Chứng khoán liệu có lập lại kịch bản giảm sâu năm 2009 sau đỉnh năm 2007?
Theo dõi số liệu VN-Index trong 5 năm gần đây cho thấy, mức thấp nhất của chỉ số này là 304 điểm (22/4/2009) và cao nhất là 633 điểm (23/10/2009). Trong 4 tháng đầu năm 2014, nhiều lúc tưởng chừng như mức cản (633 điểm) trong 5 năm gần đây sẽ bị phá vỡ khi tổng giá trị giao dịch (2 sàn) thường trên 3.000 tỷ đồng/phiên.
Ngược trở lại kịch bản chứng khoán trong thời kỳ bùng nổ tại Việt Nam những năm 2005 - 2007, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về sự giàu có bất thường (nhưng hợp pháp) của các “tay chơi” chứng khoán. VN-Index tăng lên gần 1.200 điểm, bất chấp sụp đổ của TTCK Thượng Hải, Trung Quốc trước đó và phản ứng sụp đổ dây chuyền trên toàn cầu. Sự tuột dốc thê thảm của VN-Index cho tới nay, sau 8 năm, chưa có chuyên gia nào dám khẳng định khi nào đạt tới và tại sao chưa thể đạt được hơn 800 điểm ít nhất trong năm 2014 này?
Lịch sử giao dịch của chỉ số DowJones (DJIA) cũng thăng trầm không kém trong 6 năm trở lại đây khi đạt đỉnh năm 2008 với 12.000 điểm, để rồi năm sau đó 1 năm mất 50% giá trị còn 6.470 điểm và hiện nay đang chinh phục mức cao mới trên 16.000 điểm.
Có một sự trùng hợp lỳ lạ giữa chỉ số DJIA cũng như cách giải thích chỉ số VN-Index trong gần 10 năm vừa qua là một khi cung tiền tăng, tất yếu chứng khoán tăng, bất kể tin tức về kinh tế xấu hay tốt. Có thể nói, cung tiền trên mọi phương thức như hạ lãi suất, hạ dự trữ bắt buộc, tăng mua trái phiếu chính phủ/kho bạc là những công cụ truyền thống trên thị trường mở đều tác động làm chứng khoán tăng và ngược lại.
Vậy năm 2014, Việt Nam có nên cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy TTCK khi VnN-Index đã tăng gần 20% tính từ đầu năm và tăng 25% tính tròn 1 năm trước đây? Nếu VN-Index đảm bảo tăng gần 60% so với đầu năm thì chỉ số này có khả năng đạt mốc 800 điểm (so với 504 điểm vào đầu năm 2014). Bên cạnh đó, chủ trương kiềm chế lạm phát trong khoảng 6 - 6.5 %/năm của Chính phủ, các chế định về đầu tư công và “cục máu đông” nợ xấu là bài toán không dễ để Chính phủ cung tiền dễ dàng.
Do đó, theo dõi 4 tháng đầu năm nay, số tài khoản mới tăng nhưng phần lớn là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn đầu tư vài trăm triệu đồng và cổ phiếu lùng mua là cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, có thị giá thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng theo hệ số bê ta thị tường khá cao đang dần hình thành một chu kỳ mới không chắc chắn. Các quỹ đầu tư lớn, trường vốn, nắm nhiều thông tin cộng với các NHTM sẽ là những đầu tàu dẫn đường đi của chỉ số chứng khoán từ nay đến cuối năm.
Vàng khó tạo sóng trong năm nay, nhưng không mất đi tính hấp dẫn
Thị trường bất động sản sẽ "ấm" dần trở lại?
Nhu cầu nhà ở đối với phần đông người lao động thành thị có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/hộ gia đình đang rất lớn. Ngoài ra, nguồn tiền từ kiều hối, từ những người đi xuất khẩu lao động cũng tạo nguồn cầu nhà ở cho chính họ sau này.
Tuy vậy, để có thể đầu tư trên thị trường bất động sản trong 2014 không thể có chuyện lướt sóng, bởi lẽ, với phân khúc như đã nói thì không dễ tạo lực cầu thực sự để giải phóng hết khối hàng tồn kho với hàng trăm ngàn căn hộ và nhà liền kề tại một số trung tâm đô thị lớn, chưa tính khu vực vùng ven.
Mức giá 12 triệu đồng/m2 và diện tích tối thiểu 60 m2, cần tới gần 800 triệu đồng cho 1 căn hộ. Nếu như dùng hẳn 30% thu nhập để mua căn hộ này và 70% đi vay trả góp, phải mất hơn 20 năm mới có thể hoàn trả xong.
Liệu giá có thể giảm thêm để đáp ứng được phân khúc thu nhập trung bình của các cư dân thành thị và những người đang làm việc tại nước ngoài? Câu trả lời là rất khó, bởi giá hình thành từ giá trị vật liệu xây dựng vốn đã cao, chi phí để có 1 m2 đất sạch cộng với thủ tục xây dựng cũng không nhỏ. Nhưng quan trọng hơn là lãi vay đối với các chủ đầu tư. Thông thường, các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy ít nhất là từ 2 lần trở lên, do đó, chi phí vốn chiếm tỷ trọng khá lớn trong thời kỳ lãi suất khủng 2010 - 2012.
Theo ước tính sơ bộ, chỉ riêng tiền lãi trong 3 năm 2010 - 2012 có thể chiếm tới gần 50% giá thành của căn hộ. Nếu dự án nào có tiền góp của người mua nhà nhiều hơn và tỷ lệ vay ít hơn thì lãi phải trả ít hơn, nhưng việc thế chấp chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của dự án cũng làm cho thanh khoản của các căn hộ hay đất dự án trở nên khó khăn hơn trong thủ tục chuyển nhượng. Điều này cũng làm giảm động lực cho người có khả năng mua nhà thực sự và giảm thanh khoản cho nhà đầu tư khác, một khi chủ đầu tư không còn quyền tự quyết 100% đối với dự án của mình.
Có thể nói, khả năng đầu tư ngắn hạn trong năm 2014 của thị trường bất động sản khó mang lại lợi tức cụ thể, một khi dòng tiền (dài hạn) với lãi suất hạ chưa đủ mạnh để gỡ bỏ các "cục máu đông" làm tồn kho (giá cao) hàng trăm ngàn sản phẩm dở dang. Thực tế, nguy cơ đến nỗi Bộ Xây dựng mới đây dự đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương ngưng cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014!
n Đầu tư vào vàng và các tài sản có giá khác?
Có thể nói, từ sau Nghị định 24/2012/CP (NĐ 24) về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng rơi vào thời kỳ khó khăn thật sự. Từ hơn 12.000 điểm thu gom và phân phối vàng miếng các loại, giờ chỉ còn hơn 2.000. Sau ngày 28/3/2013 chỉ còn 1 nguồn cung vàng miếng duy nhất là NHNN đã làm cho thị trường vàng kém hẳn tính thanh khoản, vốn là bản chất của vàng.
Nếu so sánh với biến động của vàng trước khi Nghị định 24 ra đời, người đầu tư vàng dễ dàng kiếm lợi nhuận do các con sóng vàng thường xuyên đến và đi. Con sóng dễ dàng lan toả rộng ra cho những người có ít tài sản muốn gửi gắm vào vàng và cơn sóng đó lại tiếp tục cuốn thêm những cá nhân, tổ chức mong muốn đầu cơ thật sự vào vàng. Trong thời kỳ này, giao dịch vàng, cả vật chất và trên sàn, mang lại không ít niềm vui và nỗi đau cho người chơi (cá nhân, tổ chức). Do không được quản lý rủi ro chặt chẽ, kinh doanh vàng trên sàn vốn là một thuộc tính cơ bản của thị trường hàng hoá đặc biệt này trở nên rủi ro, dẫn đến kết cục phải thực thi lệnh cấm hẳn của Chính phủ từ ngày 31/3/2010.
Tuy vậy, với bản chất của loại tài sản đặc biệt này, vàng vẫn chưa bao giờ mất tính hấp dẫn vốn có của nó từ hơn 3.000 năm nay. Ngoài chức năng tiền tệ vốn gắn chặt với chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, khu vực Euro, Nhật Bản và Trung Quốc, giá vàng còn phản ánh nhạy cảm một khi có biến động địa chính trị diễn ra có liên quan đến đồng USD trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng tại Ucraina đang diễn ra là một ví dụ khi giá vàng bỗng nhiên tăng vọt. Sau khi khủng hoảng tạm lắng và giá vàng giảm xuống, nhưng rồi bật lên trở lại do "khẩu chiến" Nga - Mỹ bùng lên khi một số khu vực Đông Ucraina cũng muốn theo chân Crime đòi trưng cầu sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vốn đã khó dự báo khi gắn vào nhiều yếu tố khó định lượng theo giá vàng thế giới như trên thì hiện nay lại càng khó tạo được sóng.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |