Đầu tư tư nhân 2017: điều gì đang chờ đợi?

(ĐTCK) Grant Thornton Vietnam vừa công bố bản báo cáo khảo sát về lĩnh vực đầu tư tư nhân được thực hiện vào tháng 4/2017. Dưới đây là một số kết quả khảo sát đáng chú ý.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Có 78% ý kiến khảo sát cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong vòng 12 tháng tới sẽ tiến triển tích cực hơn. Đứng trước viễn cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ thất bại, nhiều nhà đầu tư tư nhân cho rằng, không có TPP cũng không ảnh hưởng đáng kể, vì hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại trong 16 hiệp định thương mại tự do với các nước như Hàn Quốc, EU, Nga, các nước ASEAN.

Mức độ hấp dẫn cao thứ hai ASEAN

87% ý kiến dự đoán, các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong vòng 12 tháng tới. Với tổng vốn FDI đăng ký lớn, kỳ vọng về dòng đầu tư FDI từ những nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tăng mạnh trong năm 2017. Việc ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do cùng với sự thành lập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội đầu tư hơn cho Việt Nam.

Phần lớn ý kiến khảo sát cho rằng, mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam là “hấp dẫn” và “rất hấp dẫn”. Đội ngũ lao động dồi dào, chi phí thấp, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu là các yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Trong cuộc khảo sát này, Việt Nam được đánh giá có mức độ hấp dẫn đầu tư cao thứ hai ASEAN, chỉ sau Myanmar.

70% số người tham gia khảo sát dự đoán, trong 12 tháng tới, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ ở trong tình trạng “nhiều người mua hơn người bán”. Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ là nguồn cung cấp chính cho các thương vụ đầu tư. Với chủ trương hiệu quả và minh bạch, các hoạt động cổ phần hóa trong năm 2017 được kỳ vọng sẽ tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, dù công tác cổ phần hóa được đẩy mạnh.

Quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đứng đầu danh sách về cạnh tranh trong các giao dịch M&A.

Các ngành hấp dẫn đầu tư

Việt Nam với dân số 94,9 triệu người và sự phát triển nhanh của tầng lớp trung lưu, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và lối sống phương Tây, ngành thực phẩm và đồ uống được dự đoán sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng và đón nhận dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài.

Ngành bán lẻ giữ vững vị trí thứ hai với sự phát triển của các chuỗi cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối đã thu hút được sự chú ý của những “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ quốc tế.

Ở vị trí thứ ba, y tế và dược phẩm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong chi tiêu cùng sự quan tâm đáng kể về nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Sự hấp dẫn của ngành vận chuyển và kho vận đã tăng lên sát ngành y tế và dược phẩm. Tuy vậy, có không ít trở ngại cho ngành vận chuyển và kho vận phát triển, chẳng hạn hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu kém, khả năng cạnh tranh thấp của nhiều công ty trong nước, quy trình thủ tục hải quan phức tạp và chi phí vận hành cao.

Những cân nhắc về đầu tư

Minh bạch trong hoạt động được xem là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến ý định đầu tư. Lịch sử và dự báo tăng trưởng đạt mức thứ hai. Dòng tiền được đánh giá là yếu tố quan trọng thứ ba khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch tiếp tục là hai nỗi quan ngại lớn nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Môi trường có tính minh bạch thấp, cần có biện pháp cải thiện nhanh trong khía cạnh này để giúp nhà đầu tư vững tin khi kinh doanh ở Việt Nam.

Về các yếu tố thành công chủ chốt, cơ hội ngành được chọn là chìa khóa thành công cho những thương vụ đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế giữ vị trí thứ hai và gia tăng cơ hội đầu tư lọt vào nhóm ba yếu tố lớn nhất quyết định thành công của giao dịch.

Ngược lại, sự khác biệt trong kỳ vọng về giá trị luôn là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc hoàn thành một giao dịch. Trong lần khảo sát này, yếu tố từ chối chia sẻ rủi ro giao dịch vươn lên vị trí thứ hai trong các yếu tố khiến thương vụ đầu tư thất bại. Các nhà đầu tư quan ngại sự thiếu trách nhiệm của đối tác đầu tư trong quá trình thực hiện giao dịch.

Tăng trưởng qua M&A nhận được nhiều ý kiến đồng ý từ các thành viên tham gia khảo sát. Kỳ vọng vào giá trị cộng hưởng từ các giao dịch M&A của các nhà đầu tư đang gia tăng.

Các lĩnh vực điều hành mà nhà đầu tư muốn tham gia tại các công ty đầu tư trước hết là quản trị doanh nghiệp, tiếp theo là kế hoạch tài chính. Liên quan đến quản trị doanh nghiệp, các cơ quan quản lý đang nỗ lực giúp đỡ các công ty cải thiện lĩnh vực này. Văn bản pháp luật về quản trị doanh nghiệp đang được khẩn trương hoàn thiện, dự tính sẽ được ban hành vào giữa năm 2017.

Đối với khả năng tiếp cận nguồn vốn, số lượng ý kiến đánh giá khả năng tiếp cận nguồn vốn là “rất khó tiếp cận” và “tương đối khó tiếp cận” vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy, lĩnh vực này cần sự hỗ trợ và giải pháp từ phía Nhà nước. 55% số người tham gia khảo sát cho rằng, lãi suất vay sẽ tăng nhẹ trong năm 2017.

Hệ số thoái vốn giảm

Khảo sát năm nay ghi nhận mức từ 5x đến 10x EBITDA là hệ số nhân thoái vốn được lựa chọn nhiều nhất (EBITDA là lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao). Tuy nhiên, tỷ lệ lựa chọn giảm 19% so với khảo sát trước. Trong khi đó, mức hệ số thoái vốn thấp hơn - từ 3x đến 5x EBITDA - có tỷ lệ lựa chọn tăng từ 15% lên 29%, cho thấy mức hệ số thoái vốn mà nhà đầu tư dự đoán đang giảm.

62% nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng, phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là chiến lược thoái vốn hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tư nhân. Với những rào cản về sở hữu nước ngoài được dỡ bỏ, thị trường chứng khoán sẽ là kênh thoái vốn tiềm năng.

Bán cho nhà đầu tư trong ngành là hướng thoái vốn được ưa chuộng thứ hai.

Grant Thornton Vietnam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục