Đầu tư quý mới: Thích nghi, kiên nhẫn chọn cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau giai đoạn tăng gần 40% kể từ vùng đáy, TTCK đang bước vào nhịp điều chỉnh. Sự kiên nhẫn trong giai đoạn này là cần thiết. Các nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội mua cho một chu kỳ đầu tư mới trong trung và dài hạn.

Đợt suy thoái kinh tế thế giới lần thứ ba

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế và TTCK thế giới. Kinh tế suy thoái sâu trong năm 2020, nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021 nhờ các gói cứu trợ quy mô lớn của các ngân hàng trung ương (NHTW) và chính phủ các nước.

Kinh tế toàn cầu trải qua đợt suy thoái thứ ba trong vòng hơn 20 năm qua, nhưng đặc điểm của lần suy thoái này hoàn toàn khác về mặt bản chất so với trước. Bản chất của suy thoái kinh tế do bong bóng Dotcom đến từ việc bong bóng trên thị trường cổ phiếu với các cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ. Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007 - 2008 với bản chất là bong bóng nhà đất đã tạo ra cuộc khủng hoảng gây đổ vỡ hàng loạt ở hệ thống ngân hàng khiến nhu cầu tín dụng thu hẹp, giá cổ phiếu giảm trên quy mô lớn. Còn suy thoái do dịch Covid-19 bản chất là do dịch bệnh gây đình trệ các hoạt động kinh tế, gián đoạn sản xuất cũng như chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại, kinh tế sẽ dần hồi phục.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các NHTW trên thế giới đã hạ lãi suất 187 lần với mức cắt giảm tích lũy toàn cầu lên đến 14.943 điểm cơ bản. ECB và các NHTW của Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thụy Điển nằm trong số những NHTW không cắt giảm lãi suất do các mức lãi suất chính sách của họ đã bằng hoặc thấp hơn 0%. Tuy nhiên, các NHTW này vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ qua các công cụ khác.

Đầu tư quý mới: Thích nghi, kiên nhẫn chọn cơ hội ảnh 1

Bên cạnh hạ lãi suất, các NHTW bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính, triển khai nhiều chương trình cho vay và mua trái phiếu (của cả chính phủ và doanh nghiệp) với lượng cung tiền khổng lồ ra thị trường, giúp chặn đứng đà lao dốc của TTCK, duy trì hoạt động ổn định của các thị trường tài chính và ngăn chặn suy thoái kinh tế. Nhờ đó, TTCK toàn cầu nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ, bất chấp các dữ liệu kinh tế chưa theo kịp đà tăng của cổ phiếu.

Việt Nam dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế

Kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm nay. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều ngành nghề, nhưng tình hình kinh tế vĩ mô tích cực trước khi dịch bệnh xảy ra cùng với công tác chống dịch hiệu quả giúp Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương năm nay.

Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng kinh tế cải thiện rất khả quan, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, thể hiện qua các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nợ công/GDP đều không có biến động lớn và cơ bản được giữ trong mức an toàn.

Đầu tư quý mới: Thích nghi, kiên nhẫn chọn cơ hội ảnh 2

Bên cạnh đó, Quốc hội và Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích tiêu dùng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, cung cấp các khoản trợ cấp cho cá nhân, hộ gia đình, cũng như đẩy mạnh các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ dần hồi phục từ nửa sau năm 2020 và quay lại lộ trình tăng trưởng bền vững từ năm 2021.

TTCK điều chỉnh sau khi hồi phục mạnh là cần thiết và hợp lý

Từ đầu tháng 4/2020, TTCK Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới” với thanh khoản gia tăng, được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như xu hướng nới lỏng của các NHTW trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng gần 40% kể từ vùng đáy, TTCK đang bước vào nhịp điều chỉnh khi xu hướng gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới quay trở lại, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sẽ bộc lộ rõ ảnh hưởng từ dịch Covid-19...

Chúng tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện tại khi dòng tiền phân hóa, tập trung vào các nhóm ngành có kết quả kinh doanh quý II khả quan. Đây sẽ là vùng tích lũy của thị trường trước khi bước vào một nhịp tăng tiếp theo.

Nhà đầu tư đang dần thích nghi với bối cảnh kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, mức định giá cân bằng xoay quanh ngưỡng P/E 12,5 lần, cận trên là mức 15,1 lần và cận dưới là 10 lần. Do vậy, sự kiên nhẫn trong giai đoạn này là cần thiết. Các nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội mua tại vùng định giá hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới trong trung và dài hạn.

Đầu tư quý mới: Thích nghi, kiên nhẫn chọn cơ hội ảnh 3

Dự báo thị trường nửa cuối năm 2020

Kinh tế và TTCK rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật thì vùng hỗ trợ P/E là 10 lần, khá sát với vùng đáy của chỉ số
VN-Index trong thời điểm cuối tháng 3 ở ngưỡng 650 điểm. Do vậy, khả năng cao là chỉ số dao động quanh vùng cân bằng 780 điểm, tương ứng mức P/E 12,5 lần.

Theo đó, nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại là vùng mua tiềm năng cho nhịp tăng có thể diễn ra trong quý IV/2020, khi các rủi ro về dịch bệnh giảm bớt và các nền kinh tế dần lấy lại đà hồi phục. Vùng hỗ trợ xoay quanh ngưỡng 780 điểm sẽ là vùng cân bằng tích lũy chọn lọc cơ hội ở những ngành tiềm năng.

Quan điểm đầu tư của MBS về các ngành chính trong nửa cuối năm 2020 như sau: tăng tỷ trọng lĩnh vực hàng tiêu dùng/bán lẻ, công nghệ, bất động sản, điện; giảm tỷ trọng ngành ngân hàng; còn lĩnh vực dầu khí, chúng tôi có quan điểm trung lập.

Cụ thể, với lĩnh vực hàng tiêu dùng/bán lẻ, nhu cầu cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và dược phẩm, các mặt hàng chăm sóc sức khỏe sẽ gia tăng. Ngược lại, các nhóm sản phẩm tiêu dùng cao cấp như trang sức, điện thoại, ô tô, quần áo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh đến năm 2021. Trong 6 tháng cuối năm 2020, nhu cầu tiêu dùng có khả năng hồi phục nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Kỳ vọng đến năm 2021, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp sẽ phản ánh triển vọng sáng hơn (MWG bắt đầu ghi nhận lãi trước thuế đối với chuỗi Bách hóa xanh, PNJ có sự tăng trưởng trở lại). Vì vậy, 6 tháng cuối năm 2020 là thời điểm phù hợp để xem xét tích lũy các cổ phiếu khi giá về vùng thấp tương ứng với kết quả kinh doanh 2020 và kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành quay trở lại từ năm 2021.

Trong lĩnh vực công nghệ, kết quả kinh doanh của FPT 5 tháng đầu năm 2020 có dấu hiệu chững lại khi dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, các ngành hoạt động đặc thù của FPT là một trong những ngành ít chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Cụ thể, mảng viễn thông sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu học và họp trực tuyến, xem truyền hình bản quyền tăng lên. Tốc độ tăng trưởng mảng xuất khẩu phần mềm trong 5 tháng đầu năm 2020 là 20%, thấp hơn so với mức tăng 38% của cùng kỳ năm 2019, nhưng FPT vẫn thể hiện năng lực cạnh tranh tốt. Statista dự báo, tăng trưởng mảng phần mềm toàn cầu giảm 10% trong năm 2020 và sẽ hồi phục từ năm 2021.

Với ngành bất động sản, trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt, kinh tế tăng trưởng dương với các cân đối vĩ mô ổn định, đầu tư công và đầu tư cơ sở hạ tầng được Chính phủ đẩy mạnh, nên triển vọng ngành trong dài hạn là tích cực. Dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của những dự án lớn và nhu cầu chung của ngành. Bất động sản chung cư và bất động sản khu công nghiệp có triển vọng tích cực trong ngắn và trung hạn. Riêng bất động sản bán lẻ, nghỉ dưỡng và cho thuê văn phòng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Đối với ngành điện, mặc dù các hoạt động kinh tế dần phục hồi sau giai đoạn cách ly xã hội, sản lượng điện thương phẩm tháng 5/2020 vẫn ở mức thấp hơn 4,19% cùng kỳ, do sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện và điện khí sụt giảm. Theo đó, EVN đã tăng huy động nhóm nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đối với nhóm thủy điện, dự phóng lợi nhuận năm 2020 giảm bình quân 51% so với năm 2019, trong đó kết quả kinh doanh kém khả quan trong 6 tháng đầu năm và cải thiện dần trong 6 tháng cuối năm. Sang năm 2021, kỳ vọng lợi nhuận các công ty thủy điện sẽ tăng 180% khi Việt Nam bước vào chu kỳ 2 năm thuận lợi về thủy văn. Về triển vọng trung hạn, các dự án điện gió nhiều khả năng sẽ được tập trung phát triển trong thời gian tới.

Với ngành dầu khí, từ tháng 5/2020, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại nhờ dỡ bỏ giãn cách xã hội và giá dầu trên thị trường quốc tế tăng lên, những khó khăn dường như tạm qua đi để các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội trong 6 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đối với các đơn vị kinh doanh sản phẩm khí và xăng dầu dựa trên nền tảng về nhu cầu tiêu thụ gia tăng ổn định trong nước như GAS, BSR, PLX.

Bên cạnh các ngành du lịch, hàng không, dệt may, gỗ, thủy sản… bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 thì ngành ngân hàng là kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Trong quý I và II/2020, nhiều ngân hàng phải hạch toán tăng chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu, đồng thời khoản phải thu gia tăng. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành để giảm áp lực cho các doanh nghiệp. Trong trung hạn, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách để các ngân hàng thương mại giãn nợ với khách hàng, qua đó có tác động tích cực lên các doanh nghiệp.

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, MBSecurities

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục