Đầu tư tuần qua: Hà Nội khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Kon Tum chấp thuận chủ đầu tư thủy điện 328 tỷ đồng

Thủ tướng chốt khởi công Dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6; Kon Tum chấp thuận chủ đầu tư thủy điện 328 tỷ đồng;…
Đầu tư tuần qua: Hà Nội khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Kon Tum chấp thuận chủ đầu tư thủy điện 328 tỷ đồng

Nhận diện công thức “4-2-3-3” tạo bước đột phá kinh tế Quảng Bình

Bốn trụ cột phát triển kinh tế, hai trung tâm động lực, ba trung tâm đô thị và ba hành lang kinh tế là các nhân tố chủ lực tạo đột phá phát triển Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Quảng Bình hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với lộ trình quy hoạch bài bản.

Quảng Bình hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với lộ trình quy hoạch bài bản.

Đây là đánh giá tổng quát nhất của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng khi trả lời câu hỏi làm thế nào để Quảng Bình đạt được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức công bố vào ngày 25/6 tới đây.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ là tỉnh phát triển khá ở khu vực miền Trung. Đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một một nền kinh tế năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây.

Theo ông Thắng, khi xây dựng mục tiêu, Quảng Bình đã rà soát, phân tích và lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia đầu ngành để bao quát tất cả những tiềm năng, lợi thế sẵn có, từ đó định hướng kịch bản phát triển cho Quảng Bình mang tính chiến lược lâu dài, vừa đảm bảo tạo đột phá, vừa phát triển bền vững.

Trước tiên, Quảng Bình xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế bao gồm tập trung phát triển hạ tầng du lịch để lĩnh vực này thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, xác định đây là lĩnh vực tạo đột phá tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế; phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó khuyến khích kêu gọi công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xem đây là bệ đỡ nền kinh tế, ưu tiên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển.

Bên cạnh đó, Quảng Bình đã xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng bao gồm Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Khu kinh tế Hòn La. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Trong quy hoạch, Quảng Bình cũng xác định 3 trung tâm đô thịgồm Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó, thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là Thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Đặc biệt, Quảng Bình xác định 3 hành lang kinh tế gồm Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Nhìn nhận về quy hoạch, ông Thắng cho rằng, Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã căn bản bao quát toàn bộ mục tiêu, định hướng phát triển Quảng Bình. Tuy vậy, để Quảng Bình phát triển toàn diện hơn, tối ưu hóa mục tiêu đề ra thì cần nhìn nhận dư địa phát triển dưới góc độ không gian phát triển Quảng Bình, trong đó có không gian biển gắn với cả nước.

Theo ông Thắng, Quảng Bình có vùng đặc quyền kinh tế với không gian biển hơn 20.000 km2, trong khi không gian vùng nội địa chỉ có 8.000 km2. Quy hoạch tỉnh Quảng Bình tách không gian biển, chỉ dựa trên không gian nội địa, nên chưa bao quát hết lợi thế phát triển của Quảng Bình.

“Quảng Bình có hơn 200 km đường biên giới với nước bạn Lào, nên có thể mở rộng không gian kinh tế về phía Tây, đây là khu vực có vùng đất đai rộng lớn, có thể phát triển nhiều loại hình kinh tế như năng lượng, cây công nghiệp...”, ông Thắng đánh giá.

Cũng theo Bí thư Vũ Đại Thắng, không gian liên kết cũng là một yếu tố quan trọng trong lợi thế phát triển Quảng Bình. Quảng Bình nằm trong khu vực phát triển năng động về công nghiệp như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Khu vực này có nhiều nhà máy mang tính động lực như Lọc dầu Nghi Sơn, Formosa Vũng Áng...

“Khu kinh tế Hòn La tiếp giáp với Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), tạo nên không gian phát triển kinh tế rất thuận lợi, hỗ trợ qua lại giữa hai khu kinh tế, nhất là Quảng Bình có sân bay Đồng Hới, cách Khu kinh tế Vũng Áng 70 km, sẽ là hạ tầng quan trọng không chỉ đối với Khu kinh tế Hòn La mà còn cả Khu kinh tế Vũng Áng”, ông Thắng nói.

TP.HCM khởi động lại hàng loạt cây cầu “đắp chiếu” nhiều năm

Ngày 20/6, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, sau khi khởi công Dự án đường Vành đai 3, thời gian tới, ngành giao thông TP.HCM sẽ khởi động lại hàng loạt cây cầu đang tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè đang thi công dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023

Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè đang thi công dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023

Vào tháng 7/2023, hai cây cầu Phước Long và Rạch Đĩa nối quận 7 với huyện Nhà Bè sẽ tái khởi động sau khi được bàn giao mặt bằng.

Đến tháng 9/2023, cầu Ông Nhiêu và cầu Tăng Long nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng thi công trở lại sau nhiều năm tạm dừng chờ giải phóng mặt bằng.

Điểm chung của các cây cầu này là đều chậm tiến độ nhiều năm dẫn đến tổng mức đầu tư tăng cao. Đơn cử như Dự án xây dựng cầu Phước Long dài 380 m, rộng 10,5 m,được khởi công từ năm 2020. Do chậm tiến độ dự án tăng tổng mức đầu tư từ 397 tỷ đồng lên 748 tỷ đồng.

Tương tự, là Dự án cầu Tăng Long có tổng mức đầu tư ban đầu là 450 tỷ đồng, do chậm tiến độ nên tăng lên 688 tỷ đồng. Cầu Ông Nhiêu cũng bị đội vốn hơn 338 tỷ đồng (từ hơn 425 tỷ đồng lên hơn 763 tỷ đồng).

Trước đó vào tháng 4/2023 cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) đã thi công trở lại sau 4 năm tạm dừng.

Bên cạnh các dự án khởi động lại, vào tháng 9/2023, cầu Long Kiểng (nối quận 7 với huyện Nhà Bè) và cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

Với hàng loạt dự án khởi động lại, cộng với các dự án hoàn thành và khởi công mới, năm nay ngành giao thông vận tải TP.HCM phải giải ngân số vốn đầu tư rất lớn.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm nay, ngành giao thông Thành phố sẽ đạt kỷ lục trong giải ngân về vốn đầu tư công với khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.

Đây là số vốn phải giải ngân kỷ lục nhất từ trước đến nay, bởi trước đây, ngành giao thông chỉ giải ngân từ 5.000 – 8.000 tỷ đồng, năm 2022 là 4.000 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng gấp 9 lần.

Kon Tum chấp thuận chủ đầu tư thủy điện 328 tỷ đồng

Ngày 20/6, UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Pek.

Theo đó, Dự án Thủy điện Đăk Pek tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Pek làm chủ đầu tư. Dự án có công suất thiết kế là 10,2 MW; Điện lượng trung bình năm (Eo) 34,12 triệu Kwh.

Dự án có diện tích mặt đất sử dụng là 34,13 ha với tổng vốn đầu tư là 328 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 115 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Dự án Thủy điện Đăk Pek có thời gian thực hiện từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2026.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Dự án sử dụng công nghệ Tuabin Francis trục ngang không thuộc danh mục công nghệ hạn chế hoặc cấm chuyển giao.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan.

Chủ công trình lên tiếng về sơ suất kỹ thuật trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Theo liên danh nhà đầu tư Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, ngày 19/5/2023 trên công trường Cầu Nghi Mỹ (Km448+141) thuộc Gói thầu XL-02 đã xảy ra lỗi sơ suất trong quá trình thi công lao lắp dầm.

Hiện trường xảy ra vụ việc.

Hiện trường xảy ra vụ việc.

Cụ thể, nhà thầu thi công tổ chức thi công lao lắp dầm cầu Nghi Mỹ thì xảy ra va chạm giữa dầm đang lắp đặt và dầm đã đặt trên nhịp làm đổ dầm SuperT nhịp từ trụ T3-T4.

Nguyên nhân được xác định do lỗi của Nhà thầu trong quá trình lao lắp dầm, cụ thể là do sơ suất của thợ vận hành cẩu đã dẫn tới va chạm giữa phiến dầm đang gác cuối cùng của nhịp T3 – T4 với các phiến dầm đã gác làm nghiêng 4/7 phiến dầm trên nhịp từ trụ T3 – T4 (gãy đổ 2 phiến). Sự việc này xảy ra trong phạm vi công trường và không làm ai bị thương.

Theo thông tin của Baodautu.vn, Gói thầu XL- 02 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công với giá trị thực hiện là 1.289,62 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 5/2023, Gói thầu này đang bị chậm 2,4% so với tiến độ điều chỉnh lần 3 (chậm 7,64% so với tiến độ điều chỉnh lần 2 do doanh nghiệp dự án đăng ký).

Ngay khi nhận được thông tin các bên liên quan gồm đại diện Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), đơn vị tư vấn giám sát là Viện khoa học & công nghệ GTVT và nhà thầu đã tiến hành lập biên bản xác nhận sự việc, đánh giá sơ bộ nguyên nhân và thống nhất di dời toàn bộ các dầm bị hư hỏng ra khỏi hiện trường.

Đến 9h ngày 20/5, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và các đơn vị liên quan đã di dời xong toàn bộ các phiến dầm ra bị hỏng ra khỏi hiện trường về vị trí bãi tập kết.

Ngày 22/5/2023, Doanh nghiệp dự án có văn bản gửi nhà thầu và tư vấn giám sát Gói thầu XL-02 để nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh nhà thầu, tư vấn giám sát trong quá trình lao lắp dầm cầu; đồng thời yêu cầu nhà thầu khẩn trương tổ chức thi công lại các phiến dầm bị hỏng để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Kinh phí phát sinh do nhà thầu chịu.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km, có tổng vốn đầu tư 11.157,82 tỷ đồng, khởi công tháng 5/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5/2024.

Nhà đầu tư Dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2; Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng).

Quy hoạch Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn cả nước

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đối với phương án phát triển nguồn năng lượng điện, Quảng Bình xác định, đối với điện gió, sẽ phát triển các Dự án điện gió để khai thác tiềm năng kỹ thuật điện gió được xác định đưa vào công suất tiềm năng Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 6.009,9MW. Trong đó, giai đoạn 2021-2030 là 5.090,9MW, giai đoạn 2031-2050 là 919MW.

Quảng Bình được nhận định sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước nếu phát huy được hết các tiềm năng lợi thế. Ảnh: Phước Sỹ

Quảng Bình được nhận định sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước nếu phát huy được hết các tiềm năng lợi thế. Ảnh: Phước Sỹ

Đối với điện mặt trời, phát triển các dự án điện mặt trời để khai thác tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời được xác định đưa vào công suất tiềm năng Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 13.504,5MW. Trong đó giai đoạn 2021-2030 là 1.230MW, giai đoạn 2031-2050 là 12.362MW.

Đối với nhiệt điện, điện khí, triển khai thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch với tổng công suất 2.400MW, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VII điều chỉnh); dự án Nhà máy điện khí tại KKT Hòn La với công suất 3.000MW.

Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định phương án với phát triển đối với thủy điện (tổng công suất 124,8MW, trong đó có dự án thủy điện La Trọng 22MW đang thi công xây dựng), điện rác (42MW), điện địa nhiệt (29,89MW), điện khí sinh học (32,82MW), và điện sinh khối (318 MW). Tất cả các loại hình điện này đều nằm trong nội dung Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình, bên cạnh việc phát triển nguồn điện từ các dự án, tỉnh Quảng Bình sẽ phát triển mạng lưới truyền tải nhằm đáp ứng quy mô công suất điện trên toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho rằng, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quảng Bình hoàn toàn có thể thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế tốt hơn nữa nếu có những “sáng kiến” sáng tạo nhằm phát triển lĩnh vực năng lượng.

"Nói về lĩnh vực này thì không đâu tiềm năng bằng các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Hiện Quảng Bình đã có những nhà đầu tư lớn đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với dự án nhiệt điện lớn nhất cả nước hiện nay là Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; hay dự án trang trại điện gió BT của Công ty CP điện gió B&T. Và nếu có những chính sách phù hợp để thu hút thêm được những nhà đầu tư lớn, Quảng Bình hoàn toàn có thể khai thác và phát huy tiềm năng rất lớn từ lĩnh vực này", Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Được biết, hiện nay hệ thống nguồn điện đã và đang vận hành của tỉnh Quảng Bình có tổng công suất hơn 375MW, bao gồm: Dự án Cụm Trang trại Điện gió B&T (252M); Nhà máy thủy điện Hố Hô (14MW); Nhà máy Điện mặt trời Dohwa - Lệ Thủy (49,5MWp); 473 hệ thống đặt điện mặt trời trên mái nhà (46,234 MWp); điện thu hồi nhiệt thải phát điện của Nhà máy xi măng Sông Gianh (7,5MW) và Nhà máy xi măng Văn Hóa (9,5MW).

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đang đang triển khai xây dựng nhiều dự án năng lượng có quy mô lớn quốc gia. Trong đó, nổi bật là dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch, công suất 2.400MW (bao gồm Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, công suất 1200MW đang triển khai thi công; Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1200MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư) tại Khu kinh tế Hòn La.

Tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Thủ tướng vừa ký công điện về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thi công trên công trường gói thầu XL-04 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Vĩnh Phú)

Thi công trên công trường gói thầu XL-04 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh: Vĩnh Phú)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023 về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang.

Công điện nêu rõ: Để đạt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tối đa nguồn lực đầu tư phát triển các dự án đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết trong đó có các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho phép rút ngắn các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu của các dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Công điện và Văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cấp, khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự án) đã được khởi công từ ngày 1/1/2023 nhưng đến nay tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường. Ủy ban nhân dân các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được Chủ đầu tư, nhà thầu trình. Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng; điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu. Nguyên nhân chính là một số các cơ quan, địa phương chưa nỗ lực, tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Công điện và Thông báo kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua và có mỏ vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ Dự án:

a) Khẩn trương kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khai thác mỏ mới và nâng công suất các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đang khai thác phục vụ Dự án; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương giải quyết các thủ tục đăng ký khai thác đã được các Nhà thầu trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2023. Đồng thời không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư.

b) Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

c) Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường quản lý nhà nước, hỗ trợ các đơn vị liên quan trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định, không để xẩy ra tình trạng nâng giá, ép giá…

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác gồm Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an (là thành viên của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải) và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm việc với tỉnh, thành phố thuộc khu vực Dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 7 năm 2023.

Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả Dự án.

Thủ tướng chốt khởi công Dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội vào ngày 25/6

Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 sẽ được khởi công cùng ngày theo hình thức trực tuyến.

Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố: : Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Tiền Giang để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang hoàn thiện các thủ tục theo quy định tổ chức Lễ khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 vào ngày 25/6/2023 theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu phù hợp, bảo đảm thực chất, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan sau khi khởi công phải triển khai ngay công tác thi công xây dựng trên toàn Dự án theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, hoàn thành các Dự án theo đúng tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội Dự án được quy hoạch có quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Dự án dài khoảng 112,8 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư 29.447 tỷ đồng).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần (3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 3 dự án thành phần xây dựng đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công, do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội là cơ quan chủ quản; 1 dự án xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022, với quy mô phân kỳ giai đoạn 1, chiều dài 27,43km, tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước.

Dự án được chia thành 2 dự án thành phần (16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và 11,43 km thuộc tỉnh Tiền Giang).

Đẩy nhanh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Để sớm hoàn thiện phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, tại văn bản số 4593/VPCP-CN ngày 21/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo:

Về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 6/2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính và UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương thống nhất phương án tài chính của Dự án, trong đó xác định rõ cơ cấu vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và khả năng cân đối nguồn vốn cho Dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 6/2023, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định.

Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khoảng 53,5 km với điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước) và chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế).

Giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh), xây dựng đoạn TP.HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.

Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 140 km có điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này có quy mô quy hoạch 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m (tương tự quy mô phân kỳ của Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 và một số dự án đường cao tốc khác đang triển khai), vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng.

Lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại Măng Đen - Kon Tum

Bộ GTVT sẽ hỗ trợ UBND tỉnh Kon Tum trong việc lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại Kon Tum (sân bay Măng Đen).

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong công văn vừa được Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Kon Tum liên quan đến việc lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại Kon Tum.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.

Theo đó bên cạnh các cảng hàng không được quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số vị trí tiềm năng và báo cáo Thủ tướng xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện, trong đó có vị trí dự kiến tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đồng thời tại điểm c, khoản 3, Điều 2 của Quyết định cũng giao UBND các tỉnh “tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không, trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP, gửi Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện”.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum căn cứ Quyết định số 648/QĐTTg để chủ động tổ chức triển khai cho phù hợp.

“Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hàng không phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Kon Tum để hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, xây dựng đề án”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Vào giữa tháng 4/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Kon Tum tổ chức lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen.

Sau khi Đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không Măng Đen hoàn thành đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP, UBND tỉnh Kon Tum sẽ báo cáo Bộ GTVT chức thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian vừa qua, có một số nhà đầu tư quan tâm và đề xuất được triển khai đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Măng Đen theo phương thức PPP.

Sân bay này được đề xuất có quy mô, cấp sân bay 4E. Vị trí triển khai tại Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; công suất thiết kế từ 3 - 5 triệu hành khách/năm. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.

“Thị trấn Măng Đen có một số vị trí thuận lợi để xây dựng sân bay: quỹ đất sạch do địa phương quản lý; giao thông kết nối thuận lợi, gần Quốc lộ 24; tốc độ gió nhỏ; khối lượng san bạt tĩnh không nhỏ; có mặt bằng bằng phẳng với khối lượng đào đắp không nhiều, thuận tiện cho việc bố trí đường cất hạ cánh”, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đánh giá.

Lựa chọn nhà thầu cho "siêu" gói thầu nhà ga sân bay Long Thành đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Sau khi xem xét văn bản trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu và tiếp thu tối đa các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo hiệu quả

Lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo hiệu quả

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn ACV trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu 5.10 bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam, nhằm giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển kết nối giao thông, thương mại, du lịch, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dự án được thiết kế có công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành. Trong số các gói thầu của dự án, gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" là gói thầu lớn nhất, với quy mô 35.233 tỷ đồng. Gói thầu này bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho công trình Nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không. Đây là công trình có tính chất phức tạp, đòi hỏi tính chính xác, chất lượng, kỹ thuật cao và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu này cũng rất quan trọng và cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kết luận về kết quả kiểm tra Hồ sơ mời thầu Gói thầu 5.10 của Dự án thành phần 3, thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, do ACV là chủ đầu tư. Theo Kết luận này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định ACV phải bảo đảm thực hiện quy trình, thủ tục tổ chức lựa chọn nhà thầu Gói thầu 5.10 tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm toàn diện đối với nội dung Hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị ACV rà soát, điều chỉnh một số nội dung của Hồ sơ mời thầu để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và ưu tiên các nhà thầu trong nước có năng lực, kinh nghiệm...

Kon Tum đầu tư tuyến đường hơn 263 tỷ đồng

Ngày 22/6, UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định phê duyệt dự án Đường từ Trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp, huyện Đăk Glei.

Dự án Đường từ Trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp do UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư.

Kon Tum đầu tư tuyến đường từ Trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp do UBND, huyện Đăk Glei với tổng vốn hơn 263 tỷ. Ảnh minh họa

Kon Tum đầu tư tuyến đường từ Trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp do UBND, huyện Đăk Glei với tổng vốn hơn 263 tỷ. Ảnh minh họa

Việc xây dựng dự án này nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về giao thông cho nhân dân xã Xốp đi lại trong mùa mưa lũ; góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới đường giao thông trên địa bàn huyện Đăk Glei, phân bổ lại dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Dự án có chiều dài hơn 17,7 km với tổng vốn đầu tư hơn 263 tỷ đồng và có thời hạn sử dụng công trình tối thiểu 25 năm.

Dự án thực hiện từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư theo ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách huyện Đăk Glei.

Thời gian, tiến độ thực hiện dự án không quá 4 năm, từ năm 2023.

Quảng Bình tìm giải pháp đẩy nhanh dự án đường ven biển

Tiến độ thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra, nguyên nhân là do các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên đất.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã làm việc với các sở, ngành, địa phương để rà soát tiến độ và tìm các giải pháp đẩy nhanh thực hiện Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Tỉnh Bình Thuận còn nhiều dư địa và tiềm năng để đầu tư vào các KCN.

Tỉnh Bình Thuận còn nhiều dư địa và tiềm năng để đầu tư vào các KCN.

Theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Bình, chủ đầu tư Dự án Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 cho biết, đến nay, các địa phương đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần 1 được 64,39/80km, đạt 80,5%; trong đó, phạm vi đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công được đạt 30,9%. Số hộ dân bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường GPMB là 519/1.026 hộ (đạt 51%).

Về tiến độ thực hiện dự án, đến nay, Sở GTVT Quảng Bình đã ký hợp đồng thi công 6 gói thầu với chiều dài 73,4 (đạt 91,8%), giá trị thực hiện trên 173 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,64%.

Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Bình cho biết thêm, đến nay việc triển khai dự án trên thực địa đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng rừng; xử lý đền bù phần tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng; công tác tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật; di dời lăng mộ.

Đối với Dự án thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, báo cáo của Sở KH&ĐT Quảng Bình – chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay, công tác GPMB tại xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) đã hoàn thành với việc chi trả tiền bồi thường 2ha của 8 hộ gia đình.

Đối với 1,6 ha đất sông ngòi do UBND xã Lương Ninh quản lý, hiện đang đợi bổ sung kế hoạch sử dụng đất của huyện Quảng Ninh để chi trả và bàn giao mặt bằng.

Tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tổng diện tích thu hồi khoảng 13,9ha, hiện nay địa phương đã tổ chức họp tuyên truyền cho người dân về dự án. Đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành triển khai đo đạc và trình UBND xã Bảo Ninh rà soát hồ sơ. Tuy vậy, việc triển khai Dự án thành phần 2 cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến việc xác định nguồn gốc và quy chủ một số thửa đất tại xã Bảo Ninh; cũng như công tác trích đo địa chính phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án.

Tại cuộc họp, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, mặc dù các chủ đầu tư và các địa phương đã tích cực triển khai dự án, tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra thì tiến độ các dự án vẫn còn chậm.

Đối với Dự án thành phần 1- Đường ven biển, để đẩy nhanh tiến độ thi công ngay sau khi hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, bảo đảm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã bố trí và giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương, chủ rừng khẩn trương thực hiện phương án tận thu gỗ rừng trồng, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư ngay trong tháng 6.

Đối với phần tài sản các trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng, yêu cầu UBND các huyện khẩn trương hoàn thành thủ tục định giá tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình và công khai phương án trước ngày 31/7. Đồng thời, các địa phương liên quan cần hoàn thiện các phương án di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; tiến hành thực hiện thủ tục khởi công, thi công các khu tái định cư ngay sau khi có quyết định bồi thường GPMB.

Đối với Dự án thành phần 2- Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu, Phó chủ tịch Đoàn Ngọc Lâm chỉ đạo UBND TP. Đồng Hới chỉ đạo xã Bảo Ninh và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác trích đo và thủ tục GPMB, sớm bàn giao mặt bằng thi công đợt 1 trong tháng 9/2023. Về công tác tái định cư, cần đẩy nhanh rà soát hồ sơ trích đo trong tháng 6 để thu hồi đất trong tháng 7/2023.

Được biết, Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là một trong các dự án trọng điểm quan trọng của tỉnh Quảng Bình hiện nay.Dự án bao gồm 2 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 - tuyến đường ven biển (giao Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư – tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng) được triển khai theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo TCVN 4054-2005, vận tốc thiết kế 80km/h. Với tổng chiều dài 85,4km, tuyến đường sẽ có 3 đoạn gồm: đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,6km; đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 47,9km. Trên toàn tuyến đường sẽ có 23 cầu gồm 1 cầu lớn, 12 cầu trung và 10 cầu nhỏ. Theo thiết kế, bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt cắt đường xe cơ giới 7m, bề rộng lề gia cố 4m, bề rộng lề đất 1m. Riêng những đoạn tuyến đi qua khu đô thị, khu dân cư có mặt cắt ngang theo quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư đang áp dụng hiện hành.

Dự án thành phần 2 - Cầu nhật Lệ 3 (giao Sở KH&ĐT Quảng Bình làm chủ đầu tư- tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng) dự kiến sau khi hoàn thành sẽ nối hai bờ Đông - Tây sông Nhật Lệ, thuộc địa bàn xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh. Cùng với hai Nhật Lệ 1-2 đã hiện hữu, cầu Nhật Lệ 3 sẽ kết nối các trục đường nội thành theo quy hoạch chung của đô thị Đồng Hới, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ven biển nối liền giữa các vùng đô thị trung tâm với bờ biển phía Đông.

Bình Thuận xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp

Sáng 23/6, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận đã tổ chức Hội thảo giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích tiềm năng, cơ hội, kết nối đầu tư vào các KCN, cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào Bình Thuận.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận cho biết, từ năm 1999, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận đã được thành lập và chỉ có 1 khu công nghiệp.

Nhưng đến nay, Bình Thuận đã có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt với diện tích 3.048 ha. Trong đó có 6 KCN đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh; 3 khu công nghiệp còn lại với quy mô 1.910 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hiện, các KCN tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 86 Dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng và hơn 700 triệu USD diện tích đất công nghiệp cho thuê là 270,9 ha, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đã đầu tư xây dựng 37%. Trong đó có 66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Các KCN đã có đóng góp lớn cho tăng trưởng của Bình Thuận. Tuy nhiên, ông Phùng Hữu Cư cho biết, tỷ lệ lấp đầy của các KCN còn thấp, các dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN trên địa bản tỉnh đa số có quy mô nhỏ, việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao còn ít, suất đầu tư thấp khoảng 42 tỷ đồng/ha…

Các khó khăn của việc thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Bình Thuận phần lớn là do hạ tầng chưa đồng bộ. Tuy nhiên, đến nay các điểm nghẽn về hạ tầng cơ bản được khơi thông.

Bình Thuận đã có cảng nước sâu Vĩnh Tân, đang chuẩn bị đầu tư cảng Tổng hợp và kho cảng khí LNG Sơn Mỹ, đang đầu tư sân bay Phan Thiết, bên cạnh đó có đường ven biển chạy xuyên qua tỉnh. Đặc biệt là 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 199,8 km đã chính thức được thông xe… Những dự án trên đã mở ra triển vọng mới để phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận, trong đó có phát triển công nghiệp và các khu công nghiệp, một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 6 KCN hiện có, đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN - Dịch vụ - Đô thị Hàm Tân - La Gi (giai đoạn 1). Qua đó thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê ở KCN Phan Thiết 2; 78% diện tích đất cho thuê ở các KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2; đạt trên 30% diện tích đất cho thuê ở các KCN Tân Đức, KCN Tuy Phong, KCN Sông Bình, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2.

Đến năm 2030 đầu tư hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp hiện có; thành lập một số KCN công nghệ cao. Trên cơ sở đó Bình Thuận sẽ có phương án sắp xếp lại ngành nghề một số KCN theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm có chọn lọc, nhằm tạo điều kiện và môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

“Với quan điểm nhất quán, luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với phương châm lấy niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi, Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cam kết luôn đồng hành để các dự án đầu tư vào các KCN sớm “đơm hoa, kết trái”, ông Cư khẳng định.

Hải Dương định hướng trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch thông qua nêu rõ, tỉnh Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông.

Cụ thể, tới năm 2050, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, thông minh và bền vững, tận dụng vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học và công nghệ cao, trở thành trục động lực của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Các chuyên gia đánh giá, Hải Dương có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ và thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc. Tỉnh có vị trí tương đối thuận lợi giữa các khu cảng biển và các cảng hàng không quốc tế chính của miền Bắc, nên có khả năng kết nối trong và ngoài nước khá toàn diện, có vị trí chiến lược về giao thương kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh ở khu vực các tỉnh Bắc bộ.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng. Giai đoạn 2010 - 2020, kinh tế của tỉnh tăng bình quân 7,6%/năm - cao hơn mức trung bình cả nước, nhưng chỉ xếp thứ 8 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.

Vì vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Hải Dương sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính.

Trước hết, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao và mở rộng chuỗi giá trị các ngành thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh như ngành điện, điện tử, cơ khí luyện kim… dựa trên liên kết vùng và thu hút doanh nghiệp FDI lớn.

Thứ hai, xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Tỉnh sẽ mở rộng các ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao như hóa chất, hóa dược, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp, độc quyền, có tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tới các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Thứ ba, duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, chỉ duy trì, dừng đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, công nghiệp khai khoáng.

Cuối cùng, tỉnh Hải Dương quyết tâm xây dựng địa phương thành trục công nghiệp động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Với quỹ đất cho khu công nghiệp ít, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái với trung tâm đổi mới sáng tạo, cùng các cụm công nghiệp với hạ tầng hiện đại.

Ủng hộ quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh lưu ý, Hải Dương đã sở hữu vị trí, hạ tầng tốt, vì vậy phải làm sao tạo được cú hích thúc đẩy phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.

Ông Dũng phân tích, Hải Dương là địa phương không có lợi thế giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các khu kinh tế… Do vậy, phải có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, với định hướng công nghiệp sẽ tạo bứt phá cho tỉnh, thì Hải Dương cần đột phá về tư duy. Theo đó, công nghiệp hóa phải được gắn với đô thị hóa đẳng cấp và vượt trội.

Làm rõ thêm vấn đề, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, tỉnh không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh, mà hướng tới tăng trưởng bền vững. Tỉnh đã điều chỉnh giảm số lượng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và chuyển hướng sang phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái để mọi người dân đều được hưởng lợi.

Ông Thắng khẳng định, các ý kiến góp ý từ chuyên gia, Hội đồng Thẩm định là cơ sở để tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh nhằm đưa ra bản quy hoạch đúng nhất, tốt nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghệ An nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 4874/UBND-CN về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và đảm bảo khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ; thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Hàng năm rà soát, cập nhật, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của địa phương. UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ trong công tác cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng, tham mưu ban hành các tiêu chí, điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất và tiêu chí về số lao động sử dụng theo quy định làm cơ sở cho việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thiện mặt bằng, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế. Triển khai có hiệu quả phương án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường để đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, sớm hoàn thiện mặt bằng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp. Tuyệt đối không chấp thuận đối với Dự ánđầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện chủ động rà soát các quy định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo và thiếu cụ thể để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế... trong quá trình thẩm định và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế.

Tổ chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư... đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế. Rà soát, sửa đổi quy trình, thủ tục nội bộ liên quan đến thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan nhưng không gây phiền hà, tăng chi phí của nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam nâng cao chất lượng tham mưu cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư; thực hiện chế độ báo cáo đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đầu tư, chế độ báo cáo theo quy định. Hàng năm, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng quy định…

Sở Khoa học và Công nghệ tham gia thẩm định công nghệ hoặc cho ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư nước ngoài theo Luật Chuyển giao công nghệ. Đánh giá lại công nghệ khi dự án hết thời hạn hoạt động nhưng nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; tuyệt đối không chấp thuận đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng và công bố kịp thời danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh, tổ chức xúc tiến theo Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Rà soát, nâng cao chất lượng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư có khả thi, đúng quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế và địa bàn trọng điểm của tỉnh. Chủ động tiếp cận, quảng bá cơ hội, vận động các Tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào tỉnh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có tính động lực, lan tỏa trong làn sóng đầu tư mới.

Thừa Thiên Huế: Đề nghị bổ sung quy hoạch cảng cạn Chân Mây lên 100.000 TEU/năm

Thừa Thiên Huế vừa đề nghị bổ sung quy hoạch cảng Chân Mây đến năm 2030 quy mô diện tích 10-20 ha, năng lực 100.000-200.000 TEU/năm.

Đề xuất này được ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với quy mô diện tích đến năm 2030 khoảng 10 ha - 20 ha, năng lực thông hàng khoảng 100.000 - 200.000 TEU/năm và giai đoạn 2050 đạt khoảng 120 ha.

Cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với quy mô diện tích đến năm 2030 khoảng 10 ha - 20 ha, năng lực thông hàng khoảng 100.000 - 200.000 TEU/năm và giai đoạn 2050 đạt khoảng 120 ha.

Theo Bí thư Lê Trường Lưu, hiện nay, tại khu bến Chân Mây đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng 3 cầu cảng với tổng chiều dài cầu cảng là 1.041 m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 DWT (giảm tải) và tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn đến 225.000 GT, đang triển khai đầu tư xây dựng bến số 4, bến số 5 với tổng chiều dài 540 m. Đến năm 2025, xây dựng hoàn thành (bến số 4, 5, 6) và đưa vào khai thác 6 bến tổng hợp, chiều dài 1.931 m.

Hạng mục đê chắn sóng Chân Mây đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng với chiều dài đê giai đoạn 1 là 450 m và giai đoạn 2 kéo dài thêm 300 m hoàn thiện tổng chiều dài đê đạt 750 m theo quy hoạch, tổng mức đầu tư 757.359 triệu đồng.

“Đề nghị Bộ GTVT hiệu chỉnh số liệu quy hoạch cảng biển Thừa Thiên Huế trong “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030” và bổ sung quy hoạch cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô với quy mô cảng cạn Chân Mây với quy mô diện tích đến năm 2030 khoảng 10 ha - 20 ha, năng lực thông hành khoảng 100.000 TEU/năm-200.000 TEU/năm, giai đoạn 2050 đạt khoảng 120 ha”, ông Lưu kiến nghị.

Liên quan đến phương án đầu tư các hạng mục tại cảng Chân Mây, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng kiến nghị Bộ GTVT về việc kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cảng biển Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2030.

Về kiến nghị liên quan đến cảng Chân Mây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giao Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện rà soát, hoàn thiện Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch, để đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi của quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc đầu tư bến số 6, 7, 8 và bến tàu khách quốc tế tại Khu bến Chân Mây và đầu tư đê chắn cát, Bộ GTVT ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Thiên Huế triển khai kêu gọi đầu tư theo quy định.

Tại buổi làm việc, Bí thư Lê Trường Lưu cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Theo đó, Thừa thiên Huế đề nghị nâng cấp đường lăn song song tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài nhằm nâng công suất Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt, tăng cường các chuyến bay đi/đến Huế và điều chỉnh bổ sung Quy hoạch sân bay Phú Bài.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất làm đường lăn song song của Tỉnh, tuy nhiên cần cân nhắc vấn đề ngân sách để việc đầu tư có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với chủ trương này, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ và sẽ cùng phối hợp với Tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ giao các đơn vị khẩn trương rà soát, xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để xem xét việc điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Còn về vấn đề tăng số chuyến bay (cả nội địa lẫn quốc tế), quan trọng nhất chính là sự kết nối giữa Tỉnh Thừa Thiên Huế với các hãng bay và các doanh nghiệp du lịch lữ hành”, Bộ trưởng nói.

Quảng Trị khánh thành dự án nâng cấp nhà máy nước sạch Tân Lương

Tại TP. Đông Hà, Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị vừa tổ chức lễ khánh thành Nhà máy nước sạch Tân Lương.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị và TP. Đông Hà thường xảy ra tình trạng thiếu nước sạch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân vào thời gian mùa hè.

Trước thực tế này, Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị đã đề xuất, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Lương với quy mô công suất từ 15.000 lên 28.500 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo cấp nước an toàn phục vụ người dân dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP. Đông Hà.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 74 tỉ đồng từ nguồn vốn của Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị và vốn vay thương mại, khởi công vào tháng 8/2022; đến nay, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án hoàn thành đã nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, giải quyết tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại TP. Đông Hà và vùng ven đô trong nhiều năm qua, giúp người dân được sử dụng nước sạch chất lượng cao, an toàn; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng TP. Đông Hà trở thành đô thị loại II trước năm 2025.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc đưa Nhà máy nước Tân Lương công suất 28.500 m3/ngày đêm đi vào hoạt động mới chỉ là bước đầu trong hành trình khởi động vì một tương lai tươi sáng của sức khỏe cộng đồng, người dân thành phố và toàn tỉnh Quảng Trị, từng bước hiện thực hóa Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn năm 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực đầu tư đảm bảo theo quy định pháp luật để nâng cấp, cải tạo, mở rộng phạm vi cấp nước các nhà máy nước đang quản lý.

Đồng thời, Công ty nghiên cứu đầu tư các nhà máy cấp nước mới nhằm hoàn thành các mục tiêu phủ rộng nguồn nước sạch về các vùng ven đô, vùng nông thôn, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Đề án cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Được biết, Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị đang quản lý vận hành 11 nhà máy cấp nước tổng công suất 68.700 m3/ngày đêm, cung cấp cho hơn 70.000 khách hàng trong toàn tỉnh.

Năm 2022, Công ty đã cung cấp 14,6 triệu m3 nước hàng hóa; doanh thu nước sạch đạt 121,7 tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 24,1 tỷ đồng.

“Ông lớn” Hàn Quốc sẽ đầu tư tỷ USD vào Việt Nam

Một thông tin quan trọng đã được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, được tổ chức vào chiều 23/6, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo tới Việt Nam. Đó là các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Chúng tôi có danh sách mấy chục Dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, nhưng cũng có dự án cả tỷ USD. Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Theo thông tin của ông Đỗ Nhất Hoàng, trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn có sự bứt phá và hiện tại, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 82 tỷ USD.

“Năm ngoái, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam gần 5 tỷ USD, nhưng 5 tháng đầu năm, chỉ có hơn 666 triệu USD. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực trạng đầu tư của Hàn Quốc”, ông Hoàng lý giải và cho biết, các tập đoàn lớn vẫn đang hướng đến Việt Nam, họ vẫn đang ấp ủ các dự án lớn, dù vẫn đang cẩn trọng quan sát tình hình.

Thực tế, tuy xét về số vốn, sau 5 tháng, Hàn Quốc đang đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, nhưng xét về số vốn, Hàn Quốc đang dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,5%).

Cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng tại Việt Nam, ông Hoàng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, năng lượng, đất đai… cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi kiên định quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo…”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Hiện tại, để thu hút “đại bàng, Việt Nam đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng tại một số quốc gia từ đầu năm 2024. “Nhưng cùng với đó, chúng tôi vẫn thực thi các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao…”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Thông tin được ông Hoàng chia sẻ đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Khoảng 500 doanh nghiệp hai nước đã tới tham dự sự kiện này. Dù sau phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Yoon Suk Yeo đã rời đi, nhưng “sức nóng” của Diễn đàn không hề vơi bớt. Rất nhiều cam kết đã được đưa ra.

“Với tinh thần tương sinh, cùng phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của mình”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, nói.

Samsung hiện là nhà đầu nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD. Cuối năm ngoái, đánh dấu chặng đường gần 15 năm đầu tư lớn tại Việt Nam, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D quy mô 220 triệu USD tại Hà Nội.

“Sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc”, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã nói như vậy tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.

Tại cuộc gặp này, lãnh đạo các tập đoàn như LG, Hyosung… đều đã khẳng định sẽ lựa chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của mình. Mà không phải là “sẽ”, bởi hiện tại, LG đã đầu tư tại Việt Nam gần 7,5 tỷ USD, còn Hyosung đầu tư 3,5 tỷ USD.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, đại diện Tập đoàn Doosan Enebility cho biết, Doosan đã đầu tư nhà máy 300 triệu tại Việt Nam và đã tham gia vào nhiều dự án năng lượng điện than, điện gió tại Việt Nam.

Khẳng định đang sở hữu công nghệ sản xuất turbin hiện đại, đại diện Doosan chia sẻ, sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện ngân hàng Shinhan bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối cho việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam phát triển.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực fintech tại Việt Nam”, vị này nói.

Kết thúc Diễn đàn, hàng loạt biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước được ký kết và công bố. Đây là những nền tảng quan trọng mở ra các cơ hội hợp tác tỷ USD Việt - Hàn trong thời gian tới.

Quảng Ngãi khẩn trương bổ sung dự án Khu xử lý chất thải 600 tỷ đồng vào quy hoạch

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đề nghị về việc bổ sung Dự ánKhu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bổ sung dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất và các dự án liên quan đến môi trường khác trên địa bàn tỉnh (nếu có) vào Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian hoàn thành trước ngày 24/6/2023.

Được biết, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất, do Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Quảng Ngãi (MQN) đề xuất đầu tư xây dựng tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) có quy mô 71,5ha, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.

Công suất xử lý các loại chất thải của Khu liên hợp sau khi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh là 2.000 tấn/ngày, đêm. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2029) xử lý 1.000 tấn/ngày, đêm (gồm 500 tấn chất thải sinh hoạt và 500 tấn chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại), giai đoạn 2 (2030 trở đi) sẽ tiến hành phát điện đồng thời đưa công suất đạt 2.000 tấn/ngày, đêm. Công nghệ xử lý chủ đạo là phân loại, tái chế, đốt rác triệt để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và tỷ lệ chôn lấp là thấp nhất.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xử lý lượng lớn chất thải sinh hoạt thu gom được hàng ngày trên địa bàn và phần lớn lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó là dự phòng công suất, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải phát sinh trong tương lai, theo lộ trình đã được tính toán, phân kỳ đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, tinh thần giải quyết đối với Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất là cho làm song song các thủ tục; đề nghị các sở, ngành cố gắng triển khai nội dung công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi khẩn trương xem xét tiếp.

Hạnh Nguyên (tổng hợp )
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục