Thông tin trên được ông Phan Đức Hiếu chia sẻ tại tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10.
Ông Hiếu cho biết, đọc thông tin trên báo chí có tít bài đưa lên rằng địa phương đua nhau làm sân bay. Về vấn đề này, cần nghĩ lại. Ông cho rằng, việc địa phương đề xuất là nhu cầu chính đáng với mong muốn phát triển địa phương và phải tôn trọng việc đó còn việc quyết định cần khoa học, hệ thống và dài hạn. Như tỉnh Lào Cai, rất nhiều lãnh đạo qua các thời kỳ đều trăn trở đầu tư xây dựng sân bay để phát triển tỉnh, kết nối với cả vùng, kết nối quốc tế.
"Từ bài học quốc tế, chúng ta nhìn nhận lợi ích của sân bay không chỉ dừng lại hiệu quả sân bay có lỗ hay có lãi mà có lợi ích trực tiếp, gián tiếp và phát triển kinh tế - xã hội. Lào cai có phát triển từ đô thị, logistics, du lịch. Tôi cho rằng, để quyết định đánh giá phát triển sân bay cần nhìn theo lợi ích tổng thể, và lợi ích tiềm năng và các vấn đề xã hội khác (thiên tai bão lũ, hỗ trợ)", ông Hiếu nhấn mạnh.
Hiện tại, mặc dù nhu cầu chính đáng của địa phương, nhưng ông Hiếu mong muốn các địa phương cần tính toán rất thực chất, rất kỹ càng các bài toán về phát triển sân bay mọi tính toán có thể có sai số, nhưng càng tính kỹ sai số giảm đi.
Theo ông Hiếu, nên tính toán làm sao có mô hình kế hoạch đầu tư khai thác càng rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. Ngay cả khi quy hoạch phê duyệt và triển khai quy hoạch. Nên triển khai từ sớm rất quan trọng trong tham gia các ý kiến của các chuyên gia, nhà phát triển. Việc cự ly giữa các sân bay chỉ là một yếu tố để cân nhắc chứ không phải là loại trừ. Một địa phương có các sân bay có thể ngồi lại tham vấn với nhau, thảo luận kỹ vì có sân bay có thị trường khác nhau, có thị trường bổ trợ nhau.
Theo ông, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để phát triển sân bay địa phương là vấn đề quan trọng. Có hai bài toán cần giải: Thứ nhất là bài toán về nhu cầu địa phương và thứ hai là bài toán tổng thể quy hoạch quốc gia.
"Tiêu chí lựa chọn sân bay đã có, tuy nhiên tôi mong muốn mọi vấn đề cần minh bạch, công bằng để làm sao địa phương này được và địa phương khác không được, tránh có sự ấm ức. Nên có tiêu chí xác định ưu tiên, mặc dù các tiêu chí đã công khai để địa phương không được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ không ấm ức", ông Phan Đức Hiếu cho hay.
Ông cũng đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển cụm cảng hàng không sân bay sớm được quyết định, vì các tỉnh đang trong giai đoạn cần hoàn chỉnh quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho mình.
Ngoài nỗ lực của địa phương, quốc gia cũng cần có chính sách thuận lợi cho sớm khai thác và cơ hội phát triển của sân bay nhỏ khi tận dụng máy bay nhỏ, máy bay bằng động cơ điện trong tương lai.
Hiện nay, có nhiều “hòn ngọc” vẫn chưa có đầy đủ cơ hội tỏa sáng hết mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, trải dài từ địa đầu Tổ quốc đến cực Nam đất nước. Nhiều trang tư vấn du lịch tên tuổi trong và ngoài nước và rất nhiều nhân vật trải nghiệm nổi tiếng đều đã gọi tên hàng loạt điểm đến hấp dẫn, mà trong số đó có không ít những danh lam, thắng cảnh, địa danh lịch sử nằm ở những địa bàn xa xôi cách trở, chưa được kết nối với mạng lưới cao tốc, đường không và đường sắt.
Đảo ngọc Phú Quốc trong vòng một thập niên qua, kể từ khi sân bay quốc tế tại đây chính thức đi vào hoạt động, hình ảnh một huyện đảo nghèo vào năm 2010 so với một đô thị đảo sầm uất, hiện đại, phát triển ngày hôm nay đã gợi ý rất nhiều về vai trò của hàng không trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương này.
Hay như câu chuyện của Hà Giang, theo các nhà chuyên môn, trong bối cảnh việc đầu tư các tuyến cao tốc kết nối địa phương này với Thủ đô có chi phí đầu tư rất lớn, thời gian xây dựng kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư ngay một sân bay có quy mô hợp lý với chi phí chỉ bằng vài chục cây số đường cao tốc có thể mang lại cú hích rất lớn trong thu hút đầu tư, đánh thức các tiềm năng, lợi thế du lịch.
Những câu chuyện tương tự cũng sẽ không khó để tìm ra ở những địa bàn miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long.