CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG – sàn HNX) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022.
Theo đó, trong quý I/2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 224,68 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 64,54 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,6% và 94,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22% về còn 21%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng thêm 4,46 tỷ đồng lên 47,24 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 379,9%, tương ứng tăng thêm 56,27 tỷ đồng lên 71,08 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 892,4%, tương ứng tăng thêm 7,05 tỷ đồng lên 7,84 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 6,53 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 45,6%, tương ứng giảm 6,81 tỷ đồng về 8,13 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý đầu năm, công ty ghi nhận 31,27 tỷ đồng so với cùng kỳ 27,05 tỷ đồng, tương ứng tăng 15,6% so với cùng kỳ (tăng thêm 4,22 tỷ đồng).
Như vậy, lợi nhuận cốt lõi tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 94,3%, nguyên nhân chính do trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu tài chính đột biến và lãi công ty liên doanh, liên kết so với cùng kỳ không ghi nhận.
|
Cơ cấu doanh thu quý I/2022 của TIG (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh thêm doanh thu tài chính tăng chủ yếu do ghi nhận lãi từ thoái vốn 45,2 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; lãi tiền gửi, tiền cho vay, phí UTĐT là 25,9 tỷ đồng so với cùng kỳ 1,8 tỷ đồng…
Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 107,9 tỷ đồng, công ty hoàn thành 30,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mặc dù công ty ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, nhưng dòng tiền kinh doanh chính lại âm. Cụ thể, trong kỳ dòng tiền kinh doanh chính âm 83,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 133,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 215 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 30 triệu đồng.
Như vậy, công ty công ty đã thu hẹp hoạt động đầu tư để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, kể từ năm 2017 tới nay, Công ty chỉ có hai năm dòng tiền âm là năm 2017 âm 56,3 tỷ đồng và năm 2019 âm 50,68 tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền kinh doanh chính âm 83,4 tỷ đồng trong quý I/2022 là kỷ lục từ năm 2017 tới nay.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Đầu tư Thăng Long giảm 3,3% so với đầu năm về 3.403,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản công ty chủ yếu các khoản phải thu dài hạn đạt 850,6 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 696,6 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 579,1 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản; tồn kho đạt 415,3 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, tồn kho tăng 43,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 125,8 tỷ đồng lên 415,3 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn tăng 71,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 291,2 tỷ đồng lên 696,6 tỷ đồng…
|
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của TIG tính tới 31/3/2022. (Nguồn: BCTC). |
Công ty có thuyết minh thêm biến động đầu tư tài chính dài hạn, trong kỳ ghi nhận 214,99 tỷ đồng đầu tư vào Công ty Đầu tư Phát triển Bất động sản và Năng lượng tái tạo Việt Nam so với đầu năm không ghi nhận; ghi nhận đầu từ CTCP Đầu tư Tòa nhà Công nghệ Xanh TIG - HDE là 76,1 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận. Như vậy, trong kỳ công ty bất ngờ ghi nhận đầu tư thêm vào 2 công ty liên kết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/5, cổ phiếu TIG giảm 800 đồng về 14.800 đồng/cổ phiếu.