Đầu tư Phát triển đa quốc gia (IDI): Trong nguy có cơ

(ĐTCK) Nằm trong Top 3 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, đồng thời đang triển khai các dự án bất động sản có quy mô hàng trăm héc-ta, nhưng thị giá cổ phiếu IDI vẫn lẹt đẹt ở “chiếu dưới” ngành thủy sản.
Ngoài lĩnh vực chế biến thủy sản, IDI còn tham gia lĩnh vực bất động sản.

Lãi sụt giảm bởi dịch bệnh và chi phí vận chuyển tăng

Kết thúc quý III/2021, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI) cho thấy bức tranh kinh doanh không mấy khả quan trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chịu nhiều tác động bất lợi của dịch bệnh.

Cụ thể, trong quý III/2021, doanh thu thuần hợp nhất của IDI đã giảm 26,64% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.110,9 tỷ đồng, với sự sụt giảm đồng thời tại hai mảng có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là hàng hóa, thành phẩm cá tra và bột cá, mỡ cá với mức giảm lần lượt 31,64% và 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Thức ăn chăn nuôi là mảng duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng, với 11,87%, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của hai mảng nói trên.

Theo ông Lê Văn Chung, Tổng giám đốc IDI, giai đoạn quý III/2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, Công ty phải thực hiện sản xuất “4 tại chỗ” và chỉ duy trì được 30 - 40% công suất.

Tình hình còn khó khăn hơn khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính của IDI, siết chặt các quy định đối với thủy sản nhập khẩu do lo ngại vi rút lây lan qua các sản phẩm nhập khẩu.

Ở chiều ngược lại, điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp của cả ba mảng kinh doanh chính đều được cải thiện (mảng dịch vụ thua lỗ nhưng tỷ trọng đóng góp thấp) đã giúp biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 8,97% trong quý III/2021, tăng 1,46 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, qua đó, giúp lợi nhuận gộp của Công ty chỉ giảm 12,4%, thấp hơn phân nửa so với mức giảm của doanh thu.

Trong đó, thức ăn chăn nuôi vươn lên là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất với mức 14%, cùng kỳ năm trước chỉ 1,5%.

Do đặc thù xuất khẩu là hoạt động kinh doanh chủ lực, bên cạnh khó khăn từ dịch bệnh, IDI còn phải đối mặt với sự gia tăng phi mã của giá cước vận tải biển quốc tế, khiến chi phí vận chuyển trong kỳ của Công ty tăng 75,3%, qua đó, góp phần kéo giảm lợi nhuận dù các chi phí quản lý, chi phí tài chính nhìn chung đều được tiết giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, IDI chỉ thu về 15,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 56,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 9,9 tỷ đồng, giảm 69,1% so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp gia tăng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, IDI ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.311 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 57,98 tỷ đồng, giảm 20,2%.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, Hội đồng quản trị IDI đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức 6.900 tỷ đồng doanh thu và 162 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, triển vọng về đích kế hoạch kinh doanh cả năm đã đề ra là câu hỏi lớn khi mà kết thúc 2/3 chặng đường của năm 2021, IDI mới đạt 62,5% kế hoạch doanh thu và 35,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Triển vọng dần sáng hơn

IDI hiện quản lý Khu công nghiệp Sao Mai rộng gần 30 ha, được quy hoạch gồm Nhà máy Chế biến bột cá - mỡ cá xuất khẩu, Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai, Nhà máy tinh dầu ăn từ cá. Riêng mảng chế biến cá, IDI có hai nhà máy với 3 phân xưởng chế biến, tổng công suất 450 tấn cá nguyên liệu/ngày, 2 kho trữ hàng cấp đông có sức chứa hàng ngàn tấn.

Với lợi thế kho lạnh, báo cáo tài chính quý III/2021 của Công ty cho thấy, IDI đã dự trữ được 1.400 tỷ đồng giá cá tra giá rẻ (17.000 - 18.000 đồng/kg, hiện nay, tăng lên gần 24.000 đồng/kg). Trong quý IV/2021, triển vọng kinh doanh của IDI có thể sáng hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương, nới lỏng giãn cách xã hội, đặc biệt nhu cầu “ăn hàng” và giá cá xuất khẩu đang tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ Latinh chứng kiến tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra từ cuối năm 2021.

Đáng chú ý nhất trong đó là thị trường Mexico và Brazil. Kể từ nửa đầu tháng 10 đến giữa tháng 11/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng hơn 1,5 lần cùng kỳ năm trước, đạt 47,44 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu lương thực và thực phẩm của Brazil được dự báo tăng mạnh trong tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cá tra chủ đạo ở Brazil. Thị trường Mexico cũng có tốc độ tăng trưởng tương tự, thậm chí khả quan hơn.

IDI có thị phần lớn ở các thị trường này. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mexico chiếm hơn 22% tỷ trọng hàng xuất khẩu của Công ty. Theo chia sẻ của ông Chung, hiện đơn hàng xuất khẩu Công ty đã ký đủ đến hết quý II/2022. Với thị trường Mỹ Latinh, giá cá xuất khẩu hiện đạt xấp xỉ 4 USD/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP ước tính, giá cá tra của Việt Nam tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu thô có thể xảy ra trên diện rộng.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tạo ra các điểm nghẽn trong ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam và cả thế giới nói chung. Bởi thế, những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu dồi dào, chủ động trong khâu đầu vào sẽ có lợi thế lớn, đặc biệt là hưởng lợi từ giá cá tăng do thiếu cung. Xuất khẩu trong tháng 11 của ngành cá tra đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, lấy lại những gì đã mất trong 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội trước đó.

Với diện tích tự nuôi cá và nuôi liên kết của Công ty lên tới 400 ha (theo báo cáo thường niên của doanh nghiệp), trong đó, nông dân được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học và được thu mua sản phẩm đầu ra, IDI có thể chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy.

Thực tế trên có thể đem đến kỳ vọng về việc biên lợi nhuận gộp của Công ty tới đây tiếp tục cải thiện nhờ giá bán đầu ra tăng nhanh hơn so với giá nguyên liệu đầu vào.

Dòng tiền kinh doanh của IDI thặng dư 280,5 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, đảo chiều so với mức âm 633 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Một điểm tích cực khác trong bức tranh tài chính của IDI là dòng tiền kinh doanh của Công ty thặng dư 280,5 tỷ đồng sau 9 tháng, đảo chiều so với mức âm 633 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư này một mặt đáp ứng đáng kể nhu cầu đầu tư của Công ty, mặt khác có nguồn lực giúp Công ty giảm nợ vay.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ vay của IDI đã giảm 284 tỷ đồng. Dư nợ vay lớn của IDI chủ yếu để tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động, tập trung lớn vào các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tính đến 30/9/2021, số dư tiền và tương đương tiền của Công ty là 520,7 tỷ đồng, đồng thời còn 1.076 tỷ đồng các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.

Báo cáo thường niên của IDI cho biết, Công ty đã chi ra hơn 400 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng dự án bất động sản Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang với diện tích gần 130 ha. Theo kế hoạch, trong năm 2021, Công ty hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý để khởi công dự án vào đầu năm 2022 và có sản phẩm mở bán trong năm 2022.

Ngoài dự án tại An Giang, ông Lê Văn Chung cho biết, IDI đang thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị mới Sao Mai tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt và xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ).

Dự án có quy mô 180 ha, với tổng vốn đầu tư gần 2.470 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đang triển khai các thủ tục pháp lý cho dự án Khu dân cư tại Lấp Vò (Đồng Tháp) với quy mô trên 100 ha.

Cổ phiếu IDI đã có chuỗi tăng bất ngờ từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên 25.000 đồng/cổ phiếu, sau đó “đổ đèo” với thông tin Chủ tịch Công ty đăng ký bán ra 12,5 triệu cổ phiếu.

Dù ông Lê Thanh Thuấn giao dịch thỏa thuận ngay sau khi công bố với mức giá 19.000 đồng/cổ phần nhưng việc tăng nhanh - giảm sốc của cổ phiếu này thời gian qua, như diễn biến thường thấy ở những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, khiến không ít nhà đầu tư e ngại.

Nguyễn Đoàn - Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục