Đầu tư LDG (LDG) thoát lỗ quý II/2022 nhờ ghi nhận lãi phạt chậm thanh toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu giảm 85,7% và lợi nhuận tăng 62,8% trong quý II/2022.
Đầu tư LDG (LDG) thoát lỗ quý II/2022 nhờ ghi nhận lãi phạt chậm thanh toán

Trong quý II/2022, Đầu tư LDG ghi nhận doanh thu đạt 12,95 tỷ đồng, giảm 85,7% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 62,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 50,7% về chỉ còn 48,9%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 86,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 39,49 tỷ đồng về 6,33 tỷ đồng; doanh thu tài chính bất ngờ tăng thêm 59,98 tỷ đồng lên 63,06 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 180,7%, tương ứng tăng thêm 20,91 tỷ đồng lên 32,48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 21,9%, tương ứng giảm 6,98 tỷ đồng về 24,94 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 51,09 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 2,33 tỷ đồng, tức giảm tới 53,42 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý II hoạt động kinh doanh cốt lõi âm, Công ty chỉ thoát lỗ khi ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.

Cơ cấu doanh thu tài chính của LDG.

Cơ cấu doanh thu tài chính của LDG.

Công ty thuyết minh doanh thu tài chính tăng đột biến trong quý II chủ yếu do ghi nhận lãi phạt chậm thanh toán 62,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Đầu tư LDG ghi nhận doanh thu đạt 139,52 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 14,12 tỷ đồng, tăng 55,8% so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, Đầu tư LDG đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty chỉ mới hoàn thành được 4,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thực tế, Đầu tư LDG đã nhiều năm đặt kế hoạch tham vọng nhưng không hoàn thành.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 516,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 416,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 34,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 718.2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Đầu tư LDG đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Được biết, Đầu tư LDG liên tục duy trì mô hình kinh doanh thâm hụt vốn kéo dài và tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Trong đó, dòng tiền kinh doanh năm 2019 âm 1.769,56 tỷ đồng, năm 2020 ghi nhận âm 96,5 tỷ đồng, và năm 2021, tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 956,35 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Đầu tư LDG tăng 10,2% so với đầu năm lên 7.837,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.786,9 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.439,5 tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.252,4 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu dài hạn tăng 17,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 211,5 tỷ đồng lên 1.439,5 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 7,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 252,5 tỷ đồng lên 3.786,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 56,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 723,1 tỷ đồng lên 1.993 tỷ đồng và chiếm tới 25,4% tổng nguồn vốn.

Được biết, thời điểm 31/12/2018, Đầu tư LDG chỉ sử dụng 156,5 tỷ đồng nợ vay, chiếm 3,2% tổng nguồn vốn. Như vậy, từ cuối năm 2018 tới nay, Công ty đã tăng vay nợ thêm 2.876,1 tỷ đồng lên 1.993 tỷ đồng. Thời điểm tăng nợ vay trùng với giai đoạn dòng tiền kinh doanh liên tục thâm hụt, Công ty phải huy động dòng vốn bên ngoài bù đắp dòng tiền kinh doanh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu LDG giảm 140 đồng về 9.420 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục