 năm. Hiện tại, P&G Việt Nam có hai nhà máy tại Bình Dương sản xuất hàng tiêu dùng như nước giặt (Ariel, Tide), dầu gội đầu (Pantene, Head & Shoulders) và dao cạo Gillette.

Ông Nguyễn Văn Dành (bên trái) Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tiếp và làm việc với bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc P&G Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Dành (bên trái) Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tiếp và làm việc với bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc P&G Việt Nam.

Tập đoàn đầu tư khoảng 300 triệu USD vào hai nhà máy và tạo ra khoảng 5.000 việc làm cho người dân tại Bình Dương.

Sau khi đầu tư thành công 2 nhà máy, bà Priyamvada Srivastava cho biết, thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát, Bình Dương

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, Bình Dương luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xem sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh.

Thông tin về định hướng thu hút đầu tư của Bình Dương trong thời gian tới, ông Dành cho biết, tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao… hướng đến phát triển xanh, bền vững. Đây là lĩnh vực mà Tập đoàn P&G có thế mạnh nên Bình Dương mong tập đoàn tiếp tục đầu tư vào tỉnh.

Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư 2 đoạn đường Hồ Chí Minh trị giá 3.904,66 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa quyết định giao Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được yêu cầu kế thừa và tận dụng tối đa hồ sơ, tài liệu trong bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phối hợp chặt chẽ với các địa phương cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đơn vị này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi. Thời gian thực hiện là trong năm 2023.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm góp phần cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 và số 63/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội; từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu; nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm phát huy vai trò của tuyến đường Hồ Chí Minh trong việc kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị.

Chiều dài Dự án khoảng 51,82 km Chiều dài Dự án khoảng 51,82 km (đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài khoảng 45,22km; đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6km).

Trong đó đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, dài khoảng 11,2 km; điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km88+540 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km11+200 (khoảng Km77+250 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận, dài khoảng 40,62km; điểm đầu tại Km20+600 (khoảng Km67+00 Quốc lộ 61) thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối tại Km61+673 (khoảng Km65+100 Quốc lộ 63) thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Về quy mô đầu tư, trong đó phần đường, bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80 km/h (theo TCVN 4054-2005); mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m (kể cả gia cố lề).

Dự án thuộc nhóm A, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 3.904,66 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025; năm 2026 hoàn thành báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội.

An Giang đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2023

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Quyết định số 514/QĐ-UBND ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023.

Theo đó, trong năm 2023, tỉnh An Giang tập trung thu hút đầu tư vào 6 lĩnh vực chính: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng - khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường.

Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Định hướng chung của tỉnh An Giang trong thu hút đầu tư là chọn lọc các Dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Cụ thể, đối với lĩnh vực hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối thông tuyến Long Xuyên - Chợ Mới - Phú Tân - Châu Phú; phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường thủy.

Đối với cơ sở hạ tầng - khu đô thị, khu nhà ở, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động phát triển hạ tầng đô thị, cung cấp chỗ ở, mở rộng không gian đô thị các nhánh dọc trục lộ giao thông tuyến Long Xuyên - Cần Thơ và Long Xuyên - Châu Thành.

Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các dự án phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững. Khuyến khích các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu tập trung…

Lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tăng cường thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, điện tử…); các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp…

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, thu hút dự án phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển thương mại điện tử gắn với tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư vào các ngành: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển hạ tầng các khu du lịch, điểm du lịch; dự án phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, cung cấp thông tin và trải nghiệm phục vụ khách du lịch.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội - môi trường, thu hút các dự án giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng lao động; các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Tỉnh An Giang đề ra mục tiêu năm 2023 phấn đấu thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng trên 10% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 700 triệu USD (bao gồm cả dự án có vố đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư trong nước).

Thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, bao gồm: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; văn hóa - xã hội - môi trường, tổng vốn đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 1 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Theo UBND tỉnh An Giang, trong năm 2022, tỉnh đã tiếp đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; tiếp nhận 69 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó, đã phê duyệt 11 dự án với tổng vốn đầu tư là 1.660 tỷ đồng, gồm 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 391 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký là 1.269 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 01 dự án với tổng vốn là 14.096 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, toàn tỉnh An Giang có 879 doanh nghiệp và 909 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, với tổng số vốn đăng ký trên 7.701 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký tăng 46,23% (tương đương 276 doanh nghiệp). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh An Giang có 7.216 doanh nghiệp và 4.089 đơn vị trực thuộc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 80.678 tỷ đồng.

Hà Tĩnh: Khởi công 2 dự án năng lượng có vốn đầu tư gần 850 tỷ đồng

Trung tâm Điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao có diện tích hơn 2,1 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 gần 700 tỷ đồng.

Trung tâm nhằm phục vụ nghiên cứu và phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, ý tưởng mới… của AGRIMECO và xã hội, như: thủy điện tích năng, điện mặt trời trên hồ, công trình năng lượng sử dụng áp lực đẩy nổi và sức hút của trái đất, các cảm biến phục vụ tự động hóa… Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trung tâm quản lý, điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao của các nhà máy thủy điện trên địa bàn các tỉnh miền Trung do AGRIMECO làm chủ đầu tư.

Lễ khởi công 2 dự án tại Thị trấn Vũ Quang, Hà Tĩnh.

Lễ khởi công 2 dự án tại Thị trấn Vũ Quang, Hà Tĩnh.

Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi thu hút và tổ chức thực hiện triển lãm công nghệ năng lượng quốc tế tại Việt Nam; phát triển trung tâm đào tạo kỹ sư, cử nhân, công nhân kỹ thuật phục vụ cho việc vận hành, sửa chữa và lắp đặt toàn hệ thống…

Đối với Dự án Nhà máy Thủy điện Vũ Quang có diện tích gần 2 ha, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, công suất 4,8 MW. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp trung bình mỗi năm 12,5 triệu kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nước của hồ chứa Ngàn Trươi.

Dự án Nhà máy Thủy điện Vũ Quang được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc đẹp, mới, lạ; cùng với hồ thủy lợi Ngàn Trươi, Vườn Quốc gia Vũ Quang kết hợp thành quần thể tạo điểm nhấn để khai thác lợi thế Vườn Quốc gia Vũ Quang, hồ Ngàn Trươi nhằm phát triển du lịch, thương mại; xây dựng thị trấn Vũ Quang theo hướng đô thị sinh thái.

Đây là các dự án động lực cho chiến lược phát triển phía Tây của tỉnh, đảm bảo cung cấp điện ổn định, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, cung cấp lượng điện lớn lên lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Đề xuất đầu tư 600 tỷ đồng nâng cấp 6,5 km Quốc lộ 24B qua Quảng Ngãi

Ban quản lý Dự án 85 vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B đoạn Km 23+300 – Km 29+800, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B đoạn Km 23+300 – Km 29+800 có điểm đầu tại Km 23+300, Quốc lộ 24 (vị trí giao cắt với đường sắt Bắc – Nam), kết nối với Quốc lộ 24B đã được đầu tư; điểm cuối tại Km29+800, Quốc lộ 24. Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 6,5 km đi qua huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án được kiến nghị đầu tư nâng cấp, cải tạo với quy mô đường cấp III, đối với đoạn đầu tư phù hợp theo quy hoạch của địa phương (nền đường rộng 34 m, mặt đường rộng 14 m), phân kỳ giai đoạn trước mắt là 4 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 17,4 m, mặt đường rộng 14 m.

Cầu Bà Mẹo trên Quốc lộ 24B xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo an toàn, nhưng vẫn phải “gánh” lượng phương tiện rất lớn. (Ảnh: Lê Danh - Báo Xây dựng).

Cầu Bà Mẹo trên Quốc lộ 24B xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo an toàn, nhưng vẫn phải “gánh” lượng phương tiện rất lớn. (Ảnh: Lê Danh - Báo Xây dựng).

Trên tuyến xây dựng 4 nút giao bằng, xây dựng mới 1 cầu vượt đường sắt tại Km 23+300 dài 120 m và xây mới 3 cầu vượt sông với chiều dài 24 m/cầu.

Với quy mô đầu tư nói trên, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 326 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Trong trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2023 – 2025.

Trước đó, vào tháng 5/2021, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 24B đoạn Km 23+300 đến Km 29+800, tỉnh Quảng Ngãi.

Cơ quan này cho biết, Quốc lộ 24B có tổng chiều dài là 108 km là tuyến đường huyết mạch kết nối các huyện đồng bằng, TP. Quảng Ngãi, các huyện miền núi và các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến rất lớn.

Trong đó, Quốc lộ 24B đoạn từ Km 23+300 (giao nhau với đường sắt Bắc Nam) đến Km 29+800 (Trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh) có quy mô đường cấp V đồng bằng, nền đường rộng 7,5 m; mặt đường rộng 5,5 m có đoạn rộng 6,5 m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng và một số đoạn đá dăm láng nhựa. Lưu lượng xe đi trên đoạn tuyến rất lớn thường xảy ra tai nạn giao thông và ách tắc giao thông.

Thời gian qua, cử tri các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà và TP. Quảng Ngãi thường xuyên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 24B để đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu kinh tế Dung Quất.

Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 24B đoạn từ đoạn từ Km 23+300 đến Km 29+800 cho Ban Quản lý dự án 85 tại Quyết định số 1903/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2019 để đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Khởi công gói thầu xây dựng Nhà ga hành khách Sân bay Điện Biên

Sáng 27/4, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công xây dựng Gói thầu số 30 “Thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ” thuộc Dự án “Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên”.

Gói thầu số 30 có mục tiêu cải tạo, mở rộng công suất nhà ga hành khách hiện hữu tại Cảng hàng không Điện Biên từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 hành khách/năm. Tổng diện tích sàn công trình sau cải tạo, mở rộng: 4.270m2 (diện tích cải tạo 2.204m2; diện tích mở rộng 2.066m2).

Ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc ACV và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Gói thầu số 30.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên; ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc ACV và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Gói thầu số 30.

Bên cạnh đó, Gói thầu số 30 còn tiến hành cải tạo, xây dựng các công trình phụ trợ Khu hàng không dân dụng (nhà xe ngoại trường, sân đường và sân đỗ ô tô, nhà xe 2 bánh, hàng rào bổ sung, bốt gác an ninh, bể nước phòng cháy chữa cháy, trạm điện, cột cờ, cây xanh cảnh quan, các hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị,..) đảm bảo đồng bộ khai thác.

Gói thầu số 30 do là nhà thầu thi công là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC với giá trúng thầu là 146, 875 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2023.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.

Quảng Ngãi: Đề xuất cắt giảm nhiều hạng mục của dự án đập dâng 1.500 tỷ đồng

Nhiều hạng mục thuộc Dự án đập dâng sông Trà Khúc được chủ đầu tư đề xuất cắt giảm tuy nhiên, UBND TP. Quảng Ngãi muốn tiếp tục đầu tư vì cắt giảm cũng không đạt mục tiêu.

Ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi vừa ký công văn tham gia góp ý về việc cắt giảm một số hạng mục thuộc Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc như guồng quay, cánh hải âu, điện chiếu sáng.

Đập dâng Trà Khúc được giãn tiến độ đến tháng 8/2024.

Đập dâng Trà Khúc được giãn tiến độ đến tháng 8/2024.

UBND TP. Quảng Ngãi cho rằng, Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được UBND tỉnh phê duyệt với nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu tạo cảnh quan cho khu vực sông Trà Khúc cũng như Khu đô thị Ân Phú (đảo Ngọc) sau này. Việc cắt giảm các hạng mục nêu trên tuy không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của công trình và khu vực xung quanh.

Trong khi đó, các hạng mục này rất khó đầu tư bổ sung sau khi dự án hoàn thành đi vào sử dụng, đồng thời việc cắt giảm các hạng mục này cũng chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm 10% trên tổng mức dự án.

Góp ý này được đưa ra trên cơ sở đề xuất cắt giảm một số hạng mục của chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Điện chiếu sáng mỹ thuật công trình; guồng quay nước tạo điểm nhấn và cánh hải âu trên đỉnh trụ pin, với chi phí cắt giảm trên 17,4 tỷ đồng.

Lý do cắt giảm các hạng mục này vì không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình và giải quyết nội dung tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư dự án.

UBND TP. Quảng Ngãi cũng nêu rõ, việc cắt giảm các hạng mục trên tuy không ảnh hưởng kết cấu chịu lực nhưng sẽ ảnh ảnh hưởng đến thẩm mỹ công trình và khu vực xung quanh; các hạng mục rất khó đầu tư bổ sung sau khi dự án hoàn thành. Đồng thời, TP.Quảng Ngãi cho rằng, việc cắt giảm các hạng mục này cũng chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư dự án.

UBND TP. Quảng Ngãi cho rằng, trường hợp đảm bảo điều kiện, đề nghị xem xét tiếp tục đầu tư các hạng mục nêu trên; trường hợp khó khăn về thực hiện nội dung tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, đề nghị công trình ít nhất phải đầu tư hạng mục điện chiếu sáng mỹ thuật công trình.

Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi kết hợp giao thông, mục tiêu chính là dâng nước trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP. Quảng Ngãi. Dự án được khởi công tháng 7/2019, dự kiến hoàn thành năm 2021.

Tuy nhiên, đến nay tổng giá trị khối lượng thực hiện là 1.048 tỷ đồng, đạt khoảng 80%. Do đó, Dự án được giãn tiến độ thực hiện đến 8/2024.

Trước đó, vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận công trình có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng lúc đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp buộc công trình phải tạm dừng thi công. Do gặp nhiều vướng mắc nên tiến độ Dự án cũng được kéo giãn từ năm 2021 sang năm 2023.

Bình Định phê duyệt 3 dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký 3 quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 3 Dự án nhà máy sản xuất trong cụm công nghiệp tại huyện Tây Sơn và Phù Mỹ.

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt cho Công ty cổ phần Takao Bình Định (gọi tắt là Công ty Takao) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy gạch, ngói Takao tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.

Dự án của Công ty Takao được xây dựng trên diện tích đất 31,5 ha; với sản phẩm là gạch granite, gạch trang trí sân vườn, ngói gốm tráng men có quy mô 21,2 triệu m2/ năm. Dự án có tổng vốn đăng ký là 1.920 tỷ đồng; dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 1/2024, đi vào hoạt động trong tháng 12/2026.

Tại huyện Phù Mỹ, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt 2 dự án gồm Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu do Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Á Âu làm chủ đầu tư và Nhà máy chế biến khoáng sản East Minerals Bình Định do Công ty TNHH East Minerals Bình Định làm chủ đầu tư.

Trong đó, Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Á Âu thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu với diện tích hơn 1,9 ha tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp; quy mô sản xuất 57.600 tấn viên nén gỗ/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 63 tỷ đồng, thời gian đi vào hoạt động trong quý IV/2024.

Dự án Nhà máy chế biến khoáng sản East Minerals Bình Định do Công ty TNHH East Minerals Bình Định làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư dự kiến là 50 tỷ đồng, được thực hiện tại Lô A37 Cụm công nghiệp Bình Dương, xã Mỹ Lợi (diện tích đất hơn 0,98 ha). Dự án sẽ sản xuất zircon siêu mịn với quy mô 25 nghìn tấn dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong III/2024.

Đối với chủ đầu tư 3 dự án trên, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý đầu tư mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.

Thêm 2 đoạn cao tốc thông xe, trục Bắc - Nam có 800 km đường cao tốc

Sáng 29/4, tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã phát lệnh thông xe đoạn cao Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết -Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có chiều dài 63,37 km đi qua các tỉnh Ninh Bình và tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng. Dự án giúp rút ngắn hành trình di chuyển từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cũng như từ Bắc vào Nam

Còn Dự án Phan Thiết-Dầu Giây có chiều 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng.

Sau khi đưa vào khai thác, dự án giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A.

Đồng thời, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, dự án góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Nói về khó khăn trong quá trình thi công Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn tới việc các dự án phải dừng 3 tháng.

Hơn nữa, dự án thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường so với nhiều năm, biến động đột biến của giá nhiên vật liệu (xăng, dầu, cát, đá…), vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng mắc các thủ tục hành chính trong việc cấp phép mỏ khiến thời giai cấp phép kéo dài. Thậm trí có mỏ đất đến tận tháng 5/2022 mới được cấp phép đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Tuy nhiên, Vinaconex cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ.

Nhà thầu cũng áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng nghìn chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất cùng hàng chục ngàn cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công đúng tiến độ.

Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thông xe các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, thuận lợi, an toàn giữa Bình Thuận - TPHCM, kết nối giữa TP.HCM với khu vực miền Trung. Việc đưa dự án vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại , du lịch của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Nhiều công trình giao thông như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

Khi các dự án hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics. Thủ tướng cho rằng, chi phí logistics ở nước ta hiện chiếm 17% giá thành hành hóa xuất nhập khẩu, trong khi đó các nước trong khu vực chỉ từ 12-13% nên khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao.

Chính vì vậy, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò quan trọng, là trục xương sống, hành lang vận tải huyết mạch của đất nước. Với 2 dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây vừa được khánh thành sẽ nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam đạt khoảng 800 km.

Khi các đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang hoàn thành khai thác trong tháng 5 tới, chiều dài đường cao tốc trục Bắc - Nam sẽ đạt khoảng 950 km.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000 km cao tốc. Từ nay tới năm 2025 phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Thủ tướng cho rằng đây là thách thức rất lớn với khối lượng công việc rất nặng nề nên phải quyết tâm, nỗ lực, trong thời gian tới.

Từ cách triển khai các dự án cao tốc vừa qua, Thủ tướng nêu ra một số bài học kinh nghiệm là phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, lấy hiệu quả làm thước đo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phải bám sát thực tiễn, tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ. Tăng cường phân cấp, phân quyền cùng với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không chia nhỏ gói thầu vì khi chia nhỏ có nhiều nhà thầu gây khó khăn cho việc quản lý. Thủ tướng đề nghị những nhà thầu làm tốt thì phải thưởng và giao thêm dự án, thậm chí là giao nhiều, nhà thầu nào làm chậm thì phải phạt và xem xét lại năng lực.

Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, thành phố có dự án đi qua phải quan tâm đến công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân nơi có dự án đi qua.

"Sắp tới, còn nhiều khó khăn từ yếu tố bên trong và bên ngoài. Kinh nghiệm triển khai các dự án vừa qua cho thấy vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó với tinh thần dứt khoát, không né tránh đùn đẩy, trách nhiệm, đã cam kết thì phải thực hiện đã làm thì phải đo đếm được bằng sản phẩm cụ thể ", Thủ tướng nhắc nhở về việc triển khai các dự án sắp tới.

Khu công nghiệp Đức Hòa 1 (Long An) có quy mô sử dụng đất hơn 257 ha

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 460/QĐ-TTg ngày 29/4/2023 điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đức Hòa 1, tỉnh Long An.

Theo đó, quy mô sử dụng đất của Dự án là 257,4932 ha. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An yêu cầu nhà đầu tư rà soát và xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo phù hợp với diện tích đất thực hiện dự án và chất lượng công trình.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 68 Luật đầu tư năm 2014, Điều 35 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Các Bộ: tài chính, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu, nội dung báo cáo, tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; tiếp thu ý kiến của các bộ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Long An: Xem xét điều chỉnh các nội dung có liên quan của Giấy chứng nhận đầu tư theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với Quyết định này.

Khu công nghiệp Đức Hòa 1, Long An được Chính phủ cho phép thành lập năm 1997 tại ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Khu công nghiệp Đức Hòa 1 có diện tích 274 ha, đất công nghiệp chiếm 183,46 ha.

Đây là một trong những khu công nghiệp Đức Hòa, Long An nằm giáp ranh TP.HCM. Khu công nghiệp Đức Hòa 1 được phép hoạt động sản xuất mọi ngành nghề, trừ ngành ô nhiễm nặng như nhuộm, tái chế giấy, xi mạ, thuộc da…

Yêu cầu nhà đầu tư: (i) tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (ii) góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đầu tư các dự án đầu tư và hoạt động kinh doanh khác ngoài dự án này; (iii) có phương án cụ thể huy động vốn từ khách hàng thứ cấp để đảm bảo tính khả thi, đúng quy định của pháp luật trong việc huy động nguồn lực thực hiện dự án; (iv) bổ sung phương án huy động nguồn vốn hợp pháp khác trong trường hợp không huy động đủ nguồn vốn từ các khách hàng thứ cấp.

Ban Quản lý khu kinh tế Long An hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc ký quỹ theo quy định của pháp luật; thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, ưu tiên các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phối hợp các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư xây dựng phương án đảm bảo nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện tích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; giám sát việc triển khai dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật khác có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1748/TTg-CN ngày 7/12/2018 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 7757/BKHĐT-QLKKT ngày 1/11/2018 đối với phần diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi khu công nghiệp.

Đồng thời, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư tại phần diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch phát triển khu công nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất đúng với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện và thất thoát ngân sách nhà nước.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, số liệu cung cấp và tổ chức, triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Đồng Nai: Hoàn thành quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để trình thẩm định vào tháng 6

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng vừa có cuộc họp với các sở, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuộc họp diễn ra vào ngày 28/4.

Báo cáo tại buổi làm việc đơn vị tư vấn cho biết, đồ án quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay đã hoàn thiện bản thảo báo cáo giữa kỳ và gửi xin ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn nêu 3 nội dung còn vướng mắc cần xin ý kiến các đơn vị liên quan, bao gồm: xác định mục tiêu phát triển kinh tế cấp huyện; xác định quy mô dân số đến năm 2030 và xác định phương án phát triển khu công nghiệp.

Với tiến độ như hiện nay, theo kế hoạch, tháng 6 tới, báo cáo cuối kỳ sẽ được hoàn thiện để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, do tiến độ lập quy hoạch tỉnh đã bị chậm nên các sở, ngành đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, song vẫn phải đảm bảo chất lượng bản quay hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì buổi làm việc giữa các sở, ngành với đơn vị tư vấn về các nội dung phát sinh mới cần bổ sung để sát hơn với thực tế. Sau khi tiếp thu, giải trình sẽ thống nhất các nội dung để đưa vào quy hoạch.

Theo báo cáo quy hoạch, đơn vị tư vấn đề xuất Đồng Nai định vị các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế thông qua 4 giá trị gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Về định hướng phát triển đô thị, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển hệ thống đô thị của Đồng Nai đi theo mô hình tứ giác đô thị động lực với Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh và Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu) là các cực phát triển, lấy Long Thành làm hạt nhân trung tâm. Cấu trúc không gian lãnh thổ của Đồng Nai có thể chia làm 3 tiểu vùng dựa trên ranh giới hành chính các huyện hiện nay.

Về hạ tầng, đơn vị tư vấn đề xuất cần ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm, mang tính kết nối vùng. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là công trình trọng điểm của Vùng.

Hạnh Nguyên (tổng hợp )
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục