Đầu tư Thương mại SMC: Quý II/2022, lợi nhuận giảm 91,9% về 42,45 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC - sàn HoSE) ghi nhận lợi nhuận quý II/2022 giảm mạnh do giá thép tiếp tục giảm mạnh.
Đầu tư Thương mại SMC: Quý II/2022, lợi nhuận giảm 91,9% về 42,45 tỷ đồng

Theo đó, trong quý II/2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 6.620 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 42,45 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 11,6% về chỉ còn 3,1%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 70,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 487,7 tỷ đồng về 205,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 772,2%, tương ứng tăng thêm 97,3 tỷ đồng lên 109,9 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20,6%, tương ứng tăng thêm 13,7 tỷ đồng lên 80,19 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 24,85 tỷ đồng lên 12,42 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 12,43 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 13.250,3 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 122,99 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.

Đầu tư Thương mại SMC cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, giá thép xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng nhiều đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng giảm giá tồn kho.

Năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC đặt mục tiêu doanh thu là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 67% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Đầu tư Thương mại SMC tăng 23,3% so với đầu năm lên 11.103,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.631,6 tỷ đồng, chiếm 32,7% tổng tài sản; tồn kho đạt 3.371,5 tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.274,4 tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, tồn kho tăng 32,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 827 tỷ đồng lên 3.371,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 27,1%, tương ứng tăng thêm 773,5 tỷ đồng lên 3.631,6 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong năm, Công ty chỉ ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá tồn kho 118,7 tỷ đồng, tới 30/6/2022 đã tăng lên 170 tỷ đồng, tức tăng trích lập thêm 51,3 tỷ đồng.

Phải thu của khách hàng ngắn hạn SMC tính tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Phải thu của khách hàng ngắn hạn SMC tính tới 30/6/2022 (Nguồn: BCTC).

Thêm nữa, trong kỳ Công ty đã tăng khoản phải thu của khách hàng. Trong đó, khách hàng trong nước tăng thêm 705,3 tỷ đồng lên 2.870,8 tỷ đồng.

SMC đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu và đồng thời trích lập dự phòng giảm giá tồn kho (Nguồn: BCTC).

SMC đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu và đồng thời trích lập dự phòng giảm giá tồn kho (Nguồn: BCTC).

Đối với tồn kho, biến động lớn nhất là Công ty tăng nguyên vật liệu thêm 658,4 tỷ đồng lên 1.955,6 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu SMC giảm 200 đồng về 18.650 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục