Đầu tư sản xuất ô tô: Tư nhân chiếm ưu thế?

(ĐTCK-online) Vào tháng 9 tới, Nhà máy ô tô Veam Thanh Hoá của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (Veam) sẽ bắt đầu hoạt động với sản phẩm đầu tiên được giới thiệu là xe tải. Sự ra đời “muộn màng” này khiến nhiều người e ngại cho sự phát triển của Veam Thanh Hoá trong tương lại, bởi thị trường ô tô tải giờ đây đã rõ mặt anh tài.

Trước đó, vào tháng 7 năm 2004, khi tiến hành lễ động thổ xây dựng nhà máy ô tô Veam Thanh Hoá, các quan chức của Veam tuyên bố: “Sau 18 tháng nữa sẽ đưa nhà máy vào sản xuất, cung ứng ôtô cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc. Khi nhà máy hoạt động có hiệu quả, VEAM sẽ bán 49% cổ phần của nhà máy một cách rộng rãi”. Nhưng gần 3 năm trôi qua, chiếc ô tô đầu tiên xuất xưởng tại đây vẫn chưa được định ngày chính thức!

Với dây chuyền khá hoàn chỉnh được mua lại từ nhà máy ô tô Samsung bị phá sản, Veam Thanh Hoá được kỳ vọng sẽ tạo ra một “hơi thở mới” cho các doanh nghiệp quốc doanh tham gia vào lắp ráp xe tải. Tuy nhiên, phát huy được đầu tư  đồng bộ và bài bản trên thị trường đang cạnh tranh rất sôi động, với sự tham gia và chiếm lĩnh thị phần của các doanh nghiệp tư nhân có cơ chế linh hoạt, rõ ràng không phải là ưu điểm của các doanh nghiệp quốc doanh. Ngay kể cả sản phẩm ô tô tải Maz đang lắp ráp tại Nhà máy ô tô Cổ Loa của Veam, tuy bán được hàng, nhưng số lượng vẫn còn khá khiêm tốn, với cỡ 50 - 70 chiếc từ đầu năm tới nay.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) là một ví dụ khác. TKV từng là doanh nghiệp trong nước duy nhất lắp ráp xe tải nặng, với thị trường là chính các doanh nghiệp ngành than đang phát triển nhanh về sản lượng. Nhưng hoạt động của mảng lắp ráp ô tô của TKV vẫn chưa khởi sắc, thậm chí là rất đuối. Vậy nên, Khu công nghiệp ô tô của TKV tại Chu Lai, dù đã động thổ rất rầm rộ, cuối cùng phải chuyển sang sản xuất kính xây dựng, mặt hàng cũng đang lâm vào cảnh cung lớn cầu.

Cho đến nay, thị trường ô tô trong nước có sự tham gia của khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tải, xe khách. Nhưng vượt trội lên trên hết mới chỉ có Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) và Xí nghiệp tư doanh Xuân Kiên (Vinaxuki). Chỉ trong nửa năm nay, số lượng xe mà hai doanh nghiệp này bán ra, theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), đã xấp xỉ 10.000 chiếc ô tô tải.

Bên cạnh dòng xe tải Kia Hàn Quốc rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam , Thaco đang khẳng định thêm vị trí của mình, trên những sản phẩm xe tải thương hiệu Thaco. Thaco cũng chính thức bước vào thị trường xe du lịch khi trở thành nhà phân phối sản phẩm này cho Kia tại Việt Nam . Nhà máy lắp ráp xe du lịch Kia, mới được Thaco khởi công xây dựng tại Chu Lai, dự tính sẽ ra mắt những sản phẩm đầu tiên vào đầu năm 2008. Những bước đi trong lĩnh vực ô tô của Thaco được xem là khá bài bản, khi xuất phát điểm của Thaco là kinh doanh xe tải cũ nhập khẩu từ cách đây 10 năm.

Lặng lẽ hơn, nhưng đầu tư mạnh mẽ nhất trong số các doanh nghiệp làm ô tô, phải kể tới Vinaxuki. Dù tới 9/2005, doanh nghiệp này mới chính thức trình làng những sản phẩm ô tô tải đầu tiên, nhưng tới nay, các đại lý hay người tiêu dùng đều phải thừa nhận rằng, Vinaxuki thực sự nỗ lực để trụ vững trên thị trường.

Đầu tư chiều sâu, không ngại tốn kém để phát triển theo từng bước cơ bản, là con đường mà Vinaxuki đang làm. Nhà máy ô tô của Vinaxuki vừa hoàn tất việc dập ép và tán thành công loại chassis xe tải có biên dạng phức tạp bằng thép hợp kim tital, qua một lần dập trên máy PLC điều khiển kỹ thuật số có lực dập 2.000 tấn, dưới sự giám sát và kiểm tra của chuyên gia Trung Quốc và Nhật Bản. Thành công này đã gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước của một số model xe tải của Vinaxuki lên trên 40%, tỷ lệ nội địa hoá cao nhất hiện nay. Đây có thể coi là một bước phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bởi trước đó, một số doanh nghiệp trong nước như Hoa Mai, Chiến Thắng cũng sản xuất được khung xe, nhưng là dập từng mảng trên máy dập công suất nhỏ, rồi hàn ghép thành mảng lớn.

Thanh Hương
Thanh Hương

Tin cùng chuyên mục