Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư được bung ra trong giai đoạn 2021-2025 để mở rộng mạng lưới đường cao tốc chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Chính phủ đang tập trung xây dựng hệ thống đường cao tốc, nhất là đoạn qua miền Trung. Trong ảnh: đường dẫn vào hầm đường bộ Đèo Cả Chính phủ đang tập trung xây dựng hệ thống đường cao tốc, nhất là đoạn qua miền Trung. Trong ảnh: đường dẫn vào hầm đường bộ Đèo Cả

Mở rộng mạch máu cao tốc

Từ hơn một tháng nay, các cán bộ thuộc Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) đang hối hả chuẩn bị những công việc cuối cùng để chính thức bàn giao hồ sơ Dự án Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cho UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk.

Cần phải nói thêm rằng, tại Quyết định số 17/QĐ - TTg ngày 28/7/2022 về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến cao tốc thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, 2/3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được Thủ tướng giao cho 2 địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện vai trò là cơ quan chủ quản.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 (Km0+00 - Km32) có tổng mức đầu tư dự kiến 5.632 tỷ đồng, được giao UBND tỉnh Khánh Hòa; Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, được giao UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần 2 (Km32 - Km69+500) trị giá 9.818 tỷ đồng, giao Bộ GTVT quản lý do đoạn tuyến này nằm trên ranh giới 2 tỉnh và phức tạp về địa chất, địa hình.

“Chúng tôi đang cố gắng thiết lập một cơ chế quản lý, vận hành chung giữa 3 đơn vị chủ quản dự án nhằm triển khai công trình một cách suôn sẻ nhất”, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nói.

Với chiều dài trên 117,8 km, tổng mức đầu tư lên tới 21.935 tỷ đồng, được Chính phủ ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn ngân sách, nếu Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cơ bản hoàn thành vào năm 2026, không chỉ mở ra cánh cửa ra biển ngắn nhất, thuận lợi nhất cho Tây Nguyên, mà còn tăng cường tính liên kết giữa 2 vùng kinh tế quan trọng của đất nước.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 và giao các ban quản lý dự án trực thuộc làm chủ đầu tư. Hiện công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng của 12 dự án thành phần này cho địa phương đã đạt 100%.

“Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc triển khai các công việc sau khi dự án đầu tư được phê duyệt và hướng dẫn công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; trong đó có yêu cầu các ban lập tiến độ chi tiết thực hiện công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dự toán và hoàn thành các thủ tục chỉ định thầu tư vấn trong tháng 7/2022 để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2022”, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, có tới 10/12 dự án thành phần được triển khai tại khu vực miền Trung với 2 phân đoạn chính là Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa). Tổng chiều dài của đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 qua miền Trung lên tới 620 km.

Nếu tính cả 565 km thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được Bộ GTVT triển khai thi công, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc La Sơn - Túy Loan, thì tổng chiều dài cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn miền Trung lên tới 1.200 km. Đây là một lợi thế hạ tầng giao thông tại khu vực miền Trung mà không có bất cứ khu vực nào trong cả nước có thể so sánh.

Tăng tính kết nối

Không chỉ gia tăng mạch máu cao tốc cho khu vực miền Trung, trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT còn dồn nguồn lực cho các dự án kết nối giữa Tây Nguyên với các đầu mối giao thông duyên hải Nam Trung bộ.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến nay, 4/5 quy hoạch quốc gia về GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định phải tạo ra được động lực, tạo đột phá, dư địa mới cho phát triển.

Một trong những điểm mới trong các quy hoạch này là việc Chính phủ đã chỉ đạo thay đổi tư duy phân bổ nguồn lực tránh dàn trải, lãng phí, tập trung toàn bộ nguồn lực đầu tư công, huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư những công trình có tính chất lan tỏa, liên vùng, hình thành kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.

Theo đó, ngoài việc đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện có, bảo đảm tính đồng bộ, trong 10 năm tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong việc huy động nguồn lực hình thành hệ thống đường bộ cao tốc có năng lực vận tải lớn, tốc độ cao, an toàn để kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, Lào, Campuchia thông qua 4 trục ngang cao tốc: từ cửa khẩu Bờ Y kết nối với cảng biển Quảng Nam, cửa khẩu Lệ Thanh kết nối với cảng biển Quy Nhơn, từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang đến cảng biển Quảng Nam và từ tỉnh Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên xuống cảng biển Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Theo các quy hoạch ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, ngay trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 11 dự án trong vùng và có tính chất liên vùng với kinh phí khoảng 31.514 tỷ đồng (Bộ GTVT đã bố trí khoảng 17.044 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dự kiến bố trí khoảng 5.250 tỷ đồng) và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước khoảng 9.220 tỷ đồng.

Để triển khai sớm các dự án này, bên cạnh việc tập trung huy động nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường sắt, sân bay để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

“Với sự đầu tư mang tính đột phá, trong 10 năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết chặt chẽ với vùng duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, tạo cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, phát huy được các lợi thế của 2 vùng kinh tế”, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục