Đầu tư tư nhân “lên ngôi”

(ĐTCK) TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, đầu tư tư nhân sẽ là một trong các trụ cột dẫn dắt tăng trưởng và là điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2025.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Mục tiêu tăng trưởng 7% là khả thi

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Theo ông, Việt Nam đang có những động lực nào giúp kinh tế tăng trưởng cao?

Trước hết, kết quả kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024 cho thấy, Việt Nam đang có sự phục hồi và tăng trưởng tốt, cải thiện nhiều so với giai đoạn đầu hồi phục sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như thu chi ngân sách, nợ công, lạm phát…

Động lực cơ bản nhất của kinh tế Việt Nam vẫn là xuất khẩu. Vài tháng gần đây, chỉ số công nghiệp tăng cao, chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 10/2024 quay trở lại mức trên 50 điểm… Từ nay đến cuối năm 2024, xuất khẩu nhiều khả năng vẫn là động lực chính để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cả năm từ 7% trở lên. Đây cũng là nền tảng để chúng ta kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng khoảng 7% trong năm tới.

Ngoài ra, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát năm nay dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Hết tháng 10/2024, chỉ số CPI ở mức 3,8%, ước tính cả năm khoảng gần 3,9%. Do đó, Quốc hội đặt mục tiêu kiểm soát CPI năm 2025 tăng không quá 4,5% là khả thi.

Dự kiến, năm 2024, chúng ta tiết kiệm được khoảng 10.000 tỷ đồng chi ngân sách, nên mức bội chi năm nay 3,6% và mức 3,8% mà Quốc hội đặt ra cho năm 2025 nằm trong sự tính toán khả thi.

Doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước cơ hội được Chính phủ hỗ trợ rất mạnh về thể chế và các chính sách kích thích tăng trưởng

Theo ông, có những rủi ro tiềm ẩn nào mà chúng ta cần lưu ý?

Năm nay, tỷ giá có những thời điểm biến động mạnh, nhưng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tốt nhờ thúc đẩy xuất khẩu, nên cán cân thanh toán quốc tế không quá căng thẳng, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa hạ thêm 0,25% lãi suất đồng USD.

Theo tôi, yếu tố rủi ro lớn nhất là dòng vốn ngắn hạn gián tiếp nước ngoài rút ròng sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029, với dự kiến sẽ tăng thuế thương mại toàn cầu vào Mỹ lên 20%, riêng Trung Quốc là 60%, nhằm tăng cường bảo hộ và phát triển kinh tế nội địa của nước Mỹ.

Chính sách này của ông Trump nếu được thực hiện có thể khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, nhất là những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ. Có một số liệu tính toán cho rằng, Việt Nam có thể bị giảm tăng trưởng 1% do các biện pháp thuế quan, bảo hộ mậu dịch của Mỹ.

Không ít chuyên gia phân tích nhận định, chính quyền của ông Trump có thể làm căng thẳng thêm các “cuộc chiến” thương mại cũng như công nghệ hiện nay, ảnh hưởng đến nhiều nước khác, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn giúp Việt Nam được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất và thương mại. Một nghiên cứu cho biết, Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 0,5% nhờ quá trình dịch chuyển này.

Bên cạnh đó, hiện tượng căng thẳng về USD thời gian qua một phần là do chúng ta tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm nay và nửa đầu năm sau. Như vậy, việc phải xuất USD mua hàng gây căng thẳng về tỷ giá không hẳn là tín hiệu xấu.

Đầu tư tư nhân sẽ dẫn dắt tăng trưởng

Chính sách bảo hộ mậu dịch nội địa của Mỹ và xung đột địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Vậy chúng ta cần có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng chung, thưa ông?

Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn hôm 13/11/2024, tôi thấy trong thông điệp của Thủ tướng có hai ý rất hay.

Thứ nhất, Thủ tướng nói chúng ta phải tăng trưởng bứt phá, đó là điều chắc chắn phải làm để đạt được mục tiêu năm 2030 đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập trung bình và năm 2045 có mức tăng trưởng cao, nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập cao như chiến lược đã đề ra.

Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh ba động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam lần lượt là đầu tư, tiêu dùng rồi mới đến xuất khẩu. Tôi cho rằng, Chính phủ đã nhận thức rất rõ là trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này (hết năm 2025) và cả nhiệm kỳ sau, chúng ta phải quay trở lại với những động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó chú trọng đầu tư, cụ thể là thúc đẩy đầu tư công làm bệ đỡ cho tăng trưởng, đồng thời càng khó khăn thì càng phải thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Dự báo, đầu tư tư nhân sẽ là điểm nhấn trong chính sách phát triển kinh tế Việt Nam năm 2025 và những năm tiếp theo.

Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, ông đề xuất chính sách nào?

Mặc dù Chính phủ có nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công, song tôi cho rằng, mục tiêu năm nay giải ngân 95% khó có thể đạt được (đến hết tháng 10/2024 mới đạt hơn 40%).

Trong khi đó, đầu tư tư nhân đang tăng trưởng tốt so với cuối năm 2023, đầu năm 2024 , đạt gần 4%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế nước ngoài lẫn khu vực Chính phủ. Tuy vậy, con số này vẫn kém xa giai đoạn trước dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng trung bình về vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2017 - 2019 lên đến 14,7%.

Để kích thích đầu tư tư nhân trong bối cảnh cầu tiêu dùng còn thấp, các gói kích thích kinh tế đã hết, khó mà có tài khoá mở rộng như hai năm trước, trong khi chính sách thuế ngày càng thắt chặt, tôi cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh các chương trình liên quan đến bình ổn giá cả, thúc đẩy hàng Việt Nam chất lượng cao, “kích hoạt” những hàng hoá có giá trị gia tăng cao hơn, ví dụ hàng hóa đáp ứng các chuẩn mực mới về ESG và những chuẩn mực toàn cầu.

Nếu các doanh nghiệp tư nhân trong nước vượt qua được các rào cản để bắt tay thực thi ESG một cách thực chất, thì không những mở ra cánh cửa thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà còn đáp ứng thị trường trong nước vốn đang có những yêu cầu khắt khe hơn, đặc biệt là gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu tư tài chính xanh và bền vững.

Tôi cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cần thực chất hơn, vừa thúc đẩy nguồn cung, vừa hỗ trợ sức cầu, cụ thể là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giảm giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng, làm gia tăng giá trị nội địa trong hàm lượng hàng xuất khẩu, tránh tình trạng chúng ta trở thành bến đỗ để “rửa hàng hóa” sang các thị trường khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân cần nhất hiện nay là các hỗ trợ về thể chế. Quốc hội vừa thông qua dự thảo 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách, dự thảo Nghị quyết về thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại… Ông nhìn nhận ra sao về các chính sách này?

Theo tôi, cái mà doanh nghiệp cần nhất bây giờ là sự ổn định về chính sách. Trong khi các gói hỗ trợ trực tiếp không còn nhiều, chúng ta không nên có sự thay đổi đột ngột về chính sách thuế và phí, nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp có “bước đệm” để tăng trưởng, nhất là thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Thuế, phí nếu buộc phải tăng thì nên tăng thấp và có lộ trình từng bước.

Việc phải dùng một luật sửa nhiều luật như tại kỳ họp này, trước đó đã từng dùng một luật sửa 9 luật, theo tôi chỉ là giải pháp tình thế để tháo gỡ nhanh những bất cập về pháp lý hiện tại. Về lâu dài, chúng ta cần hướng đến mục tiêu các đạo luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hạn chế việc luật ra đời khó đi vào cuộc sống, nhanh phải sửa đổi.

Quan trọng hơn, việc cải cách thể chế cần khắc phục được tình trạng chồng chéo, ôm đồm của các lĩnh vực quản lý mà hậu quả như chúng ta từng nói là một thỏi sô-cô-la phải “cõng” mấy chục cái giấy phép cùng nhiều đầu mối quản lý. Bây giờ vẫn còn tình trạng tương tự như vậy, quy định vẫn đan xen, chồng chéo và có thêm tình trạng cán bộ sợ sai nên đi xin ý kiến lòng vòng, cuối cùng làm mất thời gian, chi phí và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Mất cơ hội là cái mất lớn nhất. Thời gian qua, chúng ta “xây tổ để đón đại bàng” là các tập đoàn nước ngoài đến đầu tư, nhưng vì hồ sơ, thủ tục phức tạp, các “đại bàng” bay dập dờn, loay hoay rồi đỗ sang Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…, đó là một sự lãng phí rất lớn.

Minh Minh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục